Dự báo tăng trưởng GDP quý II tiếp tục biến động theo chiều hướng giảm
Cập nhật: 01/04/2020
VOV.VN - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các chuyên gia dự báo, mức tăng trưởng GDP quý II, quý III tiếp tục biến động theo chiều hướng giảm.
Theo các chuyên gia kinh tế, với động thái cần thiết, quyết liệt đang và sẽ được Chính phủ thực hiện là "giãn cách xã hội”, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm mạnh trong quý II, quý III, đặc biệt là khu vực dịch vụ.
Đối với khu vực công nghiệp - xây dựng, các doanh nghiệp có thể không còn chịu nhiều áp lực do gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc và Hàn Quốc như trước, nhưng sẽ phải đối mặt với suy giảm nguồn cầu ở cả thị trường trong nước lẫn các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, châu Âu. Nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát trên toàn thế giới, cùng những giải pháp vĩ mô, đến giữa quý II này – khi các điểm tắc nghẽn vừa nêu được giải tỏa, GDP Việt Nam mới có thể phục hồi mạnh trở lại.
các chuyên gia dự báo, mức tăng trưởng GDP quý II tiếp tục biến động theo chiều hướng giảm. (Ảnh minh họa: KT) |
Ông Hoàng Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh cho rằng, “Giãn, giảm thuế đất, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp thì đỡ cho doanh nghiệp rất nhiều. Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp tiền điện chiếm tới 30% doanh thu, do vậy, chỉ cần điều chỉnh giá điện từ kinh doanh sang sản xuất thì sẽ hỗ trợ ít nhất là được vài tháng đang trong cao điểm dịch hiện nay”.
Từ số liệu thống kê tình hình kinh tế quý I, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khuyến nghị rõ ràng, các giải pháp cần dựa trên 5 động lực chính. Đầu tiên, đó là động lực từ thể chế, tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế. Bởi, tháo gỡ về thể chế sẽ tháo gỡ được giải ngân vốn đầu tư công. Cứ 1% vốn đầu tư công được giải ngân sẽ làm cho GDP tăng thêm 0,06 điểm %.
Động lực thứ 2, khi giải ngân được vốn đầu tư công sẽ kéo theo vốn đầu tư ngoài nhà nước, cần tiếp tục giải ngân nguồn vốn này để có thể tăng được 1,42% GDP.
Động lực thứ ba, bắt buộc, phải là nâng cao năng suất lao động và chuyển dịch cơ cấu lao động. Đây là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế bởi nếu năng suất lao động tăng được 1%, GDP tăng được tới 0,94%; chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý sẽ góp phần tăng 0,25% GDP toàn nền kinh tế.
Hai động lực còn lại là tiêu dùng trong dân đối với hàng hóa nội địa và nhóm động lực tổng hợp khác.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Chính phủ phải có ngay những biện pháp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, phải có các gói trực tiếp hỗ trợ cứu nguy nền kinh tế. Chúng ta không thể dựa vào gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, tiền đó là tiền của các ngân hàng. Cần có một số tiền của ngân sách do Bộ Tài chính chủ trì và giải nguy các doanh nghiệp hoặc là đã chết hoặc là đang cầm cự, nhưng mà đầu tiên là phải giải nguy những doanh nghiệp đang mất tính thanh khoản.
“Về phía người dân thì làm sao tiết kiệm được chi tiêu xài và chỉ chi tiêu những cái gì mà cần thiết nhất, những gì mà cơ bản nhất để duy trì sinh hoạt của mình, cho sự sống của mình, cho gia đình mình. Các doanh nghiệp cũng vậy, phải lên kế hoạch để duy trì sinh hoạt của mình, đặc biệt làm cách nào đó giữ chân người lao động nhiều nhất có thể như giúp họ một phần lương. Tất cả những chính sách y tế cho người dân cũng như doanh nghiệp, là những việc chúng ta cần phải làm ngay”, ông Nguyễn Trí Hiếu nêu ý kiến.
Tuy nhiên, như khẳng định của các chuyên gia, diễn biến phức tạp của dịch bệnh vẫn sẽ khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực bị tác động tiêu cực, có thể kéo dài nửa năm, thậm chí phải 1 năm mới phục hồi. Vẫn cần đồng thời cả những chương trình hành động hỗ trợ tức thì, lẫn chủ trương lớn làm động lực dài hơi để kéo các doanh nghiệp tăng trưởng trở lại.
Trong cuộc họp gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ, “Chính phủ thấm thía nỗi đau của các doanh nghiệp” và khẳng định “cần nâng mức hỗ trợ khẩn cấp, bởi các gói hỗ trợ vừa qua còn ít – chưa phù hợp với điều kiện khó khăn hiện tại. Cùng với đó, cần tăng cường các biện pháp hướng tới mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp và nền kinh tế, tái cơ cấu thị trường, tổ chức lại sản xuất, đào tạo…”.
Vui mừng đón nhận thông tin này, một số doanh nhân cho rằng đây là thời gian để các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cùng có biện pháp dài hạn để xử lý vấn đề vốn. Trong bối cảnh này, phải có sự năng động sáng tạo trong việc thay đổi, chuyển đổi nguồn cung thị trường, chu trình sản xuất, cách thức sản xuất, có những trường hợp nào có thể làm việc được từ xa, sử dụng công nghệ… doanh nghiệp phải đầu tư để thay đổi, doanh nghiệp thay đổi trong việc tiếp cận thị trường để đáp ứng.
Còn theo bà Nguyễn Thu Trang – Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đây cũng chính là giai đoạn phù hợp để các doanh nghiệp phải nhìn lại mình, nhận ra những việc cần làm ngay.
“Khủng hoảng xảy ra nguy cơ cho tất cả các doanh nghiệp, nhưng đó cũng là cơ hội đã mở ra để mình phải quyết liệt chuyển đổi mạnh mẽ hơn. Chúng tôi trong giai đoạn này cố gắng cải tiến để có thể vượt qua khó khăn, để mình có thể giữ được doanh số, duy trì được bộ máy. Khó khăn, cơ hội chia đều cho tất cả các ngành nghề, quan trọng làm sao có được những con người có thể là xoay chuyển được”, bà Nguyễn Thu Trang nhấn mạnh.
Rõ ràng, sự chủ động từ các doanh nghiệp, sự chủ động của từng doanh nhân, cùng sức sáng tạo mạnh mẽ của từng nhân viên, trong mỗi công ty, doanh nghiệp mới thực sự quan trọng. Giải pháp vĩ mô là cần thiết nhưng không thể và không nên được coi là giải pháp quyết định đối với việc hoạt động cầm chừng, phá sản hay phát triển, thịnh vượng của doanh nghiệp. Đó là thực tế khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp - tác động khôn lường; những tình huống tương tự cũng rất khó đoán định và nguồn lực của Chính phủ không phải là vô hạn./.
Từ khóa: Phục hồi tăng trưởng, tăng trưởng kinh tế, covid-19, gdp, GDP quý II
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN