Dự án phát triển cá song vua ở Khánh Hòa thành công vượt kỳ vọng
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Với sự hợp tác đa phương sau hơn 5 năm triển khai, dự án phát triển cá song vua tại tỉnh Khánh Hòađã đem lại thành công vượt cả kỳ vọng.
Cá song vua là loài có tốc độ sinh trưởng nhanh, giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, quá trình nuôi trồng loài này tại Việt Nam trước đây còn gặp nhiều khó khăn do chưa có sơ sở sản xuất giống quy mô thương mại bởi những hạn chế về kinh nghiệm, kỹ thuật cũng như một quy trình trọn vẹn và hiệu quả.
Trước thực tế này, Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) đã tài trợ thực hiện Dự án “Phát triển công nghệ cá song vua ở Việt Nam, Philippines và Australia” theo hình thức kết hợp các nguồn lực thông qua hợp tác đa phương. Đến nay sau hơn 5 năm triển khai, dự án đã đem lại thành công vượt cả kỳ vọng.
Được thực hiện từ năm 2014 đến năm 2018 và được kéo dài thêm sang năm 2019, dự án “Phát triển công nghệ cá song vua ở Việt Nam, Philippines và Australia” do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) hỗ trợ thực hiện đã giải quyết được hàng loạt khó khăn đối với nghề nuôi cá song vua tại Việt Nam cũng như Phillipines và Australia.
Cá Song Vua rất khó nuôi nên giá bán rất cao. (Ảnh: Báo An Giang) |
Khi thực hiện dự án, nhiều khó khăn đặt ra đó là chưa có cơ sở sản xuất giống ở quy mô thương mại, thiếu kiến thức về nuôi vỗ thành thục và sinh sản của cá, tỷ lệ ấu trùng sống thấp,công tác nghiên cứu về nghề nuôi cá song cũng gặp trở ngại do mức đầu tư cao trong việc lưu trữ và duy trì đàn cá bố mẹ…
TS. Trương Quốc Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nuôi biển Nha Trang (Viện 3), Trưởng nhóm thực hiện dự án tại Việt Nam cho biết, mục tiêu của dự án là phát triển công nghệ nuôi cá song vua tại 3 nước Việt Nam, Philippines và Australia. Mỗi nước dựa vào thế mạnh của mình và hoàn thành mục tiêu riêng của từng nước.
“Australia tiến hành thử nghiệm sản xuất hooc-môn có thể chuyển đổi giới tính cá sớm hơn. Phía Australia cũng nghiên cứu về tỷ lệ con đực - cái thế nào cho tốt để quá trình sinh sản cá diễn ra tốt nhất. Còn phía Việt Nam và Phillipines phát huy các thế mạnh về kỹ thuật ươm nuôi ấu trùng lên cá giống”, TS. Trương Quốc Thái cho biết.
Theo TS. Trương Quốc Thái, dự án đã hỗ trợ cho Trung tâm thu thập và nuôi dưỡng đàn cá song vua bố mẹ từ giữa năm 2016 với số lượng là 16 con (trọng lượng từ 18 - 27 kg/con). Hiện đàn cá song vua bố mẹ đang phát triển tốt trong điều kiện nuôi nhốt tại Trung tâm và đang được cho đẻ lấy trứng để ương nuôi ấu trùng. Tỷ lệ sống của đàn cá bố mẹ đến nay là 100%, trọng lượng đàn cá đạt từ 30 - 60 kg/con, tỷ lệ thành thục là 78%.
Kết quả sơ bộ việc thực hiện cho đẻ và ươm nuôi ấu trùng cá song vua cho thấy, tỷ lệ thụ tinh đạt 60 - 65%, tỷ lệ nở là 45 - 50%. Các nghiên cứu này hiện vẫn đang được triển khai để nâng cao các chỉ tiêu kỹ thuật đến khi dự án được kết thúc vào tháng 9 năm nay.
Ông Lê Kim Hòa (thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc, TP. Cam Ranh) hiện đang thả nuôi 15.000 con cá song vua thương phẩm và sản xuất giống cho biết, từ trước đến nay, người nuôi cá song vua chủ yếu nhập con giống từ Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc… Tuy nhiên, chất lượng con giống không đồng đều, không được bảo hành, tỷ lệ sống thấp.
Ngoài ra, việc lệ thuộc vào nguồn giống từ bên ngoài dẫn tới việc nuôi trồng và phát triển không bền vững và không chủ động. Bởi vậy, việc nghiên cứu thành công và sản xuất giống thương phẩm cá song vua của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang là một động lực rất tốt để người dân đầu tư nuôi trồng bền vững con cá song vua.
“Chất lượng giống cá sản xuất ngay trong nước nhưng đúng theo quy trình của thế giới nên có chất lượng cao. Giống cá từ dự án được hình thành từ địa phương nên rất phù hợp với thổ nhưỡng nên cá sinh trưởng tốt hơn giống cá nhập ngoại”, ông Hòa cho biết.
Theo ông Hòa, hiệu quả kinh tế gia đình đã được nâng lên nhờ nguồn con giống tốt, ổn định ngay tại địa phương. Tùy thuộc vào thời tiết, mật độ, kỹ thuật… nếu mọi điều kiện thuận lợi, từ khi thả nuôi giống đến khi cá đạt trọng lượng phổ biến 1 kg/con là khoảng 11 tháng. Cá song vua trên thị trường hiện được bán với giá dao động từ 180.000 - 280.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư và nuôi trồng thì có thể lãi khoảng 100.000 đồng/kg.
Một thành công nữa trong quá trình phát triển dự án phải kể đến là bên cạnh xây dựng quy trình sản xuất giống cá song vua, Trung tâm còn sản xuất giống cá song lai theo nhu cầu thực tế nhu cầu người nuôi. Quá trình này sẽ cho phép lai giữa cá song vua (cá mú nghệ) với cá song hổ hay còn gọi mú cọp để thừa hưởng ưu thế của 2 giống cá này về chất lượng thịt, tốc độ phát triển nhanh và khả năng thích nghi môi trường khắc nghiệt.
Hiện cá mú lai được người nuôi phát triển vùng ven biển cả nước ưa chuộng, nhất là tại Cam Ranh (Khánh Hòa) và một số tỉnh miền Nam. Cụ thể, tại Cam Ranh, cá mú lai hiện đã chiếm đến 70% diện tích so với các loại cá mú cọp, cá mú đen./.
Có mặt và hoạt động tại Việt Nam trong 26 năm qua, Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) thường xuyên tổ chức các chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Australia và các nhà nghiên cứu từ các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
ACIAR cũng mang đến cơ hội đào tạo các chương trình sau đại học tại Australia cho các nhà khoa học Việt Nam; hỗ trợ phát triển chuyên môn của các nhà khoa học, nhà kinh tế và nhà nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.
Không chỉ tích cực hỗ trợ các khu vực nghèo, vùng sâu vùng xa của Việt Nam, ACIAR còn hướng đến kết nối tất cả các cựu học viên, nghiên cứu sinh đã theo học tại Australia trong tất cả các lĩnh vực để có thể kết nối, tạo thành mạng lưới liên kết rộng khắp.
Dự án phát triển mỏ Cá Tầm thành công với những điểm nhấn đặc biệt
Từ khóa: cá song vua, cá lai tạo, nuôi cá làm giàu, giống cá mới, nuôi trồng thủy sản
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN