Du lịch TPHCM nỗ lực phục hồi sau dịch Covid-19
Cập nhật: 10/05/2020
VOV.VN -Khi dịch bệnh cơ bản đã được khống chế, các doanh nghiệp và ngành chức năng bắt đầu thực hiện kế hoạch phục hồi.
Tác động của Covid-19 khiến ngành du lịch TPHCM bị thiệt hại nặng nề. Theo thống kê, trong hai tháng đầu năm 2020, trung bình lượng khách và doanh thu của các công ty lữ hành giảm 50%-60% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, trong tháng 3, một số công ty lượng khách và doanh thu giảm 95%-100% so với cùng kỳ năm trước. Khi dịch bệnh cơ bản đã được khống chế, các doanh nghiệp và ngành chức năng bắt đầu thực hiện kế hoạch phục hồi, tái cơ cấu lại thị trường du lịch thời kỳ hậu Covid-19.
Nhà thờ Đức Bà không một bóng người trong những ngày dịch Covid-19. |
Cơ hội vàng cho thị trường nội địa
Theo ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nặng nề với kinh doanh lữ hành, đặc biệt là từ sau tháng 3 khi toàn bộ các mảng kinh doanh chính đều chững lại, doanh thu gần như bằng 0. Vào cuối tháng 4, khi Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội và mới đây nhất là gỡ bỏ giãn cách trên máy bay, tàu, xe và phương tiện công cộng thì Saigontourist đã bắt đầu làm lại toàn bộ những chương trình kích cầu, mở bán các tour tuyến trên toàn quốc và đang có tín hiệu khá tốt.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên cho biết thêm, do hiện nay Việt Nam và hầu hết các nước đang kiểm soát chặt biên giới, du lịch TPHCM chưa đón khách quốc tế nên du lịch nội địa, các tour du lịch ngắn ngày và quy mô nhỏ là xu hướng mà doanh nghiệp đang hướng tới.
"Khó khăn hiện nay là sau khoảng 2 tháng giãn cách xã hội, các nhà cung ứng ở các địa phương, từ resort, nhà hàng cho đến các điểm tham quan chưa mở lại hết. Do đó, đến sau tháng 5, mọi cái bắt đầu khởi động lại, những nhà cung cấp khởi động lại thì chỗ nào mở ra chúng tôi sẽ tiếp cận và đưa khách đến đấy" - Ông Nguyễn Hữu Y Yên chia sẻ.
Cũng như nhiều cơ sở lưu trú trên địa bàn TPHCM, do ảnh hưởng bởi Covid-19 mà công suất phòng của khách sạn Rex (Quận 1) từ mức 80% giảm sâu và đến giờ chỉ còn khoảng 7%. Để từng bước phục hồi trong giai đoạn “bình thường mới”, khách sạn chủ trương tập trung vào khách nội địa, dịch vụ nhà hàng, đẩy mạnh các gói khuyến mãi về phòng, ăn uống và phát triển chính sách giá đặc biệt từ nay đến cuối năm.
|
|
Chùm tour du lịch Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn vừa được đưa vào khai thác nhân kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Đất nước. (Ảnh: Phòng Công nghệ - Thông tin Du lịch) |
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trợ lý Giám Đốc Khách sạn Rex cho hay, việc TPHCM ban hành bộ tiêu chí an toàn đối với hoạt động du lịch là việc làm hết sức cần thiết để tạo được lòng tin với du khách.
"Vấn đề an toàn luôn được khách sạn đặt lên hàng đầu. Phòng ngủ thường xuyên được khử khuẩn khử trùng, ăn sáng được phục vụ tại phòng, hoặc ra nhà hàng, lên sân thượng, những nơi có không khí thoáng đãng. Làm như vậy khách hàng sẽ có cảm giác mình được an toàn. Ngoài ra, khách sạn cũng truyền thông về một môi trường lưu trú an toàn trên Facebook và nhiều kênh truyền thông khác" - Theo Ông Nguyễn Mạnh Hùng.
Liên kết để phát triển
Ông Trần Hùng Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM đánh giá lượng khách tham quan tại các điểm như: Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu trong dịp lễ 30/4 – 1/5 vừa qua chính là tín hiệu cho thấy sự phục hồi của ngành du lịch. Sau thời gian “ngủ đông”, thời điểm này chính là cơ hội vàng để du lịch Việt Nam nói chung và du lịch TPHCM nói riêng tái cơ cấu thị trường nội địa. Theo đó, bên cạnh sự nỗ lực của từng doanh nghiệp, cần có một chương trình chung nhằm tăng cường sự liên kết các doanh nghiệp, các ngành với nhau.
Ông Trần Hùng Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM. |
"Có một vấn đề về du lịch kích cầu là phải phối hợp với nhau để đưa ra một mức giá hợp lý để đưa vô gói kích cầu. Làm thế nào để các đơn vị đều có thể trụ được trong thời gian khó khăn này. Chính vì vậy, trong thời điểm này, hòa vốn, nuôi được bộ máy và trả được các chi phí là đã thành công rồi" - Ông Trần Hùng Việt bày tỏ.
Cũng theo ông Trần Hùng Việt, thời điểm này, TPHCM cần duy trì sự liên kết với cơ quan du lịch của các nước trong khu vực và trên thế giới để nắm bắt được tình hình, có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng để ngay khi các quốc gia này mở cửa, chúng ta có thể tái khởi động một cách nhanh chóng vào thị trường quốc tế.
Về phía Sở Du Lịch TPHCM, bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP cho rằng, việc phục hồi ngành du lịch dựa trên sự sống còn và sức bật trở lại của từng doanh nghiệp. Do đó, Sở cũng đã tham mưu các cơ quan cấp trên đề ra những nhóm giải pháp hữu hiệu, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như: Giãn thuế, lùi thời hạn trả bảo hiểm xã hội, phát thành voucher du lịch, hoàn thành Cẩm nang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19, thúc đẩy triển khai liên kết sản phẩm vùng với 13 tỉnh, thành ĐBSCL và các tỉnh, thành Đông Nam bộ - những nơi chịu ít ảnh hưởng của dịch.
|
|
Hình ảnh "Bánh mì Sài Gòn" trên Google. (Ảnh: Phòng Công nghệ - Thông tin Du lịch) |
Theo bà Võ Thị Ngọc Thúy, "Trong kế hoạch kích cầu du lịch, TPHCM thực hiện song song với chương trình quảng bá truyền thông. Bắt đầu từ chiến dịch “Bánh mì Sài Gòn”, Sở Du lịch TPHCM đã phối hợp với Google để truyền thông trên 11 quốc gia. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ có chương trình quảng bá vói tên gọi “Hello, Hochiminh City”, trong đó sẽ giới thiệu hình ảnh TPHCM trong thời điểm hiện tại, an toàn, sống động và luôn cởi mở để chào đón du khách".
Như vậy, cùng với những phương án hỗ trợ của TPHCM, các doanh nghiệp cũng cần có giải pháp phục hồi riêng, tùy thuộc vào khả năng khống chế dịch của mỗi thị trường mục tiêu, từng bước đưa ngành du lịch quay trở lại hoạt động. Chính điều này sẽ giúp du lịch TPHCM nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung sớm trở lại quỹ đạo phát triển, nhất là khi tất cả các đường bay đã được khôi phục./.
Từ khóa: Du lịch, Du lịch tphcm, dịch Covid-19, Du lịch TPHCM sau dịch
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN