Đồng bào Mông coi trọng mâm cơm cúng tổ tiên đêm 30 Tết
Cập nhật: 07/02/2024
VOV.VN - Trong các nghi lễ cúng ngày Tết được đồng bào Mông gìn giữ, duy trì như một niềm gửi gắm, mong đợi những điều tốt lành trong năm mới, mâm cơm cúng tổ tiên đêm 30 Tết luôn được đồng bào xem là quan trọng nhất trong năm. Đó là mâm cơm để tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho gia đình, con cháu trong suốt một năm qua và mong cho một năm mới gia đình luôn mạnh khoẻ, bình an, ăn nên làm ra.
Đêm 30 Tết là ngày cuối cùng của năm cũ, là thời khắc quan trọng bước sang năm mới, sau khi hoàn tất các thủ tục gọi vía cho các thành viên trong gia đình và gọi vía cho gia súc, gia cầm, vía tiền tài về nhà ăn Tết để chờ đón năm mới, gia chủ sẽ chuẩn bị một mâm cơm để cúng dâng lên ông bà, tổ tiên. Đồng bào Mông rất coi trọng mâm cơm cúng 30 Tết. Vì thế, từ khi mổ, nấu chín thịt và bày lên mâm đều cấm không cho bất kỳ ai được nếm thử mà để phải cúng ông bà tổ tiên trước. Đây là thành ý của gia chủ bày tỏ lòng thành kính đối với ông bà, tổ tiên đã phù hộ cho gia đình ăn nên làm ra.
Với gần 20 dòng họ, mỗi dòng họ đồng bào dân tộc Mông đều có những cách thể hiện lòng biết ơn với ông bà, tổ tiên riêng qua mâm cơm cúng 30 Tết. Như dòng họ Vàng tại huyện Mộc Châu, lợn to, lợn nhỏ hoặc gà đều dành một con riêng biệt để mổ cúng. Sau khi nấu chín, gia chủ đặt mâm cơm ở gian nhà chính giữa, trên mâm gồm có thịt, canh, cơm, rượu và lấy từ 8 – 9 cái thìa nhỏ đặt lên bát cơm to để mời ông bà, tổ tiên về ăn. Đồng thời, lấy ghế đặt quanh mâm cơm, phía dưới sẽ là chỗ người cúng ngồi, còn phía trên là phần ghế dành riêng cho ông bà, tổ tiên ngồi ăn tết. Ông Vàng A Thào (xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, Sơn La) cho biết: “Ngày Tết, dòng họ Vàng của chúng tôi chỉ cúng 3 thế hệ, trong đó có cha mẹ, anh em và con cháu”.
Dòng họ Mông Sua chỉ cúng gà và khác là lấy lại con gà cúng xử ca (bàn thờ) về cúng tổ tiên. Theo như ông Vì A Hao, người am hiểu văn hóa dân tộc Mông ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên: Sau khi cúng thờ xử ca xong, sẽ lấy gan của con gà đó để cúng tổ tiên. Mâm cơm cũng được đặt ở gian nhà chính giữa, trên mâm gồm: Gan gà, canh, cơm, rượu và lấy từ 8 – 9 cái thìa nhỏ đặt lên bát cơm to để mời ông bà, tổ tiên về ăn tết và đặt ghế quanh mâm cơm. Tuy nhiên lại khác với các dòng họ khác ở chỗ, gia chủ hoặc người được mời đến cúng lại ngồi phía trên vị trí đặt mâm cơm, còn phần ghế phía dưới để mời ông bà, tổ tiên về ngồi ăn tết.
Theo ông Hao, dòng họ Mông Sua cũng chỉ cúng 3 thế hệ, gồm bố mẹ, chú thím, thế hệ anh em cùng bậc với mình và thế hệ con cháu cùng bậc với con mình: “Chúng tôi cúng 3 thế hệ. Mỗi một thế hệ sẽ lấy cơm, 2 miếng thịt, canh để chung vào một cái thìa để cúng. Nhưng thìa đầu tiên là cúng bố, các chú, bác cùng bậc với bố; thìa thứ hai, cũng lấy cơm, 2 miếng thịt, canh để chung vào một cái thìa để cúng mẹ mình, các bác, thím cùng bậc và đến các con, cháu cũng tương tự như vậy”.
Mâm cơm cúng đêm 30 Tết của các dòng họ đồng bào Mông đầy hay vơi tuỳ thuộc vào gia cảnh và quan niệm của mỗi dòng họ từ xưa đến nay. Nhưng đều có điểm chung thể hiện lòng thành, bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên đã phù hộ cho gia đình suốt một năm qua và được thể hiện qua nội dung bài cúng, như ông Vàng Chứ Tính, xã Long Hẹ, huyện thuận Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: “Năm cũ qua đi, năm mới đã đến, hôm nay gia chủ có cơm, thịt và rượu để mời ông bà, tổ tiên, anh chị em, con cháu đã khuất về ăn Tết cùng gia chủ, sau một năm luôn phù hộ cho các thành viên trong gia đình bình an; sản xuất lúa ngô đầy bồ, chăn nuôi đầy chuồng. Mong bước sang năm mới, ông bà, tổ tiên tiếp tục phù hộ cho gia chủ ăn nên làm ra, phù hộ cho gia đình tránh được tai qua nạn khỏi”.
Sau khi hoàn tất các nghi lễ cúng đêm 30 Tết của mỗi dòng họ, mỗi gia đình, bà con lần lược đến các gia đình của các dòng họ khác trong bản để nâng ly rượu xuân chúc cho nhau sang năm mới sức khỏe, may mắn và thành công trong cuộc sống.
Từ khóa: người Mông, nghi lễ ngày Tết,đêm 30 Tết,cúng tổ tiên ,đồng bào mông
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả: vừ chu/vov-tây bắc
Nguồn tin: VOVVN