Đối phó với dịch bệnh nCoV: Gây nhiễu, bịa đặt thông tin là tội ác
Cập nhật: 05/02/2020
Ông Trump thúc đẩy chấm dứt xung đột ở Ukraine: Nga chấp nhận điều khoản nào?
Ông Yoon Suk Yeol được bảo vệ như thế nào trong quá trình bị giam giữ?
VOV.VN - Bất kỳ ai, vào thời điểm này, đưa tin thất thiệt, vô trách nhiệm, gây hoang mang dư luận đều bị coi là tội với cộng đồng.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, cả hệ thống chính trị đã gấp rút vào cuộc. Trước, trong và sau Tết nguyên đán, ưu tiên hàng đầu là chống dịch, hạn chế thấp nhất tình trạng lây lan trong cộng đồng. Sức khỏe con người được đặt ở vị trí cao nhất.
Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực đó, rất nhiều thông tin nhiễu, gây hoang mang dư luận đã được phát tán trên mạng xã hội. Thông tin bịa đặt, thiếu kiểm chứng, thông tin vô trách nhiệm đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Các cơ quan chức năng vừa phải lo đối phó với dịch bệnh, vừa phải mất công, tốn sức để xử lý tình trạng tin “giả” nhưng gây ra hậu quả thật.
Thực tế, số người tung tin sai sự thật, chia sẻ những thông tin không chính xác bị xử lý đã nhiều hơn số người nhiễm nCoV được các cơ quan chức năng công bố (10 người, tính đến ngày 4/2).
Chỉ với mục đích câu like, muốn gây sự chú ý trên mạng xã hội, người ta sẵn sàng “gán” cho mình kết quả dương tính với virus corona. Hành động coi thường tính mạng con người, đùa cợt với căn bệnh chết người này là không thể chấp nhận.
Không chỉ những công dân bình thường mà ngay cả những người nổi tiếng, những người trong vai bác sĩ… cũng đăng tải và chia sẻ những thông tin thiếu kiểm chứng, gây hoang mang, bất an trong xã hội.
Chúng ta đang gồng mình để đối phó với dịch bệnh. Đó là một thực tế. Tinh thần chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ là “chống dịch như chống giặc”, chủ động ứng phó với dịch bệnh trên tất cả các “mặt trận”, từ y tế đến ngoại giao, quốc phòng, an ninh và kinh tế- xã hội. Người đứng đầu Chính phủ đã tuyên bố, chúng ta chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ngay cả một kịch bản mới cho tăng trưởng kinh tế năm nay cũng được tính đến.
Dịch bệnh đã được công bố. Những thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng được cập nhật liên tục đến người dân, không giấu diếm, không che đậy. Cả hệ thống báo chí vào cuộc với mong muốn người dân có những thông tin chính xác để phòng bệnh, bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng. Các nền tảng công nghệ cũng được sử dụng tối đa để ai cũng được tiếp cận thông tin, không phải tìm kiếm ở những nguồn không chính thống.
Cũng bởi vậy, bất kỳ ai, vào thời điểm này, đưa tin thất thiệt, vô trách nhiệm, gây hoang mang dư luận đều bị coi là có tội với cộng đồng. Họ hãy đặt mình vào vai những y bác sĩ đang hy sinh thầm lặng, làm việc ngày đêm để bảo vệ sự sống của con người, đặt mình vào trường hợp không may mắc bệnh thì gia đình, thân nhân lo lắng như thế nào. Như Thủ tướng đã nói, không chỉ nhắc nhở, phạt hành chính mà l thậm chí phải khởi tố, xử lý hình sự những người tung thông tin thất thiệt dựa trên hậu quả gây ra cho xã hội.
Trước vấn nạn tin “giả” xuất hiện ngày càng nhiều, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra Chỉ thị, trong đó đề nghị các đơn vị chức năng chủ động đấu tranh, đàm phán với Facebook và Google để yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ các video clip, thông tin sai sự thật về dịch bệnh, các tài khoản giả mạo đưa tin không đúng sự thật.
Dịch bệnh không trừ một ai. Càng những lúc khó khăn càng phải sát cánh cùng Chính phủ, cùng cộng đồng. Dịch bệnh sẽ được ngăn chặn, được kìm hãm và đẩy lùi nếu mỗi chúng ta là một công dân có trách nhiệm./.
Ca thứ 10 nhiễm corona có tiếp xúc gần với bệnh nhân trở về từ Vũ Hán
Từ khóa: virus corona, phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp, dịch bệnh nCoV, đưa tin thất thiệt về dịch bệnh eCoV, xử lý người đưa tin sai sự thật về tình hình nhiễm virus nCoV
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN