Độc đáo nghề "làm đẹp” cho sách: Nâng tầm giá trị văn hóa đọc
Cập nhật: 14/03/2024
Trong xã hội hiện đại, mặc dù công nghiệp in ấn và sách điện tử đã trở thành xu hướng chính, nhưng nghệ thuật đóng sách thủ công vẫn tồn tại và dần trở nên phổ biến, thậm chí trở thành một ngành nghệ thuật đích thực.
Nghệ thuật đóng sách thủ công đã có từ lâu đời và phát triển mạnh mẽ trong thời Trung cổ, khi nước Ý trở thành trung tâm của ngành đóng sách thủ công vào thế kỷ XV. Việc sử dụng giấy thay cho da động vật đã mở ra cánh cửa cho sự sáng tạo và đa dạng hóa trong kỹ thuật chế tác. Giới nghệ nhân thành thạo trong việc tạo ra những tấm bìa sách đẹp và cầu kỳ, kết hợp với các phương pháp đóng sách như coptic binding, long stitch binding…
Từ thế kỷ XVI, chứng kiến sự xuất hiện của nghệ thuật in ấn, mở đường cho công nghiệp hóa trong sản xuất sách, tuy nhiên nghệ thuật đóng sách thủ công vẫn không mất đi giá trị. Với kỹ thuật điêu luyện, thao tác đóng thủ công giúp kéo dài tuổi thọ một cuốn sách, đồng thời làm đẹp và tăng thêm giá trị của sách. Ngay cả thời điểm hiện tại, mặc dù công nghiệp in ấn và sách điện tử đã trở thành xu hướng chính, nghệ thuật đóng sách thủ công vẫn tồn tại và thậm chí đang trở nên phổ biến. Cộng đồng nghệ nhân và người yêu đồ “hand made” trên khắp thế giới vẫn tìm kiếm, kỳ vọng vào sự độc đáo và cá nhân hóa, mà chỉ nghệ thuật đóng sách thủ công mới có thể mang lại.
Ở Việt Nam, nghệ thuật đóng sách có lịch sử lâu đời và đa dạng, phản ánh sự giao thoa giữa truyền thống và ảnh hưởng từ các nền văn hóa khác nhau. Các bản sách và tài liệu cổ truyền vẫn còn lưu dấu giá trị lịch sử, sáng tạo qua các thời kỳ, mang theo không chỉ thông điệp văn hóa mà còn là sự tỉ mỉ và sáng tạo của người thực hiện.
Qua các giai đoạn lịch sử, phương tiện in ấn và công nghệ làm sách mới xuất hiện đã làm thay đổi không chỉ cách thức sản xuất sách mà còn cả văn hóa đọc, tạo ra sự đa dạng trong ngành đóng sách thủ công. Ngày nay, cộng đồng nghệ nhân đóng sách ở Việt Nam đang trở nên đa dạng và sáng tạo, đóng góp vai trò đáng kể trong việc giữ gìn và phát triển nghệ thuật chế tác sách.
Cùng với đó, các sự kiện và triển lãm về sách thủ công cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng. Chẳng hạn, đầu năm 2024, Đông A tổ chức hoạt động trưng bày, giới thiệu ấn bản đặc biệt lần lượt tại Nhà sách Cá Chép và Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn 2024. Trong đó điểm nhấn là hoạt động trưng bày các ấn bản giới hạn do Đông A thực hiện. Đây là lần thứ hai hoạt động này được tổ chức, nhằm giới thiệu rộng rãi tới độc giả những bản sách được chế tác công phu. Trước đó, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức sự kiện “Tìm hiểu về nghệ thuật đóng sách thủ công” trong chương trình Dọn kho đón Tết 2024…
Anh Trần Trung Hiếu, thành viên Xưởng đóng sách Sao Bắc (Sao Bắc Book Binding), người có nhiều năm kinh nghiệm, đã tạo ra hơn 200 tác phẩm sách đóng thủ công bằng tay và cộng tác với một số NXB lớn ở Hà Nội trong nhiều dự án sách đặc biệt, chia sẻ: “Để làm ra được một quyển sách gồm 5 công đoạn: Đánh giá cuốn sách cần được đóng (tình trạng, thông số, cách làm); dỡ sách; tạo dựng cấu trúc; bọc bìa và trang trí. Trong mỗi công đoạn này lại bao gồm các công đoạn nhỏ khác khiến cho việc làm sách thực sự kỳ công. Trung bình thường mất khoảng 2 tuần để hoàn thiện một cuốn sách cơ bản. Còn với các cuốn sách phức tạp hơn trong trang trí và thiết kế thì có khi vài tháng mới hoàn thiện, tùy vào mức độ chi tiết của tác phẩm”.
Cũng theo anh Trần Trung Hiếu, hiện sách thủ công ở Việt Nam được thiết kế và sản xuất trên nhiều chất liệu, như bìa sách được làm từ vải đũi tơ tằm dệt thủ công, họa tiết thêu tay; vải thô bố cao cấp không sờn và ép nhiệt cao tần tên sách cùng hình minh họa; giấy trúc chỉ; lụa thủy ấn và nhiều nhất là từ da. Để đóng được cuốn sách cần đến rất nhiều dụng cụ như que xương, dùi lớn, dùi đục, kim, chỉ, dao rọc, búa, bảng gõ nấm, kéo, bút lông phết keo… “Đến nay, trong nước vẫn rất hiếm, thậm chí không có người thợ nào đạt tới trình độ hoàn thiện theo yêu cầu khắt khe của kỹ thuật đóng sách thủ công truyền thống tại các nước châu Âu và Trung Đông. Khó khăn lớn nhất khi tìm hiểu nghệ thuật đóng sách thủ công là thiếu nguồn tài liệu tiếng Việt, không có những nghệ nhân giàu kinh nghiệm để truyền nghề và đa số dụng cụ phải nhập khẩu”, anh Hiếu cho biết.
Trong khi đó, anh Lê Đức Anh, thành viên Xưởng Sao Bắc chia sẻ: “Hiện có nhiều bạn trẻ đam mê tìm hiểu nghề làm sách thủ công và muốn thử sức, nhưng đa số phân vân về lựa chọn vật liệu. Từ kinh nghiệm thực tế cho thấy, chưa cần đi quá sâu vào chuyên nghiệp, mọi người có thể thực hành ngay việc làm một cuốn sách hay cuốn sổ tay cho mình với các loại vải canvas, vải bố, vải jean. Ở mức độ cao hơn, cần một số vật liệu chuyên dụng như các loại vải đã được bồi sẵn giấy, keo, da…”.
Với sự kết hợp giữa sự sáng tạo và kỹ thuật tinh xảo, nghệ thuật đóng sách truyền thống giúp duy trì mảng sách nghệ thuật độc đáo, đồng thời kế thừa những giá trị truyền thống qua các thế hệ. Bên cạnh đó, khi lĩnh vực này phát triển cũng góp phần nâng tầm giá trị sách Việt.
Từ khóa: sách, sách,nghề "làm đẹp” cho sách,nghệ thuật in ấn thủ công,Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn 2024,Đông A,công nghệ làm sách
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả: theo hoàng anh/ báo văn hóa
Nguồn tin: VOVVN