Độc đáo tục cúng, ăn thịt chuột trong những ngày lễ trọng của các dân tộc

Cập nhật: 29/01/2020

VOV.VN- Trong đám cưới người Xá Phó (Lào Cai) thịt chuột được dâng lên để tỏ nhớ lòng nhớ ơn tổ tiên, người La Chí (Hà Giang) cúng thần rắn bằng thịt chuột.

Dâng thịt chuột tưởng nhớ tổ tiên

Đến nay người già trong dân tộc Xá Phó (Lào Cai) vẫn kể cho con cháu nghe câu chuyện rằng, xưa kia, khi vũ trụ còn hoang sơ, làng người Xá Phó gặp nạn do cơn đại hồng thủy ập đến. Vạn vật đều bị nhấn chìm trong biển nước, còn lại hai anh em may mắn thoát nạn do chui vào quả bầu. Để người Xá Phó tồn tại và phát triển, anh trai bàn với em gái là hai người phải lấy nhau, nhưng cô em không đồng ý bởi họ là anh em ruột.

nam canh ty, xem lai nhung tuc le cung, an thit chuot trong nhung ngay le trong cua cac dan toc hinh 1
Với nhiều dân tộc, thịt chuột là lễ vật không thể thiếu để dâng lên tổ tiên, thần linh trong những dịp lễ quan trọng trong năm. (Ảnh: Zing.VN)

Lúc này, người anh nói: "Anh sẽ vào rừng kiếm đủ 7 chiếc lá dáy, mang về ngăn giữa chỗ ngủ của hai anh em. Nếu lá rách, có nghĩa là thần linh đã đồng ý, hai anh em buộc phải lấy nhau để duy trì giống nòi. Em gái đồng ý. Sau khi vách ngăn là 7 chiếc lá dựng lên, một buổi sáng thức dậy, cô em nhìn thấy một chiếc lá bị rách từ bao giờ. Kể từ đó, hai người chính thức làm vợ chồng và sinh ra con người như bây giờ.

Nhưng trong lúc làm đám cưới, vợ chồng không có vật gì làm chứng để báo tổ tiên. Vô tình con chuột chạy qua, người chồng bèn túm lấy làm thịt, rồi chia vào trong 9 ống nứa làm lễ vật. Từ đó, trong đám cưới của người Xá Phó không bao giờ thiếu thịt chuột.

Quy định, trong lễ ăn hỏi, lễ cưới đều phải có 9 ống thịt chuột. Thịt chuột sẽ do ông mối và cánh đàn ông bên nhà trai đi bắt. Trước ngày cưới 2-3 ngày, họ sẽ vào rừng đặt bẫy rồi chặt vầu làm ống đựng. Chuột, sau khi bắt đủ, mang về thui, bỏ hết nội tạng, rửa sạch sẽ rồi bóp muối, trộn với bột gạo hoặc ngô. Sau đó bỏ thịt vào ống.Người bỏ thịt vào ống sẽ là ông bố chàng trai và những người có tuổi. Đầu tiên, ông bố phải cho thịt chuột vào 2 ống vầu to và 6 ống vầu nhỏ để dâng cúng tổ tiên nhà gái. Số còn lại, tùy theo lượng người bên nhà gái có bao nhiêu người, họ sẽ cho vào bấy nhiêu ống vầu nhỏ rồi mang sang trước ngày cưới một ngày.

Đồ đặt lễ phải thêm 2 ống thịt chuột to, 6 ống nhỏ. Rượu bỗng cũng được cho vào vầu. Thông thường, lễ cưới của người Xá Phó phải có 18 ống thịt chuột, 18 ống rượu bỗng, 25kg gạo nếp và tẻ, 15kg thịt lợn và 1 triệu đồng tiền mặt.

Cúng thần rắn bằng thịt chuột

Trong văn hóa tộc người, thông thường, những con vật linh thiêng phải là rồng, phượng, rùa, chim, hoặc ít ra cũng là gấu, báo, hổ, sư tử… Nhưng, với người La Chí, một dân tộc thiểu số sống duy nhất ở Hà Giang thì con chuột bé nhỏ mới được coi là linh vật.

Hằng năm, dân bản đều làm lễ cúng rừng, hiến tế lễ vật và thực hiện lời hứa bảo vệ rừng. Người La Chí có 3 loại lễ cúng rừng. Lễ cúng tại nhà thờ ở cửa rừng mỗi năm diễn ra một lần với lễ vật hiến tế chính là trâu, lễ phụ là thịt chuột. Lễ cúng ở miếu thờ trong lõi rừng cấm thì 15 năm mới tổ chức một lần. Vì đây là lễ cúng ông tổ Hoàng Vần Thùng, nên phải cúng bò, vì ông chỉ thích ăn thịt bò.

Riêng lễ cúng Thần Rắn thì đều đặn tổ chức sau 13 năm. Thần Rắn vốn thích ăn chuột, nên lễ vật chính đương nhiên phải là... chuột.

Trong ngày lễ cúng Thần Rắn, đồng bào tụ tập quanh sàn cúng, được dựng giữa rừng, trước miếu thờ. Các thầy mo ngồi trên sàn cúng và thực hiện lễ cúng. Trước mặt các thầy mo là 2 mâm lễ. Một mâm toàn thịt chuột, với rất nhiều món đã được chế biến sẵn, như chuột hấp, chuột hầm, chuột xào mầm thảo quả. Nhiều nhất là các món chuột khô, chuột nướng. Một thứ không thể thiếu, đó là bát... tiết canh chuột! Ngoài ra, còn 13 con chuột sống, đủ các loại to nhỏ, bị buộc vào dây và cột vào cọc trước sàn cúng. Mâm lễ thứ hai để cúng các vị thần khác ngự trong rừng, gồm chủ yếu là các món liên quan đến cá, thịt.

Tục ăn thịt chuột khô của người Dao Tiền

Với những người Dao Tiền ở xã Tân Pheo, huyện vùng cao Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, cỗ cúng ở ngôi miếu của bản bắt buộc phải có thịt chuột khô mới thiêng. Trên bàn thờ ba ngày Tết cũng phải có thịt chuột khô mới thể hiện hết tấm lòng của con cháu với tổ tiên.

Ngày Tết, bát hương của gia đình người Dao nhà nào cũng có ba tờ tranh, ba cây vầu, ba cây nứa, bánh trôi nặn hình rắn, hươu, khỉ, gấu để cúng. Con cháu cúng cho tổ tiên quần áo, lợn gà, rượu gạo và không thể thiếu thịt chuột khô để cho người chết no đủ, phù hộ mình cả năm làm ăn thuận lợi, sức khỏe nhiều nhiều. Ma họ nào họ nấy cúng, ma nhà nào nhà nấy cúng.

Mùng 2 Tết, mỗi hộ trong bản cúng hai con chuột khô (chuột làm sạch, sấy trên gác bếp), một cái bánh chưng, một chai rượu, một mảnh giấy cầu đầu năm làm nương được mùa, làm tiền được tiền, nuôi vịt nuôi gà đừng cho diều hâu bắt, chăn trâu, chăn bò không bị lăn dốc, rắn rết độc cắn, dịch bệnh không lây lan, người người khỏe mạnh, làng xóm yên ổn.

Vào mùa gặt xong tháng 11, tháng 12, người dân phải đi đặt bẫy chuột rừng bằng càm nứa để chuẩn bị thịt chuột khô cho Tết.

Theo nhiều tài liệu văn hóa dân gian các tộc người, tổ tiên xa xưa của người Dao Tiền khi đến vùng đất này thường xuyên phải chịu đói, chịu rét, thức ăn vô cùng khan hiếm, còn chuột thì nhiều vô kể.

Cũng chính vì vậy mà thịt chuột trở thành thức ăn chính không thể thiếu trong mỗi bữa ăn. Sau này khi đã khấm khá, người dân trong bản không quên thuở xưa đói rét nên lập miếu thờ và tôn chuột thành thần. Vào những ngày làm lễ cơm mới, hội làng hay cúng tổ tiên trên mâm cơm cũng không bao giờ thiếu thịt chuột khô./.

Năm Canh Tý: Chuột cảnh hút hàng

VOV.VN - Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang đến rất gần, chúng ta lại cùng chào đón linh vật mới, năm nay chuột Hamster là thú cưng được nhiều người lựa chọn.

Từ khóa: Canh Tý, tập tục liên quan đến chuột, đám cưới chuột, ăn thịt chuột, những kiêng kỵ năm chuột

Thể loại: Đời sống

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập