Dự báo Việt Nam xuất khẩu 6 triệu tấn gạo năm 2019

Cập nhật: 25/09/2019

Trong năm nay, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đạt 6 triệu tấn, tương đương so với kết quả đã đạt được của năm ngoái.

Tại Hội nghị “Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra sáng nay (26/2) tại Đồng Tháp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức, nhiều giải pháp đã được đề xuất nhằm giải quyết khó khăn trước mắt và lâu dài cho sản xuất và tiêu thụ lúa gạo vùng ĐBSCL.

Vụ Đông Xuân 2018 – 2019, ĐBSCL xuống giống 1 triệu 600 ngàn ha lúa. Từ đầu năm đến nay, các thị trường lớn như Trung Quốc và Philippines chưa mở cửa cộng với doanh nghiệp đang tập trung cho các đơn hàng cũ nên chưa đẩy mạnh thu mua, dẫn đến giá lúa trong những ngày qua xuống thấp.
xuat khau gao viet nam du bao dat 6 trieu tan nam 2019 hinh 1
Ghe lúa đang chờ đến lượt được thu mua ở Lấp Vò, Đồng Tháp.

Trước sự vào cuộc chỉ đạo kịp thời, khẩn trương và quyết liệt của Chính phủ, giá lúa gạo đã tăng nhẹ 100-300 đồng/kg và nhiều đối tác đã đặt vấn đề nhập khẩu trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, ngoài việc xử lý tình huống cho vụ Đông Xuân này, vấn đề đặt ra là cần xác lập tầm nhìn dài hạn hơn đối với một ngành hàng có tác động đến hàng triệu nông dân trồng lúa.

"Nông sản Việt, trong đó có ngành hàng lúa gạo, để không tiếp tục bị giải cứu, để nông dân không còn ngồi trên đống lửa, cần một chương trình hành động cụ thể, đồng bộ, liên tục, kiên trì để thoát khỏi cảnh chi phí cao, chất lượng kém. Không thể tiếp tục sản xuất cá thể, mạnh ai nấy làm, mà phải cùng hợp tác với nhau một cách tự nguyện. Điều đó cho thấy hợp tác xã là giải pháp duy nhất trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp", ông Hoan nhấn mạnh.

xuat khau gao viet nam du bao dat 6 trieu tan nam 2019 hinh 2
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, cần xác lập tầm nhìn dài hạn đối với ngành hàng lúa gạo.

Để xuất khẩu lúa gạo mang tính bền vững, về phía Bộ Công Thương kêu gọi doanh nghiệp tập trung quản lý chất lượng sản phẩm thay vì chạy theo sản lượng. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nêu rõ, doanh nghiệp xuất khẩu gạo đừng chạy theo doanh số, sản lượng mà cần tập trung quản lý chất lượng sản phẩm toàn diện.

"Việt Nam cần thực hiện tối ưu hóa nguồn cung. Nếu sản lượng cả nước vào khoảng 5 triệu tấn thì đầu ra, tiêu thụ đơn giản hơn, nhưng tăng lên 6 - 7 triệu tấn thì lại là cả vấn đề. Bởi vậy, cần tối ưu hóa tổng sản lượng, tối ưu hóa cơ cấu sản lượng", ông Trần Quốc Khánh nói.

Bên cạnh những điểm nghẽn, khó khăn, tín hiệu đáng mừng tại hội nghị này cho thấy mặc dù Chính phủ phải chỉ đạo doanh nghiệp mua lúa gạo dữ trữ và giá lúa đang xuống thấp nhưng triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian tới được dự báo nhiều khả năng sẽ có chuyển biến khá hơn. Bởi theo lãnh đạo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) trong năm nay, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đạt 6 triệu tấn, tương đương so với kết quả đã đạt được của năm ngoái, chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á./.

Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL

Từ khóa: xuất khẩu lúa gạo, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lúa gạo ĐBSCL, giá lúa, nông sản Việt,

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập