Đồng bào Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận sẵn sàng cho Lễ hội Katê 2024

Cập nhật: 29/09/2024

VOV.VN - Katê là lễ hội lớn trong năm của đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn ở Ninh Thuận và Bình Thuận, diễn ra vào đầu tháng 7 Chăm lịch năm nay (nhằm ngày 1 và 2/10 Dương lịch). Với giá trị văn hoá đặc sắc, Lễ hội Katê ngày càng thu hút đông du khách trong và ngoài nước tham gia.

 

Sẵn sàng cho ngày hội

Gốm Bàu Trúc và Dệt Mỹ Nghiệp là 2 làng nghề truyền thống của người Chăm, ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận được nhiều du khách tìm đến tham quan, mua hàng truyền thống để lưu niệm trong những dịp lễ, Tết.

Bà Đổng Thị Mỹ Tiên, chủ cơ sở gốm Mỹ Tiên cho biết, hơn 1 tháng nay, gia đình bà đã huy động hết nhân lực để làm ra nhiều sản phẩm phục vụ du khách tham gia lễ hội Katê tới. Dịp Katê làm ra nhiều hơn để bán cho du khách. Tinh thần bây giờ là dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, khu trưng bày để chuẩn bị đón khách. Bà Tiên nói. 

Những ngày qua, đại diện đoàn thể thị trấn Phước Dân đã tích cực tuyên truyền cho bà con Chăm sửa sang nhà cửa, treo cờ Tổ quốc, vệ sinh đường làng ngõ xóm chuẩn bị đón khách trong dịp lễ hội Katê.  

Ông Đàng Chí Quyết, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Quản lý khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cho biết: "Công tác chuẩn bị đón lễ hội Katê, về phía địa phương công tác chuẩn bị, thứ nhất vệ sinh môi trường, huy động tất cả ban, ngành, đoàn thể, thanh niên, học sinh tổng vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó bà con làng nghề tăng cường làm sản phẩm để giới thiệu phục vụ khách."

Theo ông Thành Nhảy, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận, đơn vị cũng chủ động các công việc phục vụ du khách trong dịp Katê. Nhằm quảng bá giới thiệu đến khách tham quan trong và ngoài nước thì đơn vị cũng chủ động các công việc sau: Thứ nhất, chỉnh lý và phục hồi lại cái phòng trưng bày ở trên 2 tháp: Pô Rôme và Pô Klaong Garai, để đưa những hiện vật Chăm tiêu biểu, những di sản, những bảo vật Quốc gia phục vụ du khách. Ông Nhảy nói. 

Cũng như các làng Chăm ở Ninh Thuận, những ngày qua, các làng Chăm ở Bình Thuận cũng tất bật chuẩn bị cho Lễ hội Katê.

Trên con đường dẫn từ Quốc lộ 1A vào đền thờ Pô Nit, đoạn qua thôn Bình Hiếu, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, cũng như tại cổng vào tháp Pô Sah Inư ở đồi Bà Nài, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết, đã treo rợp cờ phướn, băng rôn với dòng chữ: “Chào đón Lễ hội Katê 2024”. Các bạn đoàn viên thanh niên địa phương cũng được huy động để tổng vệ sinh môi trường.

Lan toả ngày hội

Tại đền thờ Pô Nít và tháp Pô Sah Inư các hoạt động văn hoá, văn nghệ chào mừng lễ hội Katê bắt đầu diễn ra từ sáng 1/10 gồm: trưng bày gắn với trình diễn nghề gốm, dệt thổ cẩm, văn hoá ẩm thực truyền thống; hoạt động “Góc văn hóa đọc"; giới thiệu hình ảnh về văn hóa Chăm, lễ hội Katê và nghệ thuật gốm Chăm Bình Đức bằng video; trình diễn nhạc cụ và giao lưu dân ca, dân vũ Chăm…

Ông Bá Sinh Tý, thành viên đội văn nghệ tại tháp Pô Sah Inư, đang sửa chữa lại các vật dụng chuẩn bị đón bà con Chăm lên tháp hành lễ phấn khởi cho biết: "Tôi đang sửa xe kéo để chuẩn bị chở giàn âm thanh lên tháp đón Katê. Năm nào cũng vậy, trước ngày hội Katê các anh em trong đội văn nghệ biễu diễn tại tháp cũng dành thời gian sửa chửa các vật dụng, để phục vụ cho bà con mình cũng như du khách trong ngày lễ." 

Theo ông Trần Đức Dũng, Trưởng Ban Quản lý di tích tháp Po Sah Inư, ngoài phần lễ và hội, dịp lễ hội Katê năm nay còn có nghi thức công bố và trưng bày bảo vật quốc gia Linga bằng vàng được phát hiện tại tháp Pô Dam, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong (Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia - đợt 12, năm 2023).

Kết hợp với đó sẽ trưng bày linga vàng và một số hiện vật văn hóa chăm vào dịp lễ hội Katê để du khách tham quan, thưởng lãm, qua đó góp phần quảng bá về bảo vật Quốc gia Linga vàng cũng như về văn hóa Chăm ở Bình Thuận. Đến thời điểm này về cơ bản công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội Katê đã được triển khai theo đúng kế hoạch nội dung đề ra và hiện tại chỉ có chờ đến ngày đón bà con về để tổ chức lễ hội. Ông Dũng cho biết thêm. 

Nhân dịp này, nhiều tổ chức, đơn vị kinh doanh đóng chân trên địa bàn đã có nhiều hoạt động thiện nguyện nhằm góp phần sẻ chia, động viên những hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng, giúp cho bà con phấn khởi, vui tươi đón Tết cổ truyền của dân tộc.  

Dịp này, đại diện Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận cũng như Ninh Thuận đã đến thăm, chúc mừng Lễ hội Katê đến các chức sắc, người có uy tín là người Chăm theo đạo Bà La Môn. 

Katê là dịp để tưởng nhớ các vị thần, vị vua có nhiều công lao đóng góp, được đồng bào tôn kính; tưởng nhớ ông bà tổ tiên và cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Với những giá trị văn hoá đặc sắc, Lễ hội Katê ngày càng thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước tham gia. Hiện, đồng bào Chăm 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã sẵn sàng cho Lễ hội Katê 2024.

Từ khóa: Bào Chăm , Ninh Thuận,Lễ hội, Katê,bào Chăm

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: đoàn sĩ/vov tp.hcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan