Đồng ý trình Quốc hội xem xét cơ chế đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột
Cập nhật: 24/09/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Thành phố Buôn Ma Thuột – một đơn vị cấp huyện thuộc tỉnh Đắk Lắk, là trường hợp đặc biệt khi lần đầu được trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù.
Sáng 24/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 67-KL/TW, phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững; phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra.
Khác với các địa phương đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù trước đây là áp dụng cho địa bàn cấp tỉnh thì đây là lần đầu tiên Đề án một số cơ chế, chính sách đặc thù báo cáo Quốc hội đối với thành phố Buôn Ma Thuột là đơn vị hành chính cấp huyện.
Chính phủ đề xuất cho Đắk Lắk được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các nguồn tài chính khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Phần dư nợ tăng thêm so với quy định của Luật Ngân sách nhà nước được dành toàn bộ để đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định.
Tỉnh này dự kiến cũng được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) định mức chi thường xuyên tính theo định mức dân số đối với dân số thuộc thành phố Buôn Ma Thuột theo các nguyên tắc, tiêu chí tính dự toán chi thường xuyên năm 2022 cho dự toán chi thường xuyên năm 2023 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này. Số chi tăng thêm nêu trên được bố trí chi cho các nhiệm vụ chi được phân cấp của thành phố Buôn Ma Thuột.
Dự án đầu tư thuộc các ngành, nghề, lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông sản; du lịch; y tế, giáo dục và đào tạo (trừ các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư theo các chính sách xã hội hóa); sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ của doanh nghiệp khoa học và công nghệ; đầu tư kinh doanh trung tâm logistics, cảng cạn, kho hàng hóa tại Thành phố Buôn Ma Thuột được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Ngoài ra, địa phương này còn được tạo điều kiện trong công tác quy hoạch, trong đó phân cấp cho Đắk Lắk phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị của thành phố Buôn Ma Thuột theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian thực hiện Nghị quyết này được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ công việc phát sinh tại thành phố Buôn Ma Thuột.
Thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đây là trường hợp đặc biệt khi lần đầu trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho một Thành phố trực thuộc tỉnh – 1 đơn vị cấp huyện. Điều này cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của thành phố Buôn Ma Thuột đối với phát triển kinh tế-xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên. Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách tán thành về mặt chủ trương ban hành Nghị quyết
Tuy vậy, một số ý kiến đề nghị xem xét thêm vì các chính sách có phạm vi hẹp; chưa mang tính đột phá, chưa sáng tạo, còn dập khuôn, đi theo lối mòn; chưa có tính lan tỏa vùng miền.
Các chính sách chưa thể hiện được yếu tố đặc thù về điều kiện kinh tế-xã hội; chưa tạo công cụ pháp lý tương thích với đặc thù để khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của Thành phố nói riêng và cả khu vực Tây nguyên nói chung.
Với chính sách ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt, cơ quan thẩm tra cho rằng, tính thực tiễn cần được cân nhắc thêm vì với sự phát triển của khoa học, công nghệ, các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt hiện có thể làm việc từ xa và không nhất thiết phụ thuộc vào nơi cư trú. Việc ưu đãi thuế thu nhập cá nhân theo nơi cư trú không thu hút được nhân tài một cách lâu dài mà lại gây bất bình đẳng và mất số thu. Một số ý kiến đề nghị không áp dụng quy định trên.
Thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng cơ chế đặc thù như đề xuất còn hẹp, do đó nên nghiên cứu có thể giảm thuế ở mức nhiều hơn nữa.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng chính sách đặc thù còn chưa đủ mạnh, đồng thời lưu đặc thù của Buôn Ma Thuột là thủ phủ cà phê nên có mức ưu đãi cao nhất phát triển chuỗi giá trị của cà phê.
Báo cáo thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết bộ sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, đề xuất chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, trong đó có chính sách cho chuỗi giá trị cà phê Buôn Ma Thuột như gợi ý của Chủ tịch Quốc hội.
Sau khi thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, nhất trí bổ sung dự thảo nghị quyết vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2022, trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới./.
Từ khóa: Thành phố Buôn Ma Thuột – một đơn vị cấp huyện, là trường hợp đặc biệt khi lần đầu được trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù.
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN