Đối tác Chính phủ mở giúp công khai minh bạch, hạn chế tham nhũng

Cập nhật: 25/09/2019

Bằng việc thực hiện các nguyên tắc của Chính phủ mở (OGP) sẽ là một cơ chế hữu ích giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững.

Kết quả nghiên cứu về “Đối tác Chính phủ mở có thể hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” do Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) - Cơ quan đầu mối quốc gia của tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố ngày 21/2 tại Hà Nội cho thấy, với các nguyên tắc “công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, hỗ trợ sự tham gia của người dân, áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước”, đối tác Chính phủ mở (Open Government Partnership – OGP) sẽ là một cơ chế hữu ích giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững.

doi tac chinh phu mo giup cong khai minh bach, han che tham nhung hinh 1
TS. Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trình bày kết quả nghiên cứu.

OGP là sáng kiến quốc tế nổi bật nhất hiện nay nhằm thúc đẩy minh bạch, trách nhiệm giải trình, sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước. Hiện nay đã có 79 quốc gia và 20 chính quyền địa phương tham gia làm thành viên của sáng kiến. Nhiều quốc gia thành viên sử dụng OGP như một công cụ thúc đẩy quản trị tốt, phòng chống tham nhũng vàphát triển bền vững.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã thông qua “Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” vào tháng 5/2017, bao gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể của Việt Nam đến năm 2030. Tuy nhiên, việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững là nhiệm vụ đầy thách thức đối với Chính phủ Việt Nam.

Tổ chức Hướng tới Minh bạch cho rằng, Chính phủ phải duy trì được các thành quả đã đạt được về tỷ lệ tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo trong bối cảnh viện trợ quốc tế cho Việt Nam đang suy giảm. Trong bối cảnh toàn cầu mới, Chính phủ cần đưa ra những cam kết hướng đến thực hiện các mục tiêu phát triển toàn diện hơn. Quan trọng nhất là ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế về chất lượng thể chế và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

Trước thực tế này, Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi sự đóng góp và tham gia tích cực của toàn xã hội, các bộ ngành địa phương, các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng quốc tế vào quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

“Mặc dù Việt Nam hiện chưa phải là thành viên của OGP (vì cần đáp ứng tiêu chí thành viên), nhưng các nguyên tắc của OGP (công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, sự tham gia của người dân) đều là những nội dung mà Đảng và Nhà nước đang làm và muốn làm. Thời gian gần đây, Việt Nam đang củng cố và hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy chính phủ điện tử, cải cách hành chính”, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc điều hành của TT nhận định.

Tổ chức Hướng tới Minh bạch cũng chỉ ra rằng, các nguyên tắc của OGP sẽ giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả 17 mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia, bằng cách tạo ra các cơ hội kinh doanh và thu hút đầu tư có chất lượng, đẩy mạnh cải cách thể chế, huy động các nguồn lực xã hội, và thúc đẩy sự gắn kết giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

doi tac chinh phu mo giup cong khai minh bach, han che tham nhung hinh 2
Ông Nguyễn Minh Thuyết, thành viên Ban cố vấn của TT.

Ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đồng thời là thành viên Ban cố vấn của TT nhận xét, nếu Việt Nam áp dụng nghiêm túc và hiệu quả các nguyên tắc của OGP trong quá trình thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, chất lượng quản trị nhà nước và thể chế của Việt Nam sẽ được cải thiện, từ đó huy động được nguồn lực và sự tham gia tích cực của nhiều chủ thể trong xã hội góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Nhiều diễn giả cho rằng, các nguyên tắc của OGP rất phù hợp với các chính sách và quy định pháp luật của Việt Nam về quản lý nhà nước, đồng thời là cơ chế hiệu quả để thúc đẩy quản trị và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, các kế hoạch hành động của Việt nam thực hiện Chương trình Nghị sự 2030, cần lồng ghép các nguyên tắc của OGP để có thể thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Từ khóa: chính phủ mở, chính phủ hành động, công khai minh bạch, chống tham nhũng, quản lý ngân sách,

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập