Dự án “xây nhà cho cá” ở Cà Mau: Có 78 loài thủy sản về cư trú

Cập nhật: 23/10/2023

VOV.VN - Dự án “Thả rạn nhân tạo nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản kết hợp phát triển du lịch trên vùng biển tỉnh Cà Mau” đã giúp hàng chục loài thủy sản mới về cư trú.

Chi cục thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết, sau 3 năm thực hiện, Dự án “Thả rạn nhân tạo nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản kết hợp phát triển du lịch trên vùng biển tỉnh Cà Mau” đã phát huy hiệu quả tích cực, nguồn lợi thủy sản trong ngư trường có sự thay đổi đáng kể.

Sản lượng khai thác trung bình và thu nhập của người dân làm các nghề đánh bắt ở khu vực này được tăng lên. Sản lượng trung bình nghề lưới rê tăng khoảng 15,4%, lợi nhuận tăng khoảng 6,5 triệu đồng/chuyến; sản lượng nghề lồng xếp tăng hơn 27%, còn nghề câu mực tăng lên khoảng 16% mỗi chuyến biển.

Qua quay phim, chụp ảnh khu vực thả 900 khối rạn, với chu vi 5,6 km ngoài khơi vùng biển Cà Mau cũng cho thấy, rạn nhân tạo đã giúp các loài sinh vật biển có nơi sinh sản, trú ngụ, tránh được các ngư lưới cụ khai thác mang tính hủy diệt, từ đó khôi phục được nguồn lợi thủy sản. Khảo sát khu vực biển khi chưa thả rạn chỉ ghi nhận một vài loài cá, tôm thì hiện nay ghi nhận 78 loài, trong đó, mật độ cá chiếm tỉ lệ cao với 48 loài.

Trước khi thả rạn, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau cũng chỉ xác định được 40 loài thương phẩm trong các mẻ khai thác ở khu vực biển này. Sau khi thả rạn, số lượng loài thương phẩm trong các mẻ khai thác tăng lên 97 loài.

Dự án “Thả rạn nhân tạo nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản kết hợp phát triển du lịch trên vùng biển tỉnh Cà Mau” được triển khai từ năm 2019, do Chính phủ Thái Lan hỗ trợ. Sau khi thả 500 khối rạn bê tông xuống khu vực biển Tây của tỉnh để làm nơi trú ngụ cho tôm cá, năm 2022, thực hiện chương trình “bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản” tỉnh Cà Mau tiếp tục thả thêm 400 khối rạn bê tông xuống biển để “xây nhà cho cá”.

Ông Nguyễn Hữu Trọng, ngư dân ở Xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời chia sẻ: "Tôi cũng tham gia giữ khu vực rạng này, giữ để sau này có điều kiện đánh bắt thuận lợi hơn. Từ ngày thả rạng tôi cũng vào trong tổ đồng quản lý. Anh em chia nhau giữ, thấy ai đánh bắt gần thì thông báo, động viên đây là khu vực để phục hồi hải sản để anh em đi nơi khác đánh. Thấy phục hồi được khá, lúc này đánh bắt gần khu vực thì nguồn lợi tôm cá nhiều hơn trước.

Vùng biển tỉnh Cà Mau có diện tích khai thác khoảng 71.000 km2, là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, có trữ lượng hải sản lớn và phong phú về chủng loại. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nguồn lợi có dấu hiệu bị suy giảm nên cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp khôi phục. Cũng rất cần ý thức người dân trong việc bảo vệ hệ sinh thái, khai thác và đánh bắt thủy sản theo hướng bền vững.

Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã thực hiện nhiều đợt thả giống xuống sông, biển. Bên cạnh hướng tới tái tạo nguồn lợi thủy sản, các cơ quan liên quan còn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản, tránh tình trạng đánh bắt tận diệt dẫn đến cạn kiệt nguồn thủy sản ven biển.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn Cà Mau cho biết: Đợt giữa năm 2023 chúng tôi thả 5,15 triệu con giống. Trong đó, có 50 ngàn con giống cá rất thích ứng để phát triển tại khu vực rạn. Ngoài ra, còn có 100 ngàn con giống cua và 5 triệu con tôm sú giống. Ngày 1/4/2023, tại khu vực cửa biển Khánh Hội, chúng tôi cũng phối hợp với một nhà tài trợ thả 2,15 triệu con giống thủy sản. Chương trình này ngành nông nghiệp thực hiện rất là thường xuyên".

Từ khóa: Dự án xây nhà cho cá, thủy sản, nguồn lợi thủy sản, Thả rạn nhân tạo

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: trần hiếu/vov-đbscl

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập