Dự thảo Luật Đất đai sẽ lấy ý kiến nhân dân về những nội dung nào?
Cập nhật: 14/12/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết nghị việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Nghị quyết nêu rõ, nội dung lấy ý kiến nhân dân phải toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung, chính sách lớn của dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm.
Trên cơ sở đó, Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về toàn văn dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm cũng như phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan đầu mối lấy ý kiến đối với các nhóm đối tượng cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực.
Một trong những nội dung quan trọng cần lấy ý kiến là nguyên tắc áp dụng Luật Đất đai. Điều 4 dự thảo đã quy định theo hướng làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai với luật khác có liên quan để tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó là quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu về đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Chính phủ mong muốn nhận được ý kiến về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Dự thảo đã quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và quy định rõ nội hàm dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (điều kiện, tiêu chí).
Đồng thời, dự thảo Luật quy định cụ thể hơn về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi.
Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, Chính phủ đề nghị cho ý kiến về các trường hợp và các tiêu chí, điều kiện giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá và có thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; trường hợp thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư; trường hợp chủ đầu tư đang là người sử dụng đất hoặc thỏa thuận với người sử dụng đất nhưng phải chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án; việc phân cấp thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sang mục đích khác.
Liên quan cơ chế, chính sách tài chính, giá đất, nội dung lấy ý kiến nhân dân là thời kỳ ban hành bảng giá đất; các trường hợp áp dụng bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; các trường hợp miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; quy định điều tiết nguồn thu từ đất.
Bên cạnh đó là quy định về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai.
Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, Chính phủ đề nghị cho ý kiến đối với hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; việc bổ sung quy định quyền thuê trong hợp đồng thuê đất đối với trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm.
Phát triển quỹ đất cũng là nội dung lớn cần lấy ý kiến nhân dân lần này.
Về chế độ quản lý, sử dụng các loại đất, nội dung tập trung vào việc thực hiện gia hạn thời hạn sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; xử lý đất có nguồn gốc nông, lâm trường; tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; việc sử dụng đất đa mục đích, sử dụng đất kết hợp và nguyên tắc sử dụng đất đa mục đích.
Ngoài ra là việc phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Một nội dung lớn khác là quy định liên quan đến việc bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất.
Sau thời gian lấy ý kiến nhân dân (từ 3/1 đến hết ngày 15/3/2023), Chính phủ sẽ tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV./.
Từ khóa: dự thảo Luật Đất đai, lấy ý kiến nhân dân về luật đất đai, nội dung chính luật đất đai sửa đổi
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN