Đông Nam Á - căn cứ địa của tội phạm lừa đảo người Trung Quốc

Cập nhật: 22/10/2019

Tổng kết hoạt động chống tội phạm lừa đảo của cảnh sát các địa phương Trung Quốc đã cho thấy Đông Nam Á là căn cứ địa của tội phạm lừa đảo người Trung Quốc.

Ngày 6/8/2019, Cục Điều tra Hình sự của Bộ Công an Trung Quốc cho biết, từ đầu năm 2019, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ 51.000 nghi phạm liên quan đến 58.000 vụ lừa đảo qua mạng bị phá, tăng lần lượt 32% và 3%, giúp dân chúng tránh được thiệt hại kinh tế tới 13,5 tỷ Nhân dân tệ. Bên cạnh đó, hoạt động chống tội phạm lừa đảo ở nước ngoài cũng đạt kết quả đáng kể.

dong nam a - can cu dia cua toi pham lua dao nguoi trung quoc hinh 1
136 tội phạm lừa đảo qua mạng bị dẫn độ từ Lào về Trịnh Châu, Hà Nam hôm 15/10.

Theo trang tinChinanews, ngày 15/10 vừa qua, Công an tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đã thuê máy bay để đưa về nước 136 tội phạm lừa đảo qua mạng bị bắt tại Lào sau khi phá vỡ thành công vụ đại án lừa đảo qua mạng rộng khắp các tỉnh thành liên quan đến hơn 1.200 vụ lừa đảo. Cảnh sát đã phá vỡ 15 ổ nhóm lừa đảo, thu được tang vật hơn 21 triệu NDT cùng rất nhiều máy tính, điện thoại... dùng để gây án.

Trước đó, ngày 10/6, cảnh sát Trung Quốc và Campuchia đã triển khai một hành động “thu lưới” ở thành phố cảng Sihanoukville, phá vỡ 3 ổ nhóm, bắt giữ 68 nghi phạm và thu giữ một số lượng lớn công cụ sử dụng phạm tội lừa đảo qua mạng như thẻ ngân hàng, máy tính và điện thoại di động. Ngày 17 tháng 6, cảnh sát Trung Quốc và Campuchia đã bắt giữ nốt 5 nghi phạm đang lẩn trốn ở thủ đô Phnom Penh rồi dẫn giải về Trùng Khánh.

Đây chỉ là một vài trong số hàng mấy chục vụ người Trung Quốc phạm tội lừa đảo qua mạng ở các nước Đông Nam Á bị bắt và dẫn độ về nước.

dong nam a - can cu dia cua toi pham lua dao nguoi trung quoc hinh 2
Các tội phạm lừa đảo qua mạng bắt ở Campuchia bị dẫn giải về Tứ Xuyên.

Văn phòng phối hợp Liên bộ của Quốc Vụ viện Trung Quốc về trừng trị loại tội phạm mới lừa đảo qua mạng vừa ra quyết định: kể từ ngày 14/10/2019, thực hiện các biện pháp dừng các tài khoản mạng xã hội và phong tỏa việc thanh toán qua các mạng các loại thẻ QQ, WeChat, Alipay, POS, v.v. ở khu vực Myanmar là vùng trọng điểm về hoạt động lừa đảo qua mạng. Chủ đề “Lừa đảo qua mạng Đông Nam Á - Trung Quốc” một lần nữa trở thành tâm điểm của dư luận.

Kể từ đầu năm 2019 đến nay, qua tổng kết hoạt động chống tội phạm lừa đảo của cảnh sát các địa phương Trung Quốc cho thấy: rất nhiều nơi theo dõi, truy tìm các nghi phạm lừa đảo trên mạng ở trong nước đều dẫn tới nhiều hang ổ nằm ở Đông Nam Á, các tội phạm lừa đảo người Trung Quốc đã biến khu vực này trở thành một “căn cứ địa lừa đảo” lớn ở châu Á. Kể từ năm 2016, Bộ Công an Trung Quốc đã tới Lào, Campuchia, Indonesia, Philippines, Myanmar và các quốc gia khác để trấn áp 10 vụ người Trung Quốc phạm tội lừa đảo qua mạng từ nước ngoài, phá vỡ 26 ổ nhóm phạm tội hình sự, bắt giữ hơn 400 nghi phạm và 8 lần thuê máy bay dẫn giải nghi phạm về nước trị tội.

Ví dụ, năm 2016, Trung Quốc và Malaysia đã hợp tác phát hiện vụ án lừa đảo qua mạng, bắt giữ 74 nghi phạm đưa về Trung Quốc. Năm 2017, 25 công dân Trung Quốc đã bị bắt vì buôn bán ma túy và lừa đảo qua mạng ở Philippines. Theo tính toán, số kẻ lừa đảo tập trung ở khu vực Đông Nam Á có ít nhất 300.000 người. Điều quan trọng hơn là mục tiêu lừa đảo của những kẻ này về cơ bản là người Trung Quốc sống trong nước. Vậy tại sao Đông Nam Á lại trở thành “căn cứ lừa đảo” của người Trung Quốc từ nước ngoài lừa người Trung Quốc ở trong nước?

Các chuyên gia tiến hành phân tích, cho rằng có ba lý do chính. Thứ nhất, quan hệ thương mại của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á khá mật thiết, khối lượng thương mại song phương giữa Trung Quốc và ASEAN liên tục tăng trưởng. Những khoản tiền lớn giao dịch qua lại đã giúp những kẻ lừa đảo dễ dàng lợi dụng những kẽ hở ở cả hai phía để thừa cơ kiếm lợi.

Thứ hai, thị thực dễ dàng. Người Trung Quốc dễ dàng xin và được chấp thuận khi xin visa tới các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, về mặt địa lý, Đông Nam Á là các quốc gia láng giềng của Trung Quốc. Thị trường hai khu vực được kết nối và lưu thông rất thuận tiện. Mức độ tiêu dùng ở đây cũng khá thấp, chi phí lao động thấp và tập quán văn hóa cũng gần với Trung Quốc, vì vậy rất để hòa nhập với môi trường địa phương. Đó là một môi trường kinh doanh tốt cho các doanh nhân Trung Quốc, đồng thời cũng thu hút nhiều tội phạm lừa đảo người Trung Quốc.

Cuối cùng, chính quyền địa phương các nước này quản lý lỏng lẻo các vụ việc liên quan đến Trung Quốc. Theo thông tin công khai, các vụ người Trung Quốc lừa đảo nhiều nhất đều xảy ra ở các quốc gia có quan hệ tốt với Trung Quốc như Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Philippines và Malaysia. Các vụ lừa đảo ở các quốc gia này chủ yếu tập trung vào ba lĩnh vực: gian lận viễn thông, lừa đảo cờ bạc trực tuyến và lừa đảo tiền vốn và đã sớm trở thành hệ thống khép kín.

Tại sao các phần tử lừa đảo người Trung Quốc lại có một hệ thống lừa đảo hoàn chỉnh như vậy tại các quốc gia này, nguyên nhân quan trọng là do chính quyền địa phương “không quản lý chặt người Trung Quốc”. Chính sự buông lỏng các vụ việc liên quan đến người Trung Quốc của các nước Đông Nam Á đã bị những kẻ lừa đảo Trung Quốc lợi dụng để thiết lập các tụ điểm ở nhiều nước Đông Nam Á rồi lừa đảo khắp Trung Quốc. Đây chính là nguyên nhân khiến Đông Nam Á trở thành căn cứ của những kẻ lừa đảo người Trung Quốc./.

Từ khóa: lừa đảo, buôn người, Trung Quốc, Đông Nam Á, căn cứ địa

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập