Độc đáo Ma Nhai - Ngũ Hành Sơn
Cập nhật: 20/01/2023
VOV.VN - Ngày 26/11/2022, trong Hội nghị toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Hàn Quốc, "Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam" chính thức được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chiều cuối năm, trong động Tàng Chơn, Tổ đình Linh Ứng Ngũ Hành Sơn không còn bước chân qua lại của du khách. Không khí tĩnh mịch linh thiêng, những chú tiểu cặm cụi dọn dẹp lá rơi trong hang động. Trên vách động Tàng Chơn ẩn chứa chừng 20 bia ma nhai được khắc từ khoảng thế kỷ 17 đến thập niên 60 của thế kỷ trước.
Trong tiếng nói chậm rãi của người tu hành, Đại đức Chúc Hiếu, trụ trì Tổ đình Linh Ứng Ngũ Hành Sơn giải thích với các đệ tử nghĩa của từ ma nhai. Thầy bảo, Ma là Mài, Nhai là Vách đá. Ma nhai tức là những văn tự khắc trên vách đá. Ở danh thắng Ngũ Hành Sơn có rất nhiều loại văn khắc mài trên vách đá trong các hang động.
Trước năm 1990, khi đời sống còn nhiều khó khăn, không ít người lên Ngũ Hành Sơn lấy đá về làm đá rửa, tô tường, tác động một phần đến văn bia ma nhai. Nhưng các vị sư sãi ở chùa đã cùng với chính quyền địa phương cố gắng gìn giữ các văn bia cho đến khi thành lập Ban Quản lý danh thắng, và bảo tồn đến ngày nay.
Đại đức Chúc Hiếu nhớ lại: “Nhà chùa cùng với đồng bào phật tử truyền bá giá trị của ma nhai là gì, ý nghĩa của những văn bia đó như thế nào cho đồng bào phật tử. Bên cạnh đó, cộng tác với Ban Quản lý danh thắng để bảo tồn và khôi phục lại những tấm bia không còn rõ ràng. Nhờ quyển Ngũ Hành Sơn lục của Hòa thượng Tự Trí, ngài ghi chép cách đây hàng trăm năm rồi, rất rõ ràng nên cùng nhau khôi phục những bia cũ đó”.
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Long Bửu tự hào khi nói về ông cố và ông nội anh cũng là những người từng khắc lời hay ý đẹp trên các văn bia Ngũ Hành Sơn. Nguyễn Long Bửu là thế hệ thứ tư tiếp bước nghề truyền thống của gia tộc. Nghệ nhân Nhân dân – Nhà Điêu khắc Nguyễn Long Bửu đã được người cha tận tình truyền dạy nghề điêu khắc đá từ nhỏ. Với anh, việc bảo tồn, phát huy giá trị của Ma nhai là niềm vinh dự và trách nhiệm.
“Đây là niềm vinh dự lớn không chỉ riêng tôi mà cả làng nghề quê hương tôi. Với cá nhân tôi, nếu được sự trợ giúp của chính quyền địa phương và nhân dân Ngũ Hành Sơn thì tôi là người đóng góp một phần nhỏ bé vào việc tồn tạo gìn giữ để cho xứng tầm với di sản mà lịch sử đã công nhận. Không những đây là vinh dự mà còn là trách nhiệm. Tôi rất tự hào được đóng góp” - Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Long Bửu chia sẻ.
Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đại diện Cục Di sản Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng là kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm, với số lượng lớn, gồm 78 bia ma nhai, trong đó có 76 bia chữ Hán và 2 bia chữ Nôm.
Bia ma nhai có nội dung, phong cách biểu hiện đa dạng, hình thức độc đáo, với nhiều thể loại như: ngự bút, bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối… của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, cùng bao thế hệ tao nhân mặc khách đã từng dừng chân lưu đề trên vách đá, hang động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thập niên 60 của thế kỷ XX. Đặc biệt, với nhiều lần tuần du Ngũ Hành Sơn, vua Minh Mạng ngự bút cho 7 bia Ma nhai đại tự tại các hang động: Huyền Không, Tàng Chơn, Vân Thông, Linh Nham, Động Thiên Phước Địa, Vân Căn Nguyệt Quật, Vân Nguyệt Cốc. Bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là tài liệu gốc duy nhất được vua Minh Mạng ngự bút và cho khắc lên các vách núi, hang động.
Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Chăm Đà Nẵng khẳng định, Bia Ma nhai là những tư liệu cực kỳ giá trị, chân xác và đặc sắc, thể hiện rõ tính giao thoa, hòa điệu về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia như Nhật Bản - Trung Hoa - Việt Nam tại Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Đây là các tác phẩm trên đá rất độc đáo ấn tượng, nhiều kiểu chữ viết như Chân, Hành, Thảo, Triện, Lệ. Bia Ma nhai Ngũ Hành Sơn còn là phương tiện để cho các tên làng xã xưa hóa thạch, lưu giữ mấy trăm năm qua và cho mai sau. Nhiều địa danh trên ma nhai Ngũ Hành Sơn đã chứng minh được lịch sử nhiều làng cổ lâu đời ở Đà Nẵng - Quảng Nam như Cẩm Phô, Hội An, Trà Quế.
Trong vô số những áng thơ văn, bia ký tuyệt đỉnh được khắc trên đá ở danh thắng Ngũ Hành Sơn, ông Võ Văn Thắng ấn tượng nhất là bài thơ của Phan Thanh Giản và Nguyễn Thuật ngăn vua Minh Mạng đi kinh lý Quảng Nam khi nơi này đang mất mùa, đói kém. Tuy vậy, những bài thơ, chữ vua ban có hay, có đẹp đến mấy cũng không thể lưu truyền nhân thế nếu không có bàn tay tài hoa của những nghệ nhân khắc đá của làng nghề Non Nước.
“Đặc biệt những người thợ khắc đá Ngũ Hành Sơn trong cả mấy thế kỷ, họ là những người trực tiếp khắc chữ đó, kỹ thuật rất phức tạp và rất điêu luyện, họ khắc một bài thơ vào đó, nếu qua xem không phải đơn giản chút nào nữa. Thực sự nhìn chữ khắc đó mình thấy rằng, những người đó phải là những người biết chữ, chữ viết đẹp mới khắc được. Khắc trên đá khó lắm mà toàn chữ đẹp. Nên thợ khắc đó không phải thợ thủ công nôm na, họ là những người thợ có vốn văn hoá nhất định mới làm được”.
Với kỹ thuật điêu khắc tinh thông, thể hiện những lời hay ý đẹp của tiền nhân, có thể nói, bia ma nhai là nguồn di sản tư liệu quý hiếm, độc đáo, không thể thay thế, được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm bởi những giá trị nhiều mặt về lịch sử, tôn giáo, địa lý, văn học, ngôn ngữ, nghệ thuật tạo hình, văn hóa và giáo dục, thể hiện trí tuệ của người Việt Nam qua nhiều thế hệ.
Ma nhai Ngũ Hành Sơn là tư liệu quý nhưng không phải ai cũng đọc, hiểu được giá trị của nó. Bởi phải biết chữ Hán Nôm mới giải đọc các tư liệu văn tự của tổ tiên để lại, giúp thế hệ hôm nay và tương lai hiểu thêm về lịch sử và văn hóa dân tộc. Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) từng sưu tầm văn bia ma nhai phục vụ cho việc nghiên cứu để làm luận án tiến sĩ. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thân, với sự hỗ trợ của công nghệ hiện nay, chỉ cần thông hiểu về đại cương chữ Hán, đại cương chữ Nôm thì các bạn sinh viên có thể dễ dàng tra cứu, tiếp cận một phần văn bản Hán Nôm như Ma nhai.
“Theo tôi, trước hết chúng ta phải giới thiệu và truyền thừa cho giới trẻ, việc mà giới thiệu truyền thừa bằng ảnh thực ở trên Ngũ Hành Sơn, thứ 2 là những bản dập văn bia, thứ 3 là trong các sách vở người ta đánh máy trở lại" - Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thân bày tỏ.
Trải qua các giai đoạn lịch sử, nhiều bia đá bị mòn, nhiều áng văn thơ, ngự bút không còn nhìn rõ. Những thế hệ nghệ nhân điêu khắc đá Non Nước cũng không còn nhiều. Vì vậy, công tác bảo tồn bia Ma nhai đặt ra nhiều thách thức. Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Ban Quản lý Danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng khẳng định, 80 cán bộ, nhân viên nơi đây đều ý thức được phải cùng với người dân, tăng ni phật tử ở 14 ngôi chùa trên Ngũ Hành Sơn nâng niu gìn giữ và phát huy giá trị của các bậc tiền nhân để lại.
“Làm tốt công tác quảng bá tuyên truyền cho du khách trong và ngoài nước biết rằng đây là một Di sản rất quý giá đã được UNESSCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương công nhận nên mình phải bảo tồn một cách nghiêm ngặt, không được tẩy xóa, phải giữ nguyên hiện trạng của Ma nhai. Hàng ngày có lực lượng bảo vệ, hướng dẫn tuyên truyền cho du khách. Qua năm tháng một số bia bị mờ đi, phải có phát huy nhân bản, lưu giữ một cách nghiêm túc”.
Bây giờ, bia Ma Nhai được công nhận là di sản ký ức của khu vực, danh thắng Ngũ Hành Sơn có thêm cơ hội mới để thu hút du khách thập phương tìm đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp văn hóa, trí tuệ của người Việt Nam ta./.
Từ khóa: Ma Nhai, bia Ma Nhai, ngũ hành sơn, bia Ma Nhai ngũ hành sơn
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN