Đội thiện nguyện U80 tham gia xây cầu

Cập nhật: 04/09/2021

[VOV2] - Lau vội vệt mồ hôi trên trán, ông Võ Văn Lộc ngụ ấp Hòa Tân, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp nói: “Phải đôn đốc anh em tranh thủ làm để đổ mẻ bê tông cho kịp nước. Chúng tôi cố gắng làm nhanh để bà con có cây cầu kiên cố qua lại..."

Mới đó mà Đội Thi công cầu đường thiện nguyện huyện Lai Vung do ông Võ Văn Lộc, 85 tuổi, ngụ ấp Hòa Tân, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, thành lập đã gần 12 năm làm những công trình từ thiện phục vụ cộng đồng. Hơn một thập kỷ với bao biến đổi của cuộc sống nhưng những tình cảm mà Đội xây cầu của ông Lộc dành cho quê hương Đồng Tháp vẫn không thay đổi.

Ông Lộc kể, năm 2008, khi thấy mấy cây cầu cũ trong xã hư hỏng, học sinh đi học khó khăn nên ông rủ bạn bè, người quen tìm cách sửa lại hoặc bắc mới. “Tôi chỉ mới bày tỏ suy nghĩ, không ngờ anh em lại nhiệt tình hưởng ứng. Khi có công trình cầu, đường cần sửa, bắc mới, họ lại vác cuốc, xẻng đến tham gia. Tất cả thành viên đều làm trên tinh thần tự nguyện, không nhận tiền công hay khoản bồi dưỡng nào” - ông Lộc nhớ lại.

Theo ông Lộc, Đội ban đầu chỉ chục thành viên, dần dà phát triển lên hơn trăm người, cùng nhau góp sức, góp tiền bắc cầu, làm đường cho dân đi. Những năm đầu, do lực lượng mỏng, kỹ thuật còn yếu nên chỉ bắc cầu gỗ và cầu bê tông có tải trọng 1,5 tấn trở xuống. Tuổi cao, sức yếu, làm một chút đã phải nghỉ tay, ông Lộc bộc bạch: “Đội hơn 120 người nhưng đa số thành viên từ 60-70 tuổi, người ít tuổi nhất cũng hơn 50. Nhiều anh em hơn 80 tuổi rồi nhưng vẫn nhiệt tình, tôi đi đâu, anh em theo đó, không nệ công”.

Bà Trần Thị Có, 62 tuổi, ở xã Long Hậu, tiếp lời: “Ba năm trước, trong một lần đi bán vé số dạo, thấy đội của anh Lộc bắc cầu từ thiện rất có ý nghĩa nên tôi tình nguyện tham gia. Hằng ngày, khi có thông tin đội bắc cầu ở đâu, tôi tranh thủ bán nhanh vé số để đến làm cùng anh em. Khi đến công trình, là phụ nữ nên tôi chủ yếu xúc cát, cột sắt, xách nước. Nói chung, gặp gì làm nấy, chủ yếu việc nhẹ. Những hôm còn một ít vé số, anh em trong đội ủng hộ luôn, vừa bán hết vé số lại làm được việc có ích nên tôi vui lắm”.

Ông Huỳnh Văn Đựng, 70 tuổi, ngụ ấp Thới Mỹ 1, xã Vĩnh Thới, cho biết: “Tôi cũng không rành lắm về bắc cầu, thấy anh Lộc nhiệt tình thành lập Đội nên tham gia. Sau đó tôi tìm kiếm tài liệu tự học dần, giờ có thể phụ trách kỹ thuật cho đội bắc những cây cầu bê tông lớn, có cầu bề ngang hơn 5m”. Theo ông Lộc, địa phương nào có nhu cầu bắc cầu thì liên hệ, Đội của ông sẽ đến đo đạc và dự trù kinh phí. Sau đó, phần lớn vật tư do mạnh thường quân đóng góp và Nhà nước hỗ trợ, ông sẽ đưa lực lượng đến làm, không tính công. “Được cái bà con ai cũng thương, làm đến đâu họ đều lo cho mình nước uống, cơm đầy đủ để anh em no bụng” - ông Lộc nói.

Ông Đặng Văn Chờ, ở xã Vĩnh Thới, chia sẻ: “Thấy các chú, bác cực khổ lại làm không công nên tôi cũng không nệ khó, vận động phụ nữ trong xóm đến tiếp nấu sẵn cơm để các chú, bác ăn lót dạ, chuẩn bị nước để uống cho đỡ khát”. Còn ông Nguyễn Văn Lâm, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thới Hòa, xã Vĩnh Thới, cho biết: “Cây cầu Ngọn Cả Bần Dưới này nối liền 2 xã Vĩnh Thới và Long Hậu nhưng cầu nhỏ lại bắc đã lâu nên xuống cấp, bà con đi lại rất khó khăn. Nhờ có Đội bắc cầu của anh Lộc góp sức mà bà con sẽ có cây cầu mới đi lại dễ dàng”.

Tiếp tục giúp ích cho đời

Thời gian qua, ở đâu muốn bắc cầu mới mà còn eo hẹp về kinh phí thì đội quân của ông Lộc lại có mặt hỗ trợ giảm chi phí nhân công. Để có đội quân hùng hậu như hôm nay, phải ghi nhận tấm lòng của ông Lộc. Ông truyền được cái tình, cái nghĩa với quê hương để khơi dậy nhiệt tình của mọi người. Những việc làm âm thầm của Đội bắc cầu do ông Lộc thành lập đóng góp dần cho quá trình xóa cầu khỉ, đường đất tại Đồng Tháp. Mỗi cây cầu bắc xong là niềm vui thêm trọn vẹn khi đôi bờ nối nhịp.

Bị ung thư phổi hành hạ mấy năm nay, nhiều lần thập tử nhất sinh nhưng hễ Đội đến đâu thì ông Trần Thành Tài, 69 tuổi, ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung, lại có mặt. “Tôi bệnh, lại mất 1 chân, không làm được việc nặng như anh em thì làm việc nhẹ. Nhưng được cái anh em xúm lại chia việc ra làm nên thấy nhẹ nhàng hơn. Và khi một tuyến đường, một cây cầu hoàn thành, giúp bà con, các cháu học sinh đi lại dễ dàng, anh em chúng tôi vui lắm. Chính niềm vui đó trở thành động lực để những bạn già chúng tôi tiếp tục đi bắc thêm những cây cầu, làm thêm những con đường mới…” - ông Tài chia sẻ.

Ông Lê Văn Út, 70 tuổi, phụ trách kỹ thuật bắc cầu của Đội, cho biết: “Nói anh em chúng tôi không học theo trường lớp thì đúng, chứ về kỹ thuật bắc cầu thì anh em chúng tôi học ở bạn, ở các chuyên gia bắc cầu. Hiện nay, chúng tôi đã bắc được cầu tải trọng đến 5 tấn, phải học kỹ lưỡng về kết cấu bê tông, cốt thép… Ngoài ra còn phải học luôn cách tổ chức lao động, lớn tuổi làm việc gì, còn trẻ, khỏe thì phụ trách việc nào cho hợp lý. Nhờ vậy, từ khi Đội thành lập và bắc hàng trăm cây cầu bê tông, đến nay chưa cây cầu nào bị sự cố hoặc xảy ra vấn đề gì trong lao động”.

Ông Lộc cho biết, bằng quyết tâm, tinh thần thiện nguyện, gần 12 năm miệt mài với những việc làm đầy ý nghĩa, Đội đã bắc hàng chục cầu gỗ, gần 200 cây cầu bê tông, làm hàng ngàn mét đường tại huyện Lai Vung, Châu Thành, Lấp Vò. Ngoài ra, Đội còn sang các tỉnh, thành khác như Vĩnh Long, Cần Thơ và cả Đồng Nai để bắc cầu từ thiện. Ở đâu, anh em trong Đội cũng đều tham gia với tinh thần tự nguyện, không đòi hỏi bất cứ điều gì. Tuy nhiên, đối với những thành viên nhà quá xa công trình, địa phương hay chủ đầu tư công trình thường linh động hỗ trợ ít tiền xăng cho anh em. Còn chuyện cơm nước, đội đi tới đâu đã có dân lo tới đó.

“Tôi chỉ mong sao anh em trong Đội luôn có sức khỏe tốt, để nơi nào có nhu cầu bắc, sửa cầu, đường thì mình đến làm miễn phí; nếu thiếu tiền thì anh em cùng nhau vận động. Vùng này sông nước chằng chịt, tôi cũng mong sao các mạnh thường quân cùng chung tay với địa phương trong việc bắc cầu làm đường nông thôn” - ông Lộc nói.

                                                                                                                                                         (Nguồn: Baocantho.com.vn)

 

Từ khóa: Đội Thi công cầu đường, thiện nguyện, huyện Lai Vung, ông Võ Văn Lộc, U80, ấp Hòa Tân, xã Tân Hòa, tỉnh Đồng Tháp

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập