Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Quản lý rành mạch nguồn thu - chi từ di sản
Cập nhật: 26/06/2024
VOV.VN - Các đại biểu Quốc hội đề nghị có quy định rõ về các khoản chi ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời có cơ chế quản lý các nguồn thu từ những giá trị này mang lại.
Thảo luận ở hội trường sáng 26/6 về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình và khẳng định, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được nghiên cứu khoa học và nghiêm túc, có nhiều đổi mới và sát thực tiễn hơn so với luật hiện hành. Sửa đổi luật là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, góp phần bảo vệ và phát huy để có thể biến di sản văn hóa thành tài sản - là một trong nhưng nguồn lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Góp ý về nguồn chi ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắc Nông) cho rằng, tại Khoản 1, Điều 81 quy định ngân sách dành các nhiệm vụ thuộc chi thường xuyên, nhưng tại Khoản 2, Điều 81 lại quy định thuộc nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và hai nguồn chi này trùng lắp cùng một nhiệm vụ tu bổ di tích.
Do đó đại biểu đề nghị, cần phân định rõ nhiệm vụ tu bổ thuộc về chi thường xuyên hay chi đầu tư phát triển, để tránh đùn đẩy khi thực hiện phát sinh những vướng mắc khi phân bổ kinh phí, tránh lãng phí ngân sách và kéo dài thời gian. Đại biểu đề xuất phân nhiệm vụ tu bổ, tôn tạo vào nhiệm vụ chi thường xuyên; chi đầu tư phát triển phục vụ cho các nhiệm vụ phát huy phát triển di tích.
Cùng quan tâm về nguồn tài chính để bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa, đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ nguồn thu từ di sản văn hóa từ những khoản nào và được chia vào những việc gì? Bởi việc quản lý và sử dụng nguồn thu là vấn đề lớn, phức tạp, do đó cần phải có cơ chế để quản lý tốt, góp phần tăng thêm kinh phí cho việc đầu tư bảo vệ và phát huy di sản văn hóa.
Để văn hóa chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) và đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu, bổ sung các nội dung liên quan đến chủ trương Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, chuyển đổi số về văn hóa, số hóa di sản văn hóa, hợp tác công tư về phát triển văn hóa. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị và sáng tạo nên các di sản văn hóa mới.
“Các chủ trương phát triển đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 33 nên cần được tiếp tục thể chế hóa sâu sắc hơn, như huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế xã hội. Từ đó phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức xã hội cộng đồng dân cư và công dân đối với việc tổ chức và quản lý hoạt động văn hóa”, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) đặt vấn đề.
Đề xuất có quy định ưu tiên bố trí ngân sách nhà ước cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu đã được đưa vào danh sách của UNESCO, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) dẫn chứng, có nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận như Múa rối nước, Nhã nhạc cung đình Huế, Ca trù, Hát xoan, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Dân ca ví giặm, Nghệ thuật bài chòi, Nghệ thuật xòe Thái,… nên đề nghị luật có quy định cụ thể việc ưu tiên bố trí ngân sách để làm căn cứ tạo điều kiện cho hoạt động của các loại hình nghệ thuật này.
“Việt Nam có hơn 700 đơn vị hành chính cấp huyện, nên nhà nước có thể đặt hàng để các Đoàn Nghệ thuật biểu diễn luân phiên biểu diễn hàng năm tại các đơn vị này, mỗi loại hình phù hợp với mỗi vùng miền. Quy định này sẽ tạo thêm nguồn thu để các Đoàn Nghệ thuật hoạt động bảo vệ và phát huy di sản đưa các di sản văn hóa đến gần hơn với người dân”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất.
Cơ bản tán thành với việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa trong dự án luật, đại biểu Trần Văn Thức (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, dự án luật quy định việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa chính là một trong những giải pháp để huy động nguồn lực đầu tư cho di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đang đặt ra. Dự án luật xác định đây là loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, với đầy đủ địa vị pháp lý để nhận diện một cách độc lập so với các loại quỹ khác.
Tuy nhiên đại biểu Thức đề nghị cần xem xét, rà soát, sửa đổi nội dung quy định từ “nguyên tắc thành lập quỹ” thành “nguyên tắc hoạt động quỹ” bảo tồn di sản văn hóa, để phù hợp với nội hàm bao gồm từng nguyên tắc cụ thể được sắp xếp theo thứ tự riêng biệt. Đồng thời đề nghị xem xét và rà soát để bổ sung các nội dung có liên quan tới tổ chức và hoạt động của Quỹ giao Chính phủ quy định, bởi hiện dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành luật chưa thể hiện được nội dung này.
Từ khóa: di sản văn hóa, di sản văn hóa,thảo luận, chi ngân sách, nguồn thu, quỹ bảo tồn
Thể loại: Nội chính
Tác giả: nguyễn quỳnh/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN