Dự án Columbia bị chậm trễ, Mỹ tính kéo dài niên hạn đội tàu ngầm lớp Ohio

Cập nhật: 19/07/2022

VOV.VN - Chương trình tàu ngầm lớp Columbia gặp nhiều vấn đề, bao gồm cả việc chậm trễ và đội phí. Điều này khiến Hải quân Mỹ phải cân nhắc kéo dài thời hạn hoạt động của các tàu ngầm cũ lớp Ohio.

Hồi tháng 6, Hải quân Mỹ đặt ky tàu ngầm USS District of Columbia, chiếc đầu tiên trong số các tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy năng lượng hạt nhân lớp Columbia mới, tại Quonset Point, Rhode Island.

Tham dự sự kiện quan trọng này có Đô đốc Daryl Caudle, chỉ huy Bộ Tư lệnh các Lực lượng Hạm đội của Mỹ và Bộ trưởng Hải quân Carlos Del Toro – người nói rằng tàu ngầm lớp Columbia sẽ là “bước ngoặt của răn đe chiến lược” và là “yếu tố sau cùng đảm bảo an ninh quốc gia”.

Tuy nhiên, chương trình Columbia gặp phải một số vấn đề. Việc chậm trễ ngoài dự kiến cùng khó khăn kỹ thuật có thể hạn chế khả năng của Hải quân Mỹ trong việc triển khai tên lửa hạt nhân và tên lửa thông thường.

Một báo cáo gần đây của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO) cho biết, chương trình Columbia bị đội phí. Chi phí tổng thể của chương trình bị đội thêm 3,4 tỷ USD lên 112 tỷ USD.

Với việc các tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy năng lượng hạt nhân (SSBN) mang tới 70% kho hạt nhân được triển khai của Mỹ, sự chậm trễ có thể khiến Hải quân phải cân nhắc kéo dài thời gian hoạt động của một số tàu SSBN cũ hơn, mặc dù một số tàu đã sắp hết niên hạn sử dụng.

Tàu ngầm lớp Columbia

Dài 170 mét, rộng 13 mét, lượng giãn nước 28.810 tấn, tàu ngầm lớp Columbia sẽ là tàu ngầm lớn nhất mà Mỹ từng chế tạo.

Ngoài ngư lôi Mk 48 ADCAP, tàu ngầm lớp Columbia có thể mang 16 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Trident II D5, tầm bắn trên 12.000km. Tàu có niên hạn sử dụng 42 năm và có một số cải tiến, nâng cấp so với tàu ngầm lớp Ohio.

Một trong những cải tiến quan trọng là mỗi lò phản ứng trên tàu lớp Columbia sẽ không cần phải nạp lại năng lượng trong suốt vòng đời dự kiến, cho phép tàu thực hiện nhiệm vụ trong thời gian dài hơn.

Hải quân Mỹ dự kiến đóng tổng cộng 12 tàu ngầm lớp Columbia. Ngoài tàu USS District of Columbia hiện đang được chế tạo và tàu thứ hai USS Wisconsin dự kiến được khởi đóng vào đầu năm 2024.

Tàu ngầm lớp Ohio

Tàu ngầm lớp Ohio hiện đang là các tàu ngầm lớn nhất của Hải quân Mỹ. Tàu lớp này có chiều dài 17 mét, rộng 12,8 mét, lượng giãn nước 18.750 tấn, nhỏ hơn một chút so với tàu ngầm lớp Columbia trong tương lai. Tuy nhiên, tàu ngầm lớp Ohio được trang bị hạng nặng hơn so với tàu Columbia, với 4 ống phóng ngư lôi và 24 tên lửa SLBM Trident II D-5.

Có 18 tàu SSBN lớp Ohio được chế tạo trong giai đoạn 1976 đến 1997. Năm 2002, Hải quân xác định sẽ đáp ứng nhu cầu hạt nhân chiến lược của Mỹ bằng 14 tàu Ohio và chuyển đổi 4 tàu cũ nhất, gồm USS Ohio, USS Michigan, USS Florida và USS Georgia, thành tàu ngầm tên lửa hành trình (SSGN).

Sau khi được tái phân loại, các tàu SSGN có thể mang tới 154 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk, phóng từ các ống phóng tên lửa đã được chỉnh sửa.

Hai trong số các ống phóng của tàu ngầm SSGN lớp Ohio được chuyển đổi thành các cửa mở để triển khai các phương tiện không người lái dưới nước, phương tiện chở lính đặc nhiệm SEAL, phao định vị thủy âm và các cảm biến dưới nước khác.

Tàu ngầm Ohio ban đầu chỉ có niên hạn hoạt động 30 năm, nhưng vì chúng thực hiện các nhiệm vụ thiết yếu, Hải quân Mỹ đã tăng niên hạn lên 42 năm.

Khả năng kéo dài thời hạn hoạt động tàu lớp Ohio

Tàu USS District of Columbia dự kiến được bàn giao vào năm 2027, đạt khả năng hoạt động sơ bộ vào tháng 6/2030 và có chuyến tuần tra đầu tiên vào năm 2031.

Tàu Ohio dự kiến loại biên từ năm 2027 đến năm 2040. Đây là khung thời gian khá chặt chẽ, đặc biệt khi xét tới tầm quan trọng của SSBN trong lực lượng hạt nhân của Mỹ. Việc đội phí và chậm trễ trong chương trình mua sắm của Hải quân không phải là điều hiếm gặp và Hải quân hiện đang cân nhắc kéo dài thời hạn hoạt động của 5 tàu SSBN lớp Ohio trong trường hợp các tàu ngầm mới gặp vấn đề trục trặc.

“Chúng tôi đang thực hiện đánh giá về việc sửa chữa để kéo dài thời hạn hoạt động của các tàu đó trong vài năm như một biện pháp giảm thiểu rủi ro, nếu cần”, Chuẩn tướng Scott Pappano - Giám đốc điều hành chương trình tàu ngầm chiến lược, cho biết hồi tháng 5.

4 tàu SSGN lớp Ohio, trong đó tàu “trẻ” nhất cũng đã hoạt động 38 năm, sẽ được thay thế bằng tàu ngầm tấn công chạy năng lượng hạt nhân lớp Virginia Block V.

Các tàu lớp Virginia Block V được thiết kế với phần mở rộng dài 25,6 mét được gọi là Module Tải trọng Virginia, bổ sung thêm 4 ống có khả năng bắn 7 tên lửa mỗi chiếc, cho phép tàu ngầm mới có thể phóng 65 vũ khí kích cỡ tương đương ngư lôi.

“Cho đến khi tàu lớp Virginia Block V đi vào hoạt động, chúng tôi muốn đảm bảo có khả năng bắn tên lửa từ các SSGN càng lâu càng tốt, nhưng điều đó sẽ cần phải cân bằng giữa việc duy trì hạm đội SSBN hiện tại với việc mở rộng hạm đội SSGN”, ông Pappano cho biết.

Báo cáo của GAO xác định các vấn đề trong quá trình chế tạo xây dựng và sự gián đoạn do Covid-19 là lý do gây ra sự chậm trễ đối với chương trình Columbia. Trong khi đó, các nhà đóng tàu cũng đã điều chuyển nhân công từ chương trình Virginia sang chương trình Columbia, góp phần gây ra sự chậm trễ đối với các tàu lớp Virginia mới.

Chính vì những yếu tố này, các tàu SSGN lớp Ohio nhiều khả năng sẽ tiếp tục hoạt động dù sắp hết niên hạn hoạt động.

Hiện tại, kế hoạch kéo dài tuổi thọ của tàu lớp Ohio hiện đang ở trong giai đoạn đánh giá. Việc xây dựng tàu lớp Columbia vẫn được thực hiện theo kế hoạch vì đây là ưu tiên hàng đầu của Hải quân Mỹ.

“Các tàu ngầm lớp Ohio đã bảo vệ chúng ta trong nhiều thập kỷ qua sắp hết thời hạn hoạt động. Vì sự an toàn của các thủy thủ và an ninh của thế giới, chúng ta phải hiện đại hóa hạm đội của mình”, ông Del Toro cho biết tại buổi lễ đặt ky tàu lớp Columbia hồi tháng 6./.

Từ khóa: tàu ngầm Mỹ, tàu ngầm lớp Columbia, tàu ngầm lớp Ohio, tàu ngầm hạt nhân, tàu ngầm tên lửa đạn đạo, SSBN, SSGN

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập