Đồng hành cùng con sau hôn nhân đổ vỡ

Cập nhật: 27/09/2021

[VOV2] - Khi hôn nhân không thể níu giữ, thì đừng để con trẻ là những người phải gánh chịu hậu quả.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu gia đình và Giới, trung bình mỗi năm cả nước có trên 60.000 vụ ly hôn, chiếm tỷ lệ 30%, tức là cứ 10 cặp vợ chồng kết hôn thì có 3 cặp ly hôn. Xu hướng này tiếp tục tăng ở cả thành phố và nông thôn. Đặc biệt, tỷ lệ ly hôn không những tăng cao, mà quãng thời gian từ khi kết hôn đến khi ly hôn cũng bị rút ngắn lại.

Các chuyên gia cho rằng, việc ly hôn chẳng có gì là to tát hay quá nghiêm trọng với người lớn nhất là khi giữa họ không còn tiếng nói chung, không còn tình cảm nữa, nhưng nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến những đứa trẻ trong gia đình:

"Sau khi bố mẹ ly hôn thì con rất sốc, con tủi thân lắm. Nhưng hồi lớp 7, khi mẹ tuyên bố rằng tuần sau mẹ lấy chồng thì con cảm thấy tuyệt vọng, lúc đó con thật sự rất hận và rơi vào trạng thái trầm cảm. Khoảng thời gian 3 năm sau đó với con không khác gì địa ngục".

"Con buồn lắm vì bố mẹ không ở cùng nhau, giờ con ở với mẹ, bố với anh con ở nhà khác. Mới đầu, mỗi cuối tuần anh em con còn được gặp nhau nhưng lâu lắm rồi thì không được gặp, con nhớ anh, nhớ bố lắm. Nhìn các bạn có bố mẹ chở đi chơi, con ước được như ngày xưa, cả nhà con 4 người cùng nhau đi du lịch, đi chơi mà giờ không được nữa rồi".

"Con luôn thèm cảm giác có bố mẹ ở bên, được ăn những bữa cơm đầy ắp tiếng cười, được chăm lo và hưởng tình yêu thương đầy đủ của cả bố và mẹ. Nhìn những gia đình khác sum vầy, nhất là những dịp lễ, tết, con rất tủi thân. Điều ước của con là anh em chúng con có được một gia đình đủ đầy và hạnh phúc".

Đó là chia sẻ của một số em mà chúng tôi có dịp trò chuyện. Cuộc sống của các em thực sự đã rẽ sang một lối khác kể từ sau khi cha mẹ ly hôn.

Thực tế là đã có rất nhiều gia đình sau ly hôn, trẻ trở nên lầm lì, khép kín, dễ bị cuốn vào những lối sống không lành mạnh... Chưa kể tới việc cha mẹ có những mối quan hệ mới và không cư xử khéo léo, khiến trẻ càng cảm thấy bị bỏ rơi, tổn thương…

Theo PGS.TS Trần Thu Hương, Phó trưởng Khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, ảnh hưởng của cuộc hôn nhân tan vỡ đối với những đứa trẻ thật khó lường: "Các con bị tổn thương về mặt cảm xúc, tình cảm và từ đó kéo theo câu chuyện về suy nghĩ, nhận thức... Trẻ con rất nhạy cảm, nó sẽ tiếp nhận tất cả những sự tiêu cực, sự xung đột đấy và ngày càng trở nên tiêu cực, rơi vào trạng thái khủng hoảng, ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của trẻ về sau. Nếu là con gái thì sau này khi lớn lên rất khó để có mối quan hệ với các bạn khác giới, còn các bạn trai thì trở nên ngỗ nghịch, gây hấn hơn, hụt hẫng, suy sụp rất nhanh nên sẽ có những sai lệch về nhận thức, về hành vi…  ".

Thật khó để có được cách ứng xử vẹn toàn với con khi hôn nhân đã đổ vỡ, tuy vậy, để có được tương lai an toàn cho những đứa trẻ thiếu hụt tình cảm, cần sự cố gắng, nỗ lực gấp nhiều lần của những bậc làm cha mẹ đã một lần sai lầm trong hôn nhân. Mọi sự đổ vỡ đều phải trả giá, nhưng đừng để người gánh chịu lại là những đứa trẻ vô tội.

Trẻ em là đối tượng bị động trong cuộc chia ly của cha mẹ, thế nhưng lại rất hiếm khi có những cuộc nói chuyện nghiêm túc, những ca tư vấn tâm lý cho trẻ trước và sau khi cha mẹ ly hôn. Với cha mẹ, có thể chỉ nghĩ sau này nhất định sẽ bù đắp cho con, nhưng bù đắp thế nào đây, bù đắp sao cho hết đây? Vì vậy, theo Thạc sĩ Trần Thị Thu Hà - Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, Phòng khám Cây Thông Xanh, cha mẹ cần thường xuyên tâm sự để con hiểu việc cha mẹ không sống cùng nhau là điều không ai mong muốn, và trên hết cha mẹ vẫn là cha mẹ của con, luôn yêu thương con.

"Tuy nhiên, lời nói phải đi đôi với hành động. Dù ly hôn thì cha mẹ vẫn phải cùng nhau chăm sóc con. Nếu có thể thì trong vòng 1 năm nên duy trì cuộc sống như bình thường với các hoạt động như trước khi chia tay để con dần dần làm quen với sự vắng mặt của cha hoặc mẹ ở cấp độ tế nhị nhất, nhẹ nhàng nhất", Thạc sĩ Trần Thị Thu Hà đưa ra lời khuyên.

Hôn nhân là hành trình đi tìm giá trị yêu thương, đồng cảm và những giá trị sống khác… Những mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng nếu được giải quyết tốt sẽ tăng thêm hạnh phúc trong gia đình, tổ ấm cho những đứa con. Vì thế, quan trọng nhất là bản thân người trong cuộc luôn cần phải ý thức tôn trọng gia đình, coi gia đình là nền tảng của hạnh phúc, không chạy theo xu hướng và cám dỗ của xã hội để quên trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân trong việc giữ gìn hạnh phúc.

Và khi hôn nhân không thể níu giữ, thì đừng để con trẻ là những người phải gánh chịu hậu quả.

Mời nghe âm thanh tại đây:

 

Từ khóa: hôn nhân, ly hôn, trẻ con, tâm lý, khủng hoảng, đồng hành cùng con, hạnh phúc, gia đình

Thể loại: Đời sống

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập