Đồng bào Khơ Mú ở Điện Biên gìn giữ nghề dệt túi thổ cẩm
Cập nhật: 11/04/2024
VOV.VN - Đồng bào Khơ Mú ở huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán, nét văn hoá truyền thống đặc sắc của dân tộc mình. Trong đó, nghề dệt túi vải thổ cẩm được chị em phụ nữ Khơ Mú nơi này lưu truyền từ đời này qua đời khác, như một nét văn hoá đặc trưng.
Là người con của đồng bào Khơ Mú, bà Quàng Thị Vừ, ở bản Tọ Cuông, xã Ảng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên cho biết: "Từ khi 13 đến 15 tuổi, bà và các chị em phụ nữ đã được các bà, các mẹ truyền dạy cách thêu thùa, dệt vải. Đặc biệt, làm túi thổ cẩm để đeo, đựng đồ, như vật dụng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, nhất là trong nghi lễ cưới hỏi của dân tộc Khơ Mú".
Để có nguyên liệu làm thành phẩm một cái túi thì phải trải qua rất nhiều công đoạn từ làm nương trồng bông, se chỉ, nhuộm chỉ, dệt vải. Người Khơ Mú chỉ dệt vải thao tác bằng tay, không dùng chân, không ngồi dệt vải trên khung cửi như một số dân tộc thiểu số khác.
Chị em phụ nữ dệt vải bằng cách, một đầu cuộn chỉ trắng thẳng, dài được túm buộc cố định vào một cột nhà tại gian bếp để tận dụng ánh sáng của bếp lửa vào ban đêm, vì trước đây chưa có điện thắp sáng, chủ yếu bà con tranh thủ dệt vải lúc nông nhàn; một đầu cuộn chỉ được nối buộc vào dây thắt lưng vải của chị em phụ nữ quấn quanh eo buộc lại cho chắc và ngồi ghế mây đan thấp để dệt vải. Mỗi một lần dệt, bà con thường dệt với khổ vải rộng hơn 20 phân, dài hơn 2 sải tay là vừa đủ để cắt, khâu thành một cái túi đeo hoàn chỉnh. Hơn nữa nếu dệt khổ vải rộng và dài quá, sẽ khiến người ngồi dệt sẽ rất mỏi.
"Dệt thành tấm vải trên khung cửi, sẽ tiến hành đo, cắt 2 tấm ngắn hơn sẽ được khâu nối vào làm thân túi, chiều cao khoảng 40 phân, 2 tấm vải dài hơn cũng được khâu nối với thân túi để làm dây túi, độ dài của dây túi đủ quàng từ vai xuống đến hông. Tất cả mọi công đoạn đều được làm thủ công bằng tay, nhất là những cô gái càng phải kỹ càng, tỉ mỉ hơn trong từng đường kim, mũi chỉ, kết hợp với thêu một số hoạ tiết hoa văn trên túi, thể hiện sự khéo tay hay làm của mình, để ra được một cái túi đeo ưng ý nhất", bà Quàng Thị Vừ chia sẻ.
Túi vải thổ cẩm đặc trưng của người Khơ Mú có 3 loại chính: Túi màu trắng; túi nhiều màu và túi đỏ. Mỗi loại túi có đặc điểm, độ khó trong quá trình se chỉ, phối chỉ, dệt vải, hình thêu hoa văn cũng như công năng sử dụng cho từng loại túi sẽ khác nhau. Trong đó làm đơn giản và thông dụng nhất vẫn là túi vải thổ cẩm màu trắng (gọi là thông đón), vì tất cả chỉ dùng một loại chỉ màu trắng để dệt thành tấm vải trắng, nhưng lại được sử dụng trong công việc cưới xin.
Bà Quàng Thị Vừ, bản Tọ Cuông, xã Ảng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên cho biết: "Túi trắng dùng đeo lúc đi thăm thân, cưới xin. Khi nhà trai đi đón dâu, thì bố mẹ bên nhà chồng sẽ chuẩn bị bộ váy, áo, chiếc khăn piêu, dây lưng vải màu xanh gấp gọn gàng cho vào cái túi màu trắng để cho con dâu, gọi là của hồi môn. Khi con gái về nhà chồng sẽ mang những chiếc túi trắng này làm quà biếu bố mẹ chồng, các bác, anh em thân thích bên nhà chồng giống như cô dâu người Thái biếu khăn piêu khi về nhà chồng".
Ngoài túi trắng, túi nhiều màu (gọi là thông lai) rất cầu kỳ khi dệt. Loại túi này dệt sẽ mất nhiều thời gian hơn và phải được ghép kết hợp nhiều loại chỉ với nhau một cách hài hoà. Bà Vừ cho biết thêm: "Túi nhiều màu thì làm khó hơn túi trắng vì phải ghép chỉ trắng với chỉ đen, đỏ với nhau, có tua rua ngắn, màu đỏ, màu trắng xen kẽ hết cả phần ngoài đáy túi, và tua rua ở miệng túi. Túi này chủ yếu dùng lúc đi chợ, thăm thân. Phụ nữ thường đeo loại túi này, còn nam giới ít đeo, chủ yếu đeo túi đỏ”.
Túi đỏ là tất cả tấm vải hầu như được dệt bằng chỉ đỏ, có phối ít chỉ đen, có các tua rua là các sợi chỉ đỏ dài khoảng 10 phân dưới đáy túi, miệng túi được thêu thùa trang trí nhiều hình hoa văn ( gọi là thông đanh). Loại túi này sẽ làm khó hơn, mất nhiều thời gian hơn và lúc con trai đi cưới vợ không thể thiếu loại túi này.
Ông Quàng Văn Cá, người dân ở bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở cho biết thêm: "Theo phong tục của người Khơ Mú, trước đây, khi con trai đi lấy vợ, thì phải ở rể bên nhà vợ một thời gian khá dài, có trường hợp đến vài ba năm mới được đón vợ về. Nên trước khi đi ở rể, bố mẹ đẻ sẽ chuẩn bị cho cái túi đỏ này để đeo trên vai, kèm theo cái nỏ, cung tên không thể thiếu, kể cả lúc làm lễ cúng, ma chay cũng phải có túi đỏ, nhất là khi con trai đi cưới vợ thì không có không được".
Ngày nay, trên thị trường đã có nhiều đồ gia dụng tiện ích, nhưng với đồng bào Khơ Mú ở Mường Ẳng, Điện Biên, túi đựng đồ được thêu dệt từ vải thổ cẩm vẫn không thể thiếu được trong cuộc sống đời thường của bà con. Không những vậy, các sản phẩm túi thổ cẩm cũng trở thành món quà tặng của khách du lịch khi đến thăm bản làng, hoặc đặt mua, giúp bà con có thêm thu nhập. Cũng nhờ vậy mà nghề dệt túi thổ cẩm được đồng bào gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác tạo nên bản sắc văn hoá riêng có của dân tộc Khơ Mú nơi này.
Từ khóa: Điện Biên, túi,túi vải, túi thổ cẩm, Điện Biên, Đồng bào Khơ Mú, huyện Mường Ảng
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả: tòng anh/vov-tây bắc
Nguồn tin: VOVVN