Đổi mới giáo dục Đại học không thể " bình mới rượu cũ "
Cập nhật: 04/02/2021
[VOV2] - Đứng trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục Đại học Việt Nam phải có những bước chuyển biến mạnh mẽ cả về chất và lượng phục vụ công cuộc đổi mới, hội nhập toàn cầu chứ không thể đổi mới kiểu bình mới rượu cũ.
Cách đây 20 năm giáo dục Đại học Việt Nam đã chủ động "nhập khẩu" chương trình đào tạo của các trường ĐH tiên tiến trên thế giới. Chương trình đào tạo kỹ sư PFIEV với sự tham gia của 4 trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Bách khoa TPHCM và ĐH Xây dựng đã cho ra lò hàng nghìn kỹ sư tinh nhuệ giỏi về chuyên môn, thành thạo 2 ngoại ngữ Anh - Pháp. Đội ngũ kỹ sư này đã và đang giữ những vị trí quan trọng ở nhiều Tổng công ty, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế hoặc làm giảng viên, cán bộ nguồn ở các trường Đại học. 37 chương trình đào tạo tiên tiến được thực hiện ở 24 trường ĐH Việt Nam liên kết với 24 trường ĐH quốc tế đã khẳng định được ưu thế vượt trội so với chương trình cũ và có sức lan tỏa mạnh mẽ giúp đội ngũ quản lý, giảng viên và sinh viên thay đổi tư duy, nâng cao năng lực ngoại ngữ và khả năng ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, nghiên cứu … Tất cả những điều đó đã tạo cho giáo dục Đại học Việt Nam dần có tên trong bảng xếp hạng ĐH quốc tế.
Tuy nhiên nhìn vào tổng thể, những thành tựu ấy hầu hết lại rơi vào các trường ĐH thuộc khối kỹ thuật, hoặc những ngành đào tạo thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ còn khối ngành kinh tế và khoa học xã hội nhân văn sự đổi mới dường như vẫn còn dè dặt, nếu không muốn nói là rất hạn chế.
Giáo dục đại học là lĩnh vực vô cùng quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Với vai trò đào tạo và nghiên cứu, là nơi tập trung số lượng lớn trí thức, Đại học không chỉ có mục tiêu đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đổi mới đất nước mà còn có vai trò phát minh khoa học, ứng dụng thành tựu khoa học vào các lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa. Bên cạnh đó, trường Đại học còn có vai trò khai phá, dẫn dắt các ý tưởng và đưa những ý tưởng ấy đến với mục tiêu, biến nó thành thực tiễn.
Không thể mãi là “tháp ngà", các trường Đại học phải có chiến lược đổi mới và bứt phá mạnh mẽ. Trong quá trình thực hiện cơ chế “tự chủ” nhiều trường ĐH đã có những dấu ấn tốt nhưng cũng có những trường đã lạm dụng cơ chế tự chủ dẫn tới hậu quả là làm giảm đi niềm tin của người học, niềm tin của xã hội.Thực trạng hiện nay ở 1 số trường Đại học còn có hiện tượng tuyển sinh chương trình chất lượng cao thu học phí cao nhưng chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất chưa xứng đáng với mức học phí ấy khiến người học bất bình và uy tín của nhà trường giảm sút. Việc thiếu trung thực trong đào tạo,nghiên cứu khoa học như việc mua bán công trình khoa học để PR hình ảnh nhà trường cũng làm hoen ố hình ảnh của giáo dục Đại học.Việc ồ ạt tổ chức đào tạo không đảm bảo chất lượng, tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ tràn lan đã và đang làm cho xã hội mất niềm tin vào nhà trường vào giáo dục…Những vết loang này làm ảnh hưởng đến những trường ĐH có chương trình đào tạo thực sự chất lượng và nghiêm túc đồng thời tạo nên bối cảnh cạnh tranh không lành mạnh trong quá trình tuyển dụng, gây mất công bằng xã hội.
Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt về nhân lực thời hội nhập, vấn đề chất lượng thực là thước đo uy tín của giáo dục đại học với xã hội, với nhà tuyển dụng, là sự bền vững của xã hội trong tương lai. Giáo dục đại học bên cạnh tiến trình "tự chủ" cần nghiêm túc thực hiện trashc nhiệm giải trình để xã hội, các cơ quan chức năng và chính người học giám sát. Giáo dục Đại học cần được chấn chỉnh và định hướng lại một cách nghiêm túc và chuẩn mực chứ không thể để cho một lĩnh vực quan trọng như vậy ở tình cảnh "bình mới rượu cũ".
Từ khóa: Giáo dục đại học, đổi mới, hội nhập
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2