Dự kiến phân loại tài sản số để quản lý
Cập nhật: 4 giờ trước
Thủ tướng LB Nga sắp thăm chính thức Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào
VOV.VN - Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số dự kiến giao Chính phủ quy định phân loại, thẩm quyền, nội dung quản lý tài sản số, cung ứng dịch vụ tài sản số phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Sáng 6/1, tại Phiên họp 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và sẽ biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Về tài sản số, ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội cho biết, có ý kiến cho rằng, tài sản số là vấn đề mới, thay đổi nhanh cần có sự đầu tư nghiên cứu, rà soát kỹ hơn và nên giao Chính phủ quy định chi tiết. Ý kiến khác cho rằng, cần nghiên cứu để bổ sung quy định về các loại tài sản số trong dự thảo luật.
Để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện nội dung này, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã phối hợp tổ chức làm việc với các cơ quan chuyên môn có liên quan.
Qua nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, tài sản số là vấn đề mới, phức tạp, phát triển, thay đổi nhanh chóng; hiện nay trên thế giới cũng chưa có khung pháp lý quy định đầy đủ về vấn đề này và vẫn còn có quan điểm khác nhau.
“Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, thống nhất quy định khung về vấn đề này (Điều 13 và Điều 14) như khái niệm, phân loại tài sản số dựa trên mục đích sử dụng, công nghệ và các tiêu chí khác; giao Chính phủ quy định phân loại, thẩm quyền, nội dung quản lý tài sản số, cung ứng dịch vụ tài sản số phù hợp với điều kiện thực tiễn”, ông Lê Quang Huy cho biết.
Cũng theo ông Lê Quang Huy, có ý kiến đề nghị xem xét có cần sửa Bộ luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử, Luật Chứng khoán hay không khi quy định về tài sản số trong dự thảo luật.
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy các quy định về tài sản số trong dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý, không chồng chéo, mâu thuẫn với pháp luật hiện hành; không phải sửa đổi Bộ luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử và Luật Chứng khoán.
Dự luật định nghĩa tài sản số là tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử.
Tài sản ảo là một loại tài sản số được giao dịch hoặc chuyển giao và có thể được dùng cho mục đích thanh toán hoặc đầu tư. Tài sản ảo không bao gồm chứng khoán, dạng số của tiền pháp định và tài sản tài chính khác theo quy định pháp luật.
Trong khi đó, tài sản mã hóa là tài sản số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bằng công nghệ chuỗi khối, công nghệ sổ cái phân tán hoặc công nghệ số khác tương tự.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đồng tình đây là vấn đề phức tạp, quốc tế cũng chưa có quy định thống nhất. Ví dụ Bitcoin được Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp xây dựng cơ sở pháp lý cho vấn đề này. Thực tế, người dân đang sử dụng Bitcoin để giao dịch. Vì vậy, ông lưu ý quản lý các loại tài sản này cần phù hợp với quy định trong Luật Phòng chống rửa tiền đang được soạn thảo.
Từ khóa: tài sản số, phân loại tài sản số,tai sản mã hóa, tiền ảo,Luật Công nghiệp công nghệ số, ủy ban thường vụ quốc hội
Thể loại: Nội chính
Tác giả: ngọc thành/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN