Đổi thay ở các vùng căn cứ cách mạng tại Lâm Đồng

Cập nhật: 1 ngày trước

VOV.VN - 50 năm qua đi, những vùng căn cứ cách mạng tại các buôn làng dân tộc thiểu số của tỉnh Lâm Đồng đã thay da đổi thịt. Những vùng đất bị tàn phá bởi chiến tranh nay đã chuyển mình mạnh mẽ, vươn lên trở thành những vùng nông thôn mới đáng sống với nhiều triển vọng phát triển.

Vùng căn cứ cách mạng Đông Mang, thuộc xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, cách thành phố Đà Lạt khoảng 60km theo quốc lộ 27C về hướng biển. Cựu chiến binh Kơ Să Ha Tam, 83 tuổi, người K’ho ở thôn Tu Poh, xã Đạ Chais, cho biết, nhiều người con của buôn làng đã hy sinh trên mảnh đất này và được ghi danh tại Đài tưởng niệm của huyện. Ông xúc động kể lại những câu chuyện tuổi trẻ đầy gian khổ khi tham gia nuôi giấu cán bộ, làm giao liên và tải đạn phục vụ chiến trường.   

“Mình nấu cơm nuôi quân thì phải nấu đàng hoàng, phải trực lửa không để khói, hễ có khói là máy bay của địch phát hiện được và bắn. Lúc mình làm giao liên là 18, 19 tuổi thôi, còn khi đi thanh niên xung phong tải đạn là 20 tuổi. Khi đang tham gia thanh niên xung phong, nguy hiểm nhất là gặp lúc B52 ném bom cả dãy. Lẽ ra mình đã chết vào thời điểm đó rồi, khi ấy trong một lần đi tải đạn thì gặp máy bay ném bom, 7 người trong nhóm đã bị chết”. Ông Kơ Să Ha Tam, nhớ lại.

Tự hào về một thời tuổi trẻ tham gia chiến đấu giải phóng quê hương, cựu chiến binh K’Dĩnh, 82 tuổi, người K’ho, ở xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, bày tỏ, sự hy sinh của thế hệ trước đang giúp quê hương đất nước ngày thêm tươi đẹp. “Người dân nơi đây tham gia cách mạng, đóng góp lúa gạo nuôi quân. Khi ấy, nhà nào cũng tham gia phong trào góp nắm gạo bỏ trong hũ, gọi là hũ gạo nuôi quân. Tinh thần của người dân ở căn cứ kháng chiến nơi này là vậy, cho đến ngày giải phóng luôn. Từ ngày hòa bình thì đời sống người dân bắt đầu khá lên, yên ổn, cố gắng làm ăn. Giờ thì đường sá rất là khang trang, thỏa mái đi lại rồi, dân và Nhà nước cùng làm nên bộ mặt nông thôn ngày càng đẹp hơn. Nói thật, người dân bây giờ chỉ lo tập trung làm giàu thôi”. Ông K’Dĩnh tự hào nói.

50 năm sau ngày giải phóng, các vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Lâm Đồng đều đã thay da đổi thịt. Ông Bon Yô Soan, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trong tỉnh chỉ còn dưới 2%, trong đó hộ nghèo người dân tộc thiểu số dưới 5,5%. Phát huy tinh thần đoàn kết, bà con các dân tộc đang tiếp tục chung tay xây dựng quê hương giàu mạnh. Đặc biệt, giờ đây người dân đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng; vật nuôi, biết áp dụng các tiến bộ KHKT vào trong sản xuất, nâng cao hiệu quả canh tác… Đây là những điều kiện quan trọng để các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng ở vùng sau, vùng xa tiếp tục có những chuyển biến tích cực trong phát triển KT-XH, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Nửa thế kỷ đã qua, những vùng đất bom đạn năm xưa nay đã trở thành những xã nông thôn mới phát triển. Bà con các dân tộc ở Lâm Đồng đang tin tưởng cùng đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

giao_luu_van_hoa_va_show_dien_vu_dieu_dai_ngan.jpg

Thúc đẩy du lịch cộng đồng ở vùng căn cứ cách mạng Quảng Nam

VOV.VN - 50 năm sau Ngày giải phóng Quảng Nam, khu vực miền núi, vùng căn cứ cách mạng trong chiến tranh nay xuất hiện nhiều khu du lịch cộng đồng thu hút du khách. Những sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên và văn hóa bản địa đồng bào dân tộc thiểu số giữa núi rừng Trường Sơn giúp người dân có thu nhập ổn định.

Từ khóa: Lâm Đồng, đổi thay vùng căn cứ cách mạng, Đông Mang, Lâm Đồng, căn cứ cách mạng, phát triển, đổi thay,dân tộc thiểu số

Thể loại: Xã hội

Tác giả: quang sáng/vov-tây nguyên

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập