Đồng ý thí điểm chính quyền đô thị ở Hà Nội, không có HĐND phường
Cập nhật: 27/11/2019
Bộ đội Cụ Hồ - Điểm tựa vững chắc cho người dân biên giới Điện Biên
Tròn 80 năm quân đội ra đời: Bản hùng ca bất hủ trong thời đại Hồ Chí Minh
VOV.VN - Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội vừa được thông qua chiều nay (27/11) với tỷ lệ 81,16% đại biểu tán thành.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tên gọi ban đầu của dự thảo Nghị quyết là thí điểm không tổ chức HĐND phường chưa thể hiện đầy đủ bản chất của việc thí điểm là tổ chức lại mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Hơn nữa, nội dung thí điểm không chỉ tổ chức lại chính quyền địa phương ở phường mà còn liên quan đến việc điều chỉnh địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường; nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND quận, thị xã và nhiều vấn đề khác thuộc thẩm quyền của chính quyền thành phố.
Tên gọi trên cũng dễ dẫn đến cách hiểu không đúng khi cho rằng việc thí điểm chỉ nhắm đến việc "bỏ HĐND phường".Do đó, để phù hợp với nội dung, tính chất của việc thí điểm này, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại tên gọi của Nghị quyết là “Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”
Nội dung Nghị quyết nêu rõ,Chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND.
Riêng chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại thành phố Hà Nội là UBND. Điều đó đồng nghĩa với việc không tổ chức HĐND tại 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây.
UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, UBND và Chủ tịch UBND quận, thị xã.
Chủ tịch UBND quận, thị xã thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn như bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường; Tuyển dụng, sử dụng, quản lý, khen thưởng, kỷ luật công chức phường; Đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND phường.
Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV |
Về cơ cấu tổ chức, UBND phường gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các công chức khác của phường. UBND phường loại I và loại II có không quá 2 Phó Chủ tịch; phường loại III có 1 Phó Chủ tịch UBND.
Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường là công chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý và UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Chủ tịch là người đứng đầu UBND phường, chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường; trực tiếp quản lý, sử dụng công chức phường theo quy định của Chính phủ và phân cấp, ủy quyền của cấp trên; ký các văn bản của UBND phường.
Nghị quyết giao HĐND, UBND thành phố Hà Nội thực hiện sắp xếp các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức phường theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư và người hoạt động không chuyên trách ở phường khi thực hiện thí điểm.
Trong khi đó Chính phủ sẽ quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động, chế độ trách nhiệm của UBND và Chủ tịch UBND phường.
“Chậm nhất là quý 4 năm 2023, Chính phủ có báo cáo sơ kết việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định” – Nghị quyết nêu rõ.
Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được thực hiện từ ngày 1/7/2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm. /.
Từ khóa: Hội đồng Nhân dân, chính quyền đô thị Hà Nội, Quốc hội, Kỳ họp thứ 8
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN