Du lịch Quảng Ngãi với biển đảo hoang sơ, địa chất độc đáo, văn hoá đa đạng
Cập nhật: 11/02/2023
VOV.VN - Ngoài tiềm năng biển đảo, tỉnh Quảng Ngãi còn có lợi thế về phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Địa phương này đang triển khai nhiều giải pháp định vị thương hiệu, đưa du lịch Quảng Ngãi phát triển bền vững.
Gò Cỏ là một ngôi làng cổ Champa nằm gọn trong thung lũng ven biển Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là điểm du lịch cộng đồng đang hấp dẫn du khách xa gần. Đến với làng cổ Gò Cỏ, du khách có dịp khám phá phong cảnh hoang sơ tuyệt đẹp, cùng không gian sống cổ xưa, mộc mạc.
Chị Trần Thị Cúc, ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam rất thích thú khi cùng sinh hoạt, trải nghiệm những phong tục, tập quán, thưởng thức ẩm thực và được nghe những làn điệu dân ca, bài chòi do chính những nghệ nhân miền biển làng Gò Cỏ thể hiện.
“Tôi rất thích vẻ đẹp hoang sơ, khung cảnh yên bình của làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ cũng như khu du lịch văn hóa Sa Huỳnh. Từ cảnh đẹp, văn hóa đến con người vùng đất này rất đặc biệt. Hy vọng tất cả sẽ được gìn giữ nguyên vẹn như thế này để tạo nét riêng có, thu hút du khách khi đến với Quảng Ngãi” - chị Trần Thị Cúc chia sẻ.
Xuất thân từ dân làng chài, mấy năm nay, hàng chục hộ dân ở làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ tận dụng lợi thế của địa phương để làm du lịch cộng đồng. Nhà homestay với lối kiến trúc xưa cũ, nhà tranh, vách đất gần gũi với thiên nhiên luôn níu chân du khách. Nằm trong khu vực vùng lõi của không gian văn hóa Sa Huỳnh, làng Gò Cỏ còn lưu giữ nhiều di tích cổ Champa như những con đường đá, các tháp cổ, giếng cổ, bia ký, tường đá, hệ thống thủy lợi bằng đá…
Cách đây hơn 5 năm, dân làng Gò Cỏ tham quan học tập và thành lập Hợp tác xã du lịch cộng đồng. Năm 2020, làng Gò Cỏ được công nhận là sản phẩm du lịch 3 sao theo tiêu chuẩn OCOP đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi.
Bà Bùi Thị Vân, thành viên Câu lạc bộ Bài chòi làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ khoe rằng không cần đi đâu xa, cứ ở nhà lo sửa soạn vườn tược, nhà cửa và tiếp đón du khách như đón người thân từ xa về: “Từ ngày có du lịch cộng đồng, quê hương mình sáng sủa ra. Tinh thần bà con phấn khởi, có thêm động lực, phát triển mạnh mẽ. Thấy làng có du khách tới xôn xao, khách Tây, khách Việt Nam. Ngày nào cũng có nườm nượp, hai, ba đoàn khách tới”.
Cuối năm 2022, Di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Di tích này bao gồm di tích Long Thạnh (còn gọi là Gò Ma Vương), di tích Thạnh Đức, di tích Phú Khương, quần thể di tích Champa trong không gian Sa Huỳnh, đầm An Khê và lạch An Khê - sông Cửa Lỗ. Ngoài biển đảo, kho tàng văn hóa Sa Huỳnh là một trong những lợi thế hiếm có để tỉnh Quảng Ngãi thu hút du khách trong thời gian đến.
Theo ông Phan Long - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ngãi, các đơn vị, công ty du lịch chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng nhiều tour tuyến mới, tạo thuận lợi để du khách khám phá vùng đất và con người Quảng Ngãi: “Hiệp hội thống nhất đưa ra những chương trình kích cầu, giảm giá sâu cho từng nhóm du khách từ 5 - 10 người. Các đơn vị cũng có chương trình kích cầu, thu hút khách hoặc tặng voucher”.
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành Đề án xây dựng chương trình định vị và phát triển du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đây là tiền đề quan trọng để Quảng Ngãi phát triển du lịch bền vững và chuyên nghiệp hơn. Theo đó, tỉnh phát triển, xây dựng và định vị thương hiệu du lịch dựa trên tính đặc trưng riêng có và giá trị cốt lõi của tài nguyên biển đảo và văn hóa Sa Huỳnh. Trong đó, chọn đảo Lý Sơn làm hạt nhân với đặc trưng núi lửa biển. Địa phương tập trung phát triển các hoạt động du lịch mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ về một Quảng Ngãi biển đảo hoang sơ, địa chất độc đáo, nền văn hoá đa dạng, đặc sắc.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, thương hiệu du lịch Quảng Ngãi gắn liền với hình ảnh đặc trưng là đảo Lý Sơn và văn hóa Sa Huỳnh: “Chúng tôi phát triển du lịch ở khu di tích quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh và kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu du lịch Sa Huỳnh. Quảng Ngãi thực hiện tốt công tác quy hoạch về phát triển du lịch của tỉnh. Trong đó, đặc biệt là tuyến du lịch biển Mỹ Khê, quy hoạch đường Dung Quất - Sa Huỳnh. Chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân toàn tỉnh nhận thức đầy đủ về phát triển du lịch. Đây được xác định là một trong những nhiệm vụ sau này du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế bền vững của tỉnh”./.
Từ khóa: văn hóa Sa Huỳnh Quảng Ngãi, thương hiệu du lịch quảng ngãi, hình ảnh du lịch quảng ngãi, biển quảng ngãi hoang sơ
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN