Đòi nợ sao cho đúng luật?
Cập nhật: 30/10/2019
Quan hệ sâu đậm giữa CIA và tình báo Ukraine trong xung đột với Nga
Nga tấn công dữ dội Ukraine trên thực địa, sẵn sàng cho mọi kịch bản
VOV.VN - Đòi nợ sao cho đúng luật để không phạm vào tội Cưỡng đoạt tài sản là câu hỏi đặt ra đối với không ít người.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc công ty Luật Hoàng Sa) cho rằng, trong trường hợp hai bên có quan hệ vay nợ lẫn nhau nên giải quyết thông qua thỏa thuận hoặc thông qua con đường tòa án thay vì đơn phương thực hiện hành vi lấy đi tài sản của con nợ.
(Ảnh minh họa) |
Luật sư Hoàng Trọng Giáp cho biết, pháp luật tố tụng dân sự quy định rằng, trong trường hợp hai bên có quan hệ vay nợ lẫn nhau và các bên không thỏa thuận được thời gian, thời hạn trả nợ cũng như số nợ phải trả, số lãi phải trả thì chủ nợ có thể yêu cầu tòa án giải quyết.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, căn cứ pháp lý, tòa án sẽ ra một phán quyết cho chủ nợ, nếu có căn cứ thì yêu cầu con nợ phải trả cho chủ nợ số tiền đã vay. Trong trường hợp này, tòa án nhân danh công lý, nhân danh pháp luật, căn cứ theo quy định của pháp luật để ra một phán quyết hợp pháp.
Trong trường hợp tòa án đã ra phán quyết nhưng người nợ vẫn không trả được nợ thì chủ nợ vẫn được tiếp tục quyền của mình, đó là yêu cầu tòa án giải quyết. Sau khi có bản án của tòa án thì chủ nợ có thể yêu cầu cơ quan thi hành án tiến hành thi hành bản án, nghĩa là tìm hiểu con nợ có tài sản ở đâu để thực hiện các biện pháp cưỡng chế cũng như phong tỏa tài sản của con nợ, thu hồi khoản nợ cho chủ nợ.
Nếu trong quá trình đòi nợ xảy ra xô xát, hoặc vô tình gây ra hậu quả nghiêm trọng, theo luật sư Hoàng Trọng Giáp thì tùy theo tính chất, mức độ có thể thỏa mãn dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại Điều 134, Bộ Luật hình sự.
Tức là chủ nợ có thể xô xát, đánh con nợ dẫn đến thương tích mà ở đây pháp luật quy định thương tích là 11% trở lên là có dấu hiệu để khởi tố vụ án với tội danh cố ý gây thương tích theo Điều 134 bộ Luật hình sự, có thể bị xử lý từ 6 tháng đến chung thân.
Hoặc trong quá trình đòi nợ vô tình gây hậu quả nghiêm trọng, gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe của con nợ thì có thể cấu thành tội phạm tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và mức phạt tù cao nhất lên đến 3 năm được quy định tại Điều 138, Luật hình sự năm 2015.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp cho biết thêm theo quy định của Điều 170 Bộ Luật Hình sự năm 2015 tội cưỡng đoạt tài sản không quy định giá trị tài sản chiếm đoạt là bao nhiêu, mà các hành vi này chỉ cần đáp ứng được các dấu hiệu của tội phạm về mặt khách quan và chủ quan.
Ví dụ con nợ đang nợ số tiền là 50 triệu và chủ nợ yêu cầu con nợ giao cho chủ nợ xe hoặc đe dọa, thì đây là hành vi dùng vũ lực chiếm đoạt xe máy của con nợ, như vậy mục đích ở đây chỉ là chiếm đoạt tài sản, còn không yêu cầu là chiếm đoạt tài sản giá trị bao nhiêu là đã cấu thành tội phạm chiếm đoạt tài sản.
Để tránh xảy ra những trường hợp như trên, luật sư Hoàng Trọng Giáp lưu ý trước khi cho vay cần phải tìm hiểu kỹ, đồng thời lập các giấy tờ văn bản cần thiết như giấy giao nhận tiền, thời hạn vay, thời hạn trả như nào và những giấy tờ này sẽ là căn cứ pháp lý vững chắc để sau này đòi nợ.
Trong trường hợp sử dụng những biện pháp khác, ngoài biện pháp khởi kiện ra tòa án thì chủ nợ trước khi xử lý cũng phải tham vấn một số ý kiến của các luật sư, chuyên gia pháp lý về những việc mình làm, sẽ làm xem hậu quả cụ thể xảy ra có vi phạm pháp luật hay không./.
Từ khóa: đòi nợ, cưỡng đoạt tài sản, vi phạm pháp luật, cơ quan công an
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN