Dự án mỏ đá vôi Thanh Lương (Bình Phước): Nhiều năm chậm bồi thường, lãng phí lớn
Cập nhật: 31/10/2024
VOV.VN - Dự án khai thác mỏ đá vôi Thanh Lương ở huyện Hớn Quản và huyện Lộc Ninh, Bình Phước được phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2011. Sau khi bồi thường xong đợt 1 năm 2017, chủ đầu tư dự định bồi thường đợt 2 cho 53 hộ dân còn lại ở huyện Hớn Quản nhưng đến nay việc này vẫn dậm chân tại chỗ khiến người dân rất bức xúc và gây lãng phí lớn.
Căn nhà cấp 4, ọp ẹp, bong tróc nham nhở của bà Nguyễn Thị Hạnh, ngụ Tổ 6, Ấp 4, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản nằm chênh vênh trên gò đất của dự án mỏ đá vôi Thanh Lương.
Đây là hộ dân duy nhất của Ấp 4 còn bám trụ lại trên đất của dự án, bởi với gia cảnh của bà Hạnh thì “việc đi cũng không được, mà ở cũng không xong”. Đi thì phải có tiền để an cư ở nơi mới, còn ở lại thì không được phép sửa chữa vì đây là đất nằm trên dự án.
Theo bà Hạnh, từ ngày giao đất để triển khai dự án mỏ đá vôi Thanh Lương đến nay, gia đình bà không còn nguồn thu từ vườn rẫy, phải đi cạo mủ cao su thuê. Cuộc sống cứ bấp bênh, mòn mỏi chờ đợi, chưa biết khi nào mới có thể thay đổi.
“Một số người không chịu nổi điều kiện sống trong vùng dự án vì quá khó khăn nên đã phải chuyển đi nơi khác để kiếm sống. Giờ chỉ còn mỗi gia đình tôi bám trụ, hằng ngày phải đi làm thuê làm mướn quanh khu vực này. Cuộc sống khổ lắm, phức tạp lắm, khi có con cháu nhỏ mà xung quanh đất bị đào hố, đào hầm nham nhở, đi học thì xa xôi, đường sá khó đi, điện lưới thì không có” - bà Hạnh ngao ngán nói.
Gia đình bà Trần Thị Tuyết ngụ xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản cũng là một trong những hộ dân bám trụ lại trên phần đất của dự án. Nhà cửa xuống cấp, vườn tược trở nên hoang hoá sau nhiều năm khai thác tận thu, không được chăm sóc, khiến kinh tế của nhiều hộ gia đình ngày một đi xuống.
Quá bí bách, bà Tuyết phải “bấm bụng” thuê đất ngoài khu vực dự án để dựng nhà tạm cho các con có chỗ ở, kiếm thêm thu nhập để nuôi đứa con đang học năm thứ hai đại học. Theo bà Tuyết nơi ở cũ của gia đình bà còn gọi là khu Bến Ủi. Khu vực này mùa khô thì hạn hán, không có nước, còn mùa mưa ngập lụt không thể làm ăn được gì.
“Dự án khai thác mỏ đá vôi treo đến nay mười mấy năm rồi. Nhà cửa, cây cối không cho trồng mới. Nhà tôi xây đã lâu năm đổ sập, hư hại hết rồi, bây giờ không còn chỗ ở luôn, phải di dời ra ngoài này thuê đất làm nhà, mỗi tháng phải trả 1 triệu đồng tiền thuê đất. Rồi đi làm thuê, làm mướn. Chứ giờ ở trong đó không có nguồn gì thu luôn. Khổ lắm!” - bà Tuyết nói.
Dự án mỏ đá vôi Thanh Lương có tổng diện tích hơn 254 ha, trong đó tổng diện tích phải chi trả bồi thường là hơn 247,7 ha nằm trên địa bàn hai huyện Lộc Ninh và huyện Hớn Quản của tỉnh Bình Phước.
Ngày 29/12/2011, UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng tổng thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án này.
Năm 2017, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (viết tắt là Vicem Hà Tiên) đã chi hơn 19,9 tỷ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng cho 9 hộ dân ở huyện Lộc Ninh.
Riêng địa bàn huyện Hớn Quản, tháng 12/2017, UBND huyện này ban hành quyết định phê duyệt phương án và dự toán chi phí bồi thường, hỗ trợ đợt 1 cho 59 hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi.
Với 53 hộ dân còn lại, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc X’Tiêng sẽ tiến hành bồi thường đợt 2. Song đến nay đã gần 5 năm, việc chi trả bồi thường vẫn chưa được thực hiện, khiến người dân rất bức xúc.
Đáng nói là việc chi trả bồi thường đợt 1 nằm rải rác, không thực hiện theo hình thức “cuốn chiếu” khiến mảnh đất vốn là nguồn sống của nhiều hộ dân chưa nhận bồi thường trở nên tan nát do vấn nạn khai thác đất trái phép.
Ông Chữ Văn Hiên, ngụ xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, một người dân có đất trên dự án cho biết, nếu như chủ đầu tư không tiếp tục thực hiện dự án, chính quyền mà hoàn trả lại đất cho người dân, thì việc quay lại sản xuất sẽ rất khó khăn bởi, dự án đã bị đào bới tan hoang.
“Đất của tôi giờ đã bị tác động đào múc, lắm chỗ thành ao luôn. Đất bị biến dạng, bây giờ tôi không nhận ra ranh đất mình ở chỗ nào, chỉ biết đất của mình nằm ở khu vực này thôi. Ai đào, ai bới tôi không biết, trong khi tiền tôi chưa được nhận mà đất bị biến dạng. Bây giờ có muốn tái sản xuất cũng không thể trồng gì được. Đấy đào xới thế này sao mà trồng, không làm được gì luôn”, ông Hiên bức xúc cho biết.
Liên quan đến vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng dự án mỏ đá vôi Thanh Lương, ông Huỳnh Trọng Thạch - Giám đốc Ban Quản lý dự án Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên cho biết, khi huyện Hớn Quản phê duyệt phương án và dự toán chi phí bồi thường, trong đợt 1, chủ đầu tư đã hỗ trợ, bồi thường cho 59 hộ gia đình, cá nhân với tổng số tiền hơn 41,6 tỷ đồng.
Đây là những hộ gia đình, cá nhân có sự đồng thuận, nhất trí cao, chính bởi vậy phương án bồi thường với dự án bị rải rác, không theo hình thức cuốn chiếu. Với những hộ dân còn cần thêm ý kiến, cần giải trình, chủ đầu tư đưa vào nhóm hỗ trợ, bồi thường đợt 2.
Tuy nhiên, việc bồi thường đợt 2 bị gián đoạn vì phía công ty phải điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng mỏ đá vôi Thanh Lương cho cả dây chuyền Nhà máy Bình Phước 1, chứ không chỉ sử dụng cho mỗi dự án Bình Phước 2 sẽ triển khai trong tương lai gần.
Thời gian trình việc điều chỉnh quy hoạch lên ban, ngành của địa phương và Trung ương mất khá nhiều thời gian.
Phóng viên VOV đã đến trụ sở UBND tỉnh Bình Phước đề nghị được cung cấp thêm thông tin về hướng giải quyết. Sau nhiều lần liên lạc với ông Phạm Văn Trinh - Chánh Văn phòng UBND tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi?
Theo ông Huỳnh Trọng Thạch, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1626/QĐ-TTg ngày 15/12/2023, ngay trong tháng 12, Vicem Hà Tiên đã triển khai ngay các quy trình về bồi thường cho người dân.
Theo quy trình, Vicem Hà Tiên sẽ thuê một đơn vị chuyên môn lập hồ sơ, rồi lại tiếp tục thuê một đơn vị chuyên môn khác thẩm tra lại.
Sau khi hồ sơ hoàn thiện, Vicem Hà Tiên trình lên Tổng Công ty Xi măng Việt Nam. Tổng Công ty Xi măng Việt Nam sẽ thực hiện trình tự lấy ý kiến, góp ý của một bộ phận ban ngành.
Sau khi hồ sơ được Hội đồng thành viên của Tổng Công ty thông qua thì sẽ được chuyển lại cho Vicem Hà Tiên. Và Vicem Hà Tiên sẽ trình lên Hội đồng quản trị để thống nhất thông qua phương án bồi thường.
Ông Thạch cho biết, hiện hồ sơ liên quan vấn đề bồi thường đang ở giai đoạn hoàn thiện lần cuối, phấn đấu sẽ thực hiện chi trả bồi thường đợt 2 cho người dân nhanh nhất là trong tháng 12 năm 2024, chậm nhất là đầu năm 2025.
Vicem Hà Tiên cũng khẳng định, sẽ không bỏ dự án mỏ đá vôi Thanh Lương, bởi đây là dự án có tính chiến lược quan trọng cho hoạt động lâu dài của Nhà máy xi măng Bình Phước.rướcS
Về hệ quả của việc chi trả bồi thường bị kéo dài, ông Huỳnh Trọng Thạch cho biết, trong luật đất đai có hướng dẫn. Theo đó, trong vòng 30 ngày kể từ ngày phương án bồi thường được phê duyệt, Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng phải chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân. Nếu vượt quá thời gian trên thì công ty buộc phải chi thêm phần “chậm”.
“Tới lúc chi, địa phương sẽ có phương án điều chỉnh bổ sung, tăng thêm bao nhiêu thì công ty chi trả cho người dân từng đó. Nếu chúng tôi chậm 4 năm, địa phương ra quyết định bồi thường, hỗ trợ bổ sung, chúng tôi sẽ chi thêm phần bổ sung đó, đảm bảo không để người dân bị thiệt hại” - ông Huỳnh Trọng Thạch khẳng định.
Việc chi trả bồi thường cho người dân ở huyện Hớn Quản kéo dài, người dân cũng nhiều lần đơn, thư gửi lên các cấp chính quyền. UBND huyện Hớn Quản và chủ đầu tư cũng đã nhiều lần làm việc về vấn đề này. UBND huyện cũng có báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến nhưng đến nay vẫn chưa có phương án.
Chậm trễ bởi quy trình bồi thường, đất bỏ hoang không được sản xuất lại còn bị khai thác trái phép gây mất an ninh trật tự và gây lãng phí không nhỏ ở tỉnh nghèo như Bình Phước.
Dự án khai thác mỏ đá vôi Thanh Lương có tổng diện tích là 254,21ha nằm trên địa bàn hai huyện Lộc Ninh và huyện Hớn Quán. Diện tích chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án là 247,73ha. Ước tính tổng chi phí bồi thường GPMB là hơn 162,48 tỷ đồng.
Hội đồng Bồi thường huyện trình UBND huyện Lộc Ninh phê duyệt Quyết định số 3653/QĐ-UBND ngày 12/9/2017 phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ dự án khai thác mỏ đá vôi Thanh Lương tại xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh cho 9 hộ dân với số tiền hơn 19,9 tỷ đồng. Và Vicem Hà Tiên cũng đã chuyển tiền để huyện thực hiện chi trả cho người dân.
Tại huyện Hớn Quản, dự án khai thác mỏ đá vôi Thanh Lương ảnh hưởng đến 112 hộ dân tại xã An Phú và xã Minh Tâm. Đến nay, mới chỉ có 59 hộ dân gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án khai thác mỏ đá vôi Thanh Lương với tổng số tiền là hơn 41,6 tỷ đồng. Còn 53 hộ dân, trong đó có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi dự án đến nay vẫn chưa được hỗ trợ, bồi thường.
Từ khóa: Bình Phước, chậm bồi thường,dự án treo,Nhà máy xi măng Bình Phước,Vicem Hà Tiên,Mỏ đá vôi Thanh Lương,bồi thường
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: việt đức, tỷ huỳnh/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN