Đổi mới không nên bắt đầu từ ngọn
Cập nhật: 12/01/2020
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN - Mục tiêu của đổi mới thi cử là để học sinh và thầy cô giáo học tốt hơn, dạy tốt hơn, chứ không phải đổi mới chỉ để đổi mới.
Đang đổi mới “từ ngọn”
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT nhưng những đổi mới trong thời gian qua của Bộ GD-ĐT vấp phải không ít phản ứng từ dư luận, thậm chí mất niềm tin trong nhân dân.
Lý giải những bất cập này, GS. Viện sĩ Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên - Nhi đồng Quốc hội cho rằng: “Những việc Bộ làm trong thời gian qua mới chỉ là đổi mới phần ngọn. Ví dụ, chọn khâu đột phá “thi cử” là không phù hợp vì nó chỉ giải quyết ở phần ngọn. Theo tôi, đổi mới đầu tiên phải là Chương trình - Sách giáo khoa (CT-SGK). Khi có CT-SGK thì sau đó mới xây dựng phương thức kiểm tra đánh giá, có cả vấn đề thi cử phù hợp với nó. Chứ giờ chưa đổi mới nội dung CT thì đổi mới kỳ thi chưa triệt để được. Tức là CT-SGK vẫn chỉ là truyền thụ kiến thức chứ chưa chuyển theo xu hướng đánh giá năng lực, phát triển toàn diện thì làm sao thi kiểu đánh giá năng lực được, “học gì, thi nấy” chứ. Giờ không dạy học theo kiểu phát triển năng lực mà lại đòi đánh giá năng lực là bất hợp lý”.
GS. Đào Trọng Thi: "Đổi mới hiện nay Bộ GD-ĐT đang làm không có sự thiết kế tổng thể mà làm lặt vặt, sai cái này, sửa cái kia kéo dài nhiều năm quá nên gây áp lực cho XH, trong dư luận. Việc đổi mới, điều chỉnh cần phải bám sát định hướng, nhắm đến mục tiêu giáo dục là phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của học sinh. Đổi mới phải có lộ trình hợp lý, đảm bảo tính khả thi và bền vững, tránh gây sốc cho học sinh và xã hội. Việc đổi mới phải mang lại hiệu quả thiết thực, giảm tải, giảm áp lực và tốn kém cho học sinh và xã hội, kết quả thi khách quan làm căn cứ tin cậy để công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Bộ cần cầu thị, lắng nghe ý kiến của chuyên gia và người dân, cân nhắc chọn lọc những nội dung điều chỉnh thực sự cần thiết".
Còn hơn 1 năm nữa là triển khai CT-SGK mới và Bộ cũng đang tổ chức bồi dưỡng theo CT nhưng đến nay có nhiều giáo viên vẫn thờ ơ với sự đổi mới, có giáo viên thì lo lắng chưa có SGK mới trong tay nên chưa hình dung được sẽ đổi mới thế nào. Đề cập việc chuẩn bị triển khai CT-SGK mới bắt đầu từ năm 2021, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Sự chủ động của giáo viên từ bây giờ là rất cần thiết để sau này đỡ vất vả cho bản thân mỗi người thầy và cũng là cách góp phần cho việc đổi mới của ngành giáo dục thành công trong một vài năm tới”.
Năm học 2020- 2021 sẽ áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở lớp 1; năm 2021-2022 là áp dụng ở lớp 2 và lớp 6; năm 2022-2023 là áp dụng ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Việc hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông sẽ kết thúc vào năm học 2024- 2015 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Trước mắt giáo viên cần chuẩn bị một số việc như: Một là, nghiên cứu kỹ Chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPTM), bởi vì trước đây chỉ có 1 bộ SGK của Bộ GD-ĐT và tổ chức thi cử cũng theo SGK đó nên vai trò của SGK quan trọng và giáo viên chỉ biết đến SGK chứ không biết đến CT. Nhưng bây giờ có nhiều bộ SGK nên chỉ đạo thi cử sẽ không theo bộ SGK nào cả mà phải theo yêu cầu cần đạt trong CT. Vì thế, GV phải nắm kỹ CT, để làm sao dạy học sinh đạt được yêu cầu của CT đặt ra. Muốn triển khai tốt thì đầu tiên giáo viên phải đổi mới nhận thức về CT-SGK. Hai là, nghiên cứu các bộ SGK để có tiếng nói trong việc lựa chọn SGK, vì nếu chọn sai thì học sinh khổ, giáo viên cũng khổ, mà nửa chừng không dạy được đòi đổi thì rất khó.
“Giáo viên phải nghiên cứu kỹ để có quyết định lựa chọn SGK làm sao phù hợp với điều kiện dạy và học và phù hợp với kinh nghiệm thực tế của mình. Quan trọng nhất là chọn được bộ sách phù hợp, chứ chọn theo “thương hiệu” nào đó mà dạy không được thì thầy trò sẽ khổ” - GS. Thuyết cảnh báo.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, Chương trình giáo dục phổ thông mới muốn thực hiện được thì phải có con người, phải có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đúng chuẩn và được tập huấn, bồi dưỡng đáp ứng bộ tiêu chuẩn giáo viên các cấp, chuẩn hiệu trưởng các cấp.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng: “Đội ngũ giáo viên chính những người tiên phong trong đổi mới chương trình, SGK từ năm học 2020 - 2021. Đồng thời, khi đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp giáo dục được coi như “chìa khóa” để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và thực hiện triển khai chương trình SGK mới. Tuy nhiên vẫn còn nhiều giáo viên còn mắc bệnh “chạy” theo lý thuyết kinh điển, bám vào trí thức có sẵn trong SGK, không gắn với thực tiễn đời sống”.
Bên cạnh đó, việc tuyển giáo viên lại do Sở Nội vụ các tỉnh, thành quyết định thế nên mới có chuyện để thực hiện giảm biên chế, giảm đầu mối, có quận, huyện sa thải vài trăm giáo viên. Thử hỏi như vậy đội ngũ nhà giáo làm sao ổn định?
Không đổi mới thi cử thì CTGD phổ thông mới rất khó thành công
"Đổi mới giáo dục muốn có hiệu quả cần phải có lộ trình từng bước cụ thể. Thi cử hiện nay vẫn chưa đổi mới được là điều rất đáng lo ngại, bởi Chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi học sinh phải thực hành mà bây giờ cứ thi cử theo kiểu hiện nay là kiểm tra kiến thức, chứ không kiểm tra đánh giá được thực hành. Tôi đã đề xuất với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thời gian tới Bộ GD-ĐT phải thay đổi cách thi để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới , bởi nếu không đổi mới thi cử thì Chương trình giáo dục phổ thông mới rất khó thành công" - GS Nguyễn Minh Thuyết.
Đổi mới phải có lộ trình hợp lý, khả thi và ổn định
Thay đổi thế nào để tiếp cận xu hướng thi, tuyển sinh của các nước tiên tiến trên thế giới là bài toán nan giải khiến ngành giáo dục vẫn đang loay hoay trong nhiều năm.
GS. Đào Trọng Thi thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Với kỳ thi “2 trong 1”, từ lâu tôi không ủng hộ vì 2 mục tiêu của của kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh đại học hoàn toàn không thể kết hợp được. Việc Bộ GD-ĐT buộc các trường phải lấy kết quả đó xét tuyển đã làm nảy sinh nhiều bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng “đầu vào” của các trường. Chính vì thế, kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Bộ GD-ĐT đã phải khẳng định lại, mục tiêu của kỳ thi này chủ yếu là để xét tốt nghiệp. Các trường ĐH, CĐ có thể lấy kết quả đó làm cơ sở xét tuyển hoặc có thể tổ chức kỳ thi riêng. Còn thi tốt nghiệp THPT với tỷ lệ đậu 90 - 95% như hiện nay thì theo tôi kỳ thi đó có thể tổ chức ở các địa phương, thậm chí với các cơ sở giáo dục uy tín có thể giao cho họ tự làm là tốt nhất”.
Về phương thức tổ chức kỳ thi này bằng hình thức thi trắc nghiệm hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Theo GS. Đào Trọng Thi, việc tổ chức thi bằng hình thức trắc nghiệm nhìn chung là phù hợp với xu hướng của thế giới. Sở dĩ trong mấy năm nay kỳ thi bị gặp nhiều sự cố là do chúng ta áp dụng hình thức trắc nghiệm nửa vời, làm chưa đến nơi đến chốn. Chúng ta vẫn tổ chức thi trên giấy cho cả triệu thí sinh và thi cùng một thời điểm nên vẫn tạo sức ép lớn cho kỳ thi, thậm chí nảy sinh tiêu cực nghiêm trọng. Kỳ thi có 3 khâu quan trọng là: Ra đề, coi thi và chấm thi. Trước đây thi theo kiểu truyền thống (thi tự luận) thì tiêu cực chủ yếu rơi vào khâu coi thi, nhưng nếu thi trên máy thì khâu coi thi và chấm thi gần như không thành vấn đề đáng lo nữa. Thi trắc nghiệm trên máy thí sinh sẽ không cần tập trung thi đồng loạt nữa, thí sinh ở đâu thi ở đó, như vậy sẽ giảm tốn kém, không còn căng thẳng, sức ép cho xã hội trong mỗi kỳ thi. Quan trọng hơn là sẽ hạn chế tối đa sự tiêu cực, thi xong có kết quả luôn thì không ai can thiệp được. Kỳ thi năm trước bị lọt tiêu cực vì thi xong có quá nhiều khâu như: dọc phách, di chuyển, lưu kho...
Đề cập giải pháp cho vấn đề này, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: “Thực tế, lâu nay các em học vẫn vì bảng điểm chứ không phải vì phát triển bản thân. Tôi rất tâm đắc với đề án học sinh được thi lại nhiều lần trong năm. Nếu áp dụng thi nhiều lần sẽ kích thích khả năng ham học hỏi của học sinh hơn. Tiêu biểu, một nước đứng đầu về giáo dục như Phần Lan thường ưu tiên phát triển năng lực học sinh và tránh việc đánh giá theo kiểu đỗ - trượt, thấp - cao. Vì vậy, tại sao chúng ta không đặt chuẩn để học sinh nỗ lực, phấn đấu?”.
TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, mục tiêu của đổi mới thi cử là để học sinh và thầy cô giáo học tốt hơn, dạy tốt hơn, chứ không phải đổi mới chỉ để đổi mới, không thay cái cũ bằng một cái mới. Với mục tiêu như vậy, TS. Tùng Lâm băn khoăn liệu thi trắc nghiệm có phát triển được năng lực và đánh giá đúng phẩm chất của học sinh hay không? Làm sao để ngân hàng đề giúp học sinh thi trắc nghiệm vẫn gắn với đời sống, thể hiện năng lực cá nhân? Do đó, cần cải tiến bộ câu hỏi để đánh giá năng lực học sinh. Bộ GD-ĐT nên có nghiên cứu về khía cạnh này và đánh giá nghiêm túc, cách làm câu hỏi đã phù hợp, khoa học và đảm bảo giá trị cao hay chưa./.
Chất lượng giáo dục là sự thay đổi của mỗi con người...
"Việc chúng ta đổi mới thi cử rất quan trọng, cần thiết nhưng không chỉ đổi mới các phương tiện, công cụ đánh giá mà phải đổi mới chất lượng, tiêu chuẩn và cách đánh giá thế nào để phát triển năng lực. Phương án nên giao cho các nhà trường đánh giá học sinh để công nhận tốt nghiệp. Từ đó, kết quả thi THPT mới có chất lượng, nếu không chúng ta vẫn mãi loanh quanh, luẩn quẩn với bài toán chưa giải được, đó là học sinh không phát triển được phẩm chất và năng lực của mình.
Trong giáo dục không phải cho học sinh biết được cái gì mà phải làm được cái gì, phải trở thành con người như thế nào?. Theo UNESCO, chuẩn quốc tế về chất lượng giáo dục là sự thay đổi của mỗi con người chứ không phải nặng về “đếm” kiến thức như chúng ta hiện nay"- TS Nguyễn Tùng Lâm
Từ khóa: đổi mới giáo dục, cải cách giáo dục, thi cử, đổi mới không nên bắt đầu từ ngọn, chương trình giáo dục phổ thông mới
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN