Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 vẫn còn nhiều băn khoăn

Cập nhật: 29/09/2021

VOV.VN - Mặc dù, Bộ TN&MT đã tiếp thu ý kiến góp ý và chỉnh sửa, nhưng trong Dự thảo Nghị định Luật Bảo vệ môi trường 2020 mới được cập nhật vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.

Dự thảo còn trùng lặp, chưa tính đến đặc thù từng ngành

Mới đây, sau khi nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài lên tiếng về những bất cập trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có thông cáo báo chí để “thông tin, làm rõ các nội dung”, đã tiếp thu khá nhiều ý kiến góp ý so với dự thảo cũ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, đại diện các tổ chức cho rằng, trong bản Dự thảo Nghị định mới được trình Bộ Tư pháp và các Bộ, ban, ngành thẩm định vẫn còn một số điểm còn băn khoăn.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, mặc dù Bộ TN&MT nói rằng dự thảo mới đã tiếp thu nhiều ý kiến theo hướng đơn giản hóa nhiều quy định về hồ sơ, trình tự đề nghị cấp giấy phép môi trường. Nhưng thực tế hồ sơ và thủ tục xin cấp giấy phép môi trường rất phức tạp, trùng lặp, không rõ thời gian thực hiện.

Cụ thể, các doanh nghiệp chỉ ra, mặc dù hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường trong dự thảo này đã cắt giảm hơn so với dự thảo trước nhưng thủ tục cấp phép còn gây phức tạp, trùng lặp, điều kiện cấp phép còn bất hợp lý.

“Mặc dù hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường (GPMT) trong dự thảo này đã cắt giảm hơn so với dự thảo trước (8 mục so với 15 mục), nhưng trong 8 mục vẫn còn 5 mục chồng chéo với hồ sơ xin duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM), tức là doanh nghiệp vẫn phải nộp 5 mục hồ sơ 2 lần”, ông Nam chỉ ra.

Theo ông Nam, quy trình cấp phép trùng lặp, không rõ ràng, phần lớn doanh nghiệp vẫn sẽ phải trải qua 2 lần thẩm định + 2 lần kiểm tra thực địa. Quy trình cấp phép không hiệu quả để bảo vệ môi trường do chỉ là tiền kiểm.

Hơn nữa, việc tiền kiểm như lập đoàn kiểm tra khi dự án còn chưa vận hành thử nghiệm mà không hậu kiểm thì không thể phát hiện được các vi phạm, trong khi những quy định này làm tăng thêm giấy phép và giấy phép con.

Trước đây dự án phải làm ĐTM chỉ cần xin duyệt ĐTM, không cần xin giấy phép môi trường. Bây giờ thì dự án đã được duyệt ĐTM vẫn phải xin giấy phép môi trường, mà hồ sơ xin giấy phép môi trường lại nhiều phần trùng lặp với hồ sơ ĐTM.

"Bộ TN&MT không nên so với dự thảo cũ mà nên xem hồ sơ có bị trùng, thủ tục xét duyệt có hợp lý hay không mới đúng với tinh thần cải cách hành chính. Không lẽ dự thảo đầu tiên có 8 điểm dở, dự thảo cuối còn 5 điểm dở thì được coi là cải cách?", ông Nam nhấn mạnh.

Nguy cơ nhiều nhà máy phải đóng cửa và di dời hàng loạt

Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, đối với quy định cấm sử dụng bao bì nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy từ sau năm 2025 sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.

Theo quy định này, từ 1/1/2026 toàn bộ sản phẩm từ nhựa khó phân hủy như chai nhựa, can nhựa, hộp nhựa đựng thực phẩm, hóa mỹ phẩm (ví dụ nước khoáng, nước ngọt, nước mắm, mắm tôm, dầu ăn, dầu gội đầu, sữa tắm, tẩy bồn cầu,…) đều không được lưu hành do các sản phẩm này không được phép bán, kinh doanh trên thị trường nữa.

“Hiện không có nước nào quy định như vậy (bao gồm cả EU, Mỹ,…) do chưa có các công nghệ thay thế. Quy định này sẽ buộc hàng loạt nhà máy sản xuất thực phẩm, hóa mỹ phẩm đóng cửa và người tiêu dùng không có sản phẩm thực phẩm, hóa mỹ phẩm để sử dụng hàng ngày. Ngay cả EU cũng chỉ định hướng là đến 2030 sẽ chuyển đa số sản phẩm sang sử dụng nhựa phân hủy sinh học, cấm nhựa khó phân hủy do dự kiến 10 năm nữa có thể có công nghệ thay thế, còn trước mắt họ chỉ cấm sản phẩm dùng một lần như cốc, đĩa nhựa, ống hút dùng một lần, tăm bông ngoáy tai,.. và họ có danh mục cụ thể sản phẩm nào cấm, các sản phẩm dùng một lần khác vẫn được phép sử dụng chứ không quy định chung là cấm hết như Việt Nam” ông Nam chỉ ra.

Ông Nam kiến nghị, hủy bỏ quy định cấm sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy, đối với quy định cấm sử dụng bao bì nhựa dùng một lần, cần có danh mục sản phẩm cụ thể, đồng thời lùi thời hạn áp dụng ít nhất tới năm 2028. Cùng với đó là giá thành nguyên liệu phân hủy sinh học (PHSH) cao gấp 3 lần nhựa thông thường.

“Việt Nam là nước đang phát triển, chúng ta có nên định hướng phát triển theo hướng sử dụng các sản phẩm nhựa PHSH hay nhựa thông thường nhưng quản lý chặt phần thu gom tái chế”, ông Nam nói.

Nguồn đóng góp tài chính từ EPR phải được chi trực tiếp cho tái chế

Liên quan đến Dự thảo Nghị định về Luật BVMT năm 2020, đồng loạt 30 tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực môi trường như: Liên minh Không rác Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh, Nhóm Nghiên cứu e-Policy, Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương, Trung tâm Con người và Thiên nhiên,…đã kiến nghị, tăng tỷ lệ tái chế bắt buộc, tăng và minh bạch mức đóng góp tài chính để đảm bảo thực hiện các chiến lược môi trường quốc gia.

“Nếu Nghị định giới hạn tăng không quá 5% cho mỗi 3 năm (Khoản 6, Điều 87 dự thảo Nghị định) sẽ không thể đạt mực tiêu tái chế 85% vào năm 2025 như đã đề ra trong Quyết định 1316 của Thủ tướng Chính phủ”, thư kiến nghị nêu.

Các tổ chức cá nhân cũng kiến nghị, cần quy định rõ vai trò của các tổ chức khoa học ngoài công lập về môi trường và Hội bảo vệ người tiêu dùng trong cơ chế EPR, cụ thể là Hội đồng EPR Quốc gia và trong việc giám sát việc thực hiện EPR tại Việt Nam.

“Đề nghị Hội đồng EPR Quốc gia phải có đại diện của đầy đủ các bên có quyền và lợi ích liên quan. Tức là có đại diện Hội bảo vệ người tiêu dùng để có thể giám sát việc doanh nghiệp sử dụng các nguồn tài chính thu từ người tiêu dùng cho hệ thống EPR”, các tổn chức môi trường kiến nghị.

30 tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực môi trường kiến nghị nguồn đóng góp tài chính từ EPR phải được chi trực tiếp cho tái chế, xử lý chất thải, tăng cường hỗ trợ cho địa phương xử lý chất thải.

“EPR tuân theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, sẽ giúp chia sẻ gánh nặng tài chính từ ngân sách công hay người nộp thuế nói chung sang nhà sản xuất, nhà nhập khẩu mà cuối cùng là người tiêu dùng để họ cân nhắc lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường. Các khoản đóng góp tài chính vào Quỹ không phải là thuế, phí hay lệ phí theo quy định của luật, do đó, khoản đóng góp này không nên nhập vào ngân sách chung và chỉ cho các hoạt động quản lý nhà nước nói chung mà phải chi cho hoạt động quản lý chất thải”, 30 tổ chức và cá nhân nêu.  

Theo các tổ chức môi trường, so với các nước trên thế giới, Việt Nam chưa thể thực hiện được EPR dẫn đến nhiều hệ lụy cho môi trường, sức khỏe cộng đồng và tốn kém cho ngân sách./.

Từ khóa: Dự thảo Nghị định Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Bảo vệ môi trường 2020, rác thải nhựa, đánh giá tác động môi trường

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập