Dự G20: Việt Nam chủ động phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương
Cập nhật: 25/09/2019
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai
Tổng kiểm kê tài sản công để khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước
VOV.VN -Tại Hội nghị G20 năm 2019 này, Việt Nam là một trong 8 nước khách mời đặc biệt của nước chủ nhà Nhật Bản.
Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, từ ngày 27/ 6 đến ngày 1/7/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản. Chuyến thăm Nhật Bản và dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy, Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản nói riêng, tiếp tục khẳng định các nỗ lực chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương nói chung.
Từ ngày 27/ 6 đến ngày 1/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20. |
Tại Hội nghị G20 năm 2019 này, Việt Nam là một trong 8 nước khách mời đặc biệt của nước chủ nhà Nhật Bản. Việc Việt Nam thường xuyên được mời tham dự Hội nghị G20 những năm gần đây cho thấy vai trò, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng tăng.
Nhóm các nền kinh tế lớn G20 được thành lập năm 1999, bao gồm nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) là Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Italia, Canada cùng một số thành viên khác như Liên minh châu Âu (EU), BRIC (Braxin, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ) và các quốc gia: Hàn Quốc, Argentina, Australia, Indonesia, Mexico, Saudi Arabia, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hội nghị Thượng đỉnh G20 là diễn đàn cấp cao lãnh đạo 20 quốc gia phát triển, lãnh đạo EU, một số chủ thể tài chính quốc tế như IMF, WB..., và lãnh đạo một số nền kinh tế đang trỗi dậy. Nhóm G20 có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu khi chiếm 2/3 dân số, sản xuất ra 90% tổng sản phẩm và 80% giao dịch thương mại toàn cầu.
Năm 2008, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra, G20 tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh thông qua Tuyên bố chung khẳng định cam kết chính trị ở cấp cao nhất về phối hợp hành động ứng phó với khủng hoảng. Đến nay, nhóm G20 đã tổ chức 12 Hội nghị Thượng đỉnh để thảo luận và thông qua nhiều văn kiện, thỏa thuận quan trọng về các vấn đề lớn của kinh tế toàn cầu.
Hội nghị Thưởng đỉnh G20 lần này được tổ chức từ ngày 28-29/6/2019 tại thành phố Osaka (Nhật Bản). Lần đầu tiên được tổ chức tại Nhật Bản, G20 là hội nghị cấp cao lớn nhất từ trước tới nay mà Nhật Bản tổ chức và đặc biệt có ý nghĩa đối với nước chủ nhà.
Theo dự kiến, hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ có 4 phiên thảo luận. Phiên một tập trung thảo luận về kinh tế toàn cầu, thương mại, đầu tư. Phiên thứ hai bàn về đổi mới sáng tạo và kinh tế số. Phiên thứ ba bàn về phát triển bền vững, việc làm, phụ nữ, y tế; Phiên bốn tập trung thảo luận về môi trường, năng lượng và biển đổi khí hậu.
Trước đó, Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần đầu tiên vào năm 2010 với tư cách Chủ tịch ASEAN. Trên cương vị chủ nhà Năm APEC 2017, trong năm Đức làm Chủ tịch G20, Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và các hoạt động liên quan. Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị G20 xây dựng Khuôn khổ toàn cầu mới về thúc đẩy tự do thương mại, chuyển giao công nghệ các sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số và xem xét lập Diễn đàn toàn cầu về khởi nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, thực hiện khởi nghiệp sáng tạo. Nhiều sáng kiến đóng góp của Việt Nam đã được G20 ghi nhận trong Tuyên bố chung như đề cao hợp tác quốc tế trong xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu, phát triển bao trùm và bền vững, nông nghiệp và an ninh nguồn nước, việc làm trong kinh tế số.
Tại hội nghị năm nay, Việt Nam sẽ tham dự tất cả các hội nghị và cuộc họp trong khuôn khổ G20; tham gia thảo luận tại tất cả các phiên họp của Hội nghị thượng đỉnh và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung Hội nghị.
Trên cơ sở quan hệ Đối tác Chiến lược tốt đẹp sẵn có, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục phát triển tốt đẹp, toàn diện với sự tin cậy chính trị cao. Nếu như năm 2009, Nhật Bản là nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam, thì năm 2011, Nhật Bản cũng là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Tháng 5/2016, Nhật Bản là nước G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng. Trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 3/2014, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.
Trên cơ sở hợp tác tốt đẹp sẵn có, việc Việt Nam tham dự hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này tại Nhật Bản là dịp để Việt Nam góp thêm tiếng nói cùng những nền kinh tế đang nổi giải quyết những vấn đề chung của nền kinh tế thế giới, duy trì trật tự và xu thế của nền kinh tế quốc tế, đáp ứng lợi ích của mọi nền kinh tế, chống lại những xu thế tiêu cực với nền kinh tế toàn cầu. Điều này thể hiện vị thế quan trọng của Việt Nam trong nền chính trị thế giới và nền kinh tế Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ, có tác động phần nào tới nền kinh tế toàn cầu.
Chuyến thăm Nhật Bản và tham dự hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy, Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản, nhấn mạnh những cơ hội hợp tác giữa hai nước, phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương toàn cầu./.
Từ khóa: Thủ tướng, Thủ tướng dự G20, Hội nghị Thượng đỉnh G20, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe,
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN