Độc đáo lễ hội Khai Hạ
Cập nhật: 01/02/2023
VOV.VN - Lễ hội Khai Hạ của người Mường Bi là lễ xuống đồng, mở cửa rừng được tổ chức vào những ngày đầu năm mới tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Từ năm 2002 đến nay, huyện Tân Lạc đã thường xuyên tổ chức hoạt động lễ hội, nhằm bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị truyền thống của đồng bào Mường đến với du khách trong và ngoài nước.
Theo truyền thuyết, Quốc Mẫu Hoàng Bà là thân mẫu của Đức Thánh Tản, người đã chỉ dạy cho người dân Mường Bi cách làm ruộng hai vụ, cách làm ăn. Tản viên Sơn Thánh, con rể của Vua Hùng Vương thứ 18 là người có công giúp vua chống giặc ngoại xâm, mang lại sự bình yên cho nhân dân. Còn Ải Lý, Ải Lo là hai vị thần đã dạy cho dân Mường Bi cách đào mương dẫn nước, làm con mương Lò lấy nước từ suối Kem tưới cho cả cánh đồng Nà Noóng rộng lớn. Từ đó, để tưởng nhớ công lao của Quốc Mẫu Hoàng Bà, Tản Viên Sơn Thánh và Ải Lý, Ải Lo, người dân Mường Bi lập miếu thờ tại xóm Luỹ, tổ chức cúng tế vào dịp Lễ hội Khai Hạ hàng năm.
Vùng Mường Bi, thuộc huyện Tân Lạc là một trong bốn vùng Mường lớn nhất tỉnh Hòa Bình( Bi, Vang, Thàng, Động). Đây là vùng đất cổ có nhiều trầm tích và những lễ hội văn hóa tâm linh, đặc sắc, của đồng bào dân tộc Mường từ nhiều đời nay. Lễ hội Khai Hạ và lịch Đoi (lịch Tre) của người Mường đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến với lễ hội năm nay, chị Bùi Thị Đình ở Xóm Đông, xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, cho hay: "Đến với Lễ hội Khai Hạ, xã Thanh Hối mang đến trò chơi kéo co, đẩy gậy, đan lát, hát đối và tham gia chương trình ẩm thực của huyện. Cũng mong muốn hàng năm được tổ chức để có dịp giao lưu học hỏi về văn hóa Mường"
Lễ hội Khai Hạ Mường Bi là sự khởi đầu của một năm mới với hoạt động văn hoá, tín ngưỡng có tính truyền thống gắn liền nền nông nghiệp lúa nước, mang đậm dấu ấn của văn minh Việt cổ, đồng thời cũng là dịp giao lưu gặp gỡ thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng dân tộc Mường. Là người dân đến từ thành phố Hòa Bình, ông Quách Văn Phương cảm nhận về lễ Khai Hạ: "Nói chung cũng tương đối bài bản thôi, nếu được tổ chức bài bản tốt hơn thì sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn".
Từ xa xưa, đội tế lễ trong dịp khai hạ được giao cho người có uy tín đảm nhận và đội rước kiệu được giao cho nam thanh nữ tú. Đồ tế lễ ngoài xôi, rượu, nhất thiết phải có 1 con hoẵng đi săn được, nếu không có phải thay bằng 1 con bò. Thầy mo thay mặt dân Mường làm lễ khấn ca ngợi công lao của các vị thần hoàng, cầu cho một năm mới mùa màng tươi tốt, bội thu. Tiếp đó là lễ rước kiệu Thánh từ đền thờ ra nơi tổ chức hội khai hạ, sau đó rước trở về Miếu. Lễ rước được tổ chức long trọng với cờ quạt, đồ nghi trượng cùng các vị cao niên, thầy tế và đông đảo người dân trong vùng, diễn ra trong nhịp trống, chiêng sắc bùa và ban nhạc lưu thuỷ. Ông Bùi Văn Hưng, cán bộ xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, cho biết: "Đây là lễ hội xuống đồng lúc dân làng xuống cầy cấy, Vua bà xuống chứng kiến cầu mong cho một năm mùa màng tốt tươi bình yên".
Việc khôi phục, tổ chức Lễ hội Khai Hạ Mường Bi, đang được các ngành chức năng ở tỉnh Hòa Bình quan tâm đầu tư, bảo tồn, tôn tạo di sản các không gian văn hoá Mường Bi. Đến nay, cùng với di sản văn hoá Mo Mường, Chiêng Mường, Tri thức dân gian Lịch Đoi (Lịch tre), Lễ hội Khai Hạ đã được công nhận và ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Ông Bùi Hồng Bào, Chủ nhiệm Hội Mo Mường huyện Tân Lạc, cho biết: Hội mới thành lập được hơn 1 năm, hiện có 56 nghệ nhân, với 10 nghệ nhân ưu tú thường xuyên tổ chức sinh hoạt, tìm lại những bài cúng cổ và tổ chức truyền dạy cho lớp trẻ: "Bây giờ cũng có cái khó lớp già không còn nhiều, lớp trẻ đang lo cuộc sống nên học Mo cũng ít thôi. Chúng tôi cũng đang tuyên truyền cho lớp trẻ, nhưng có cái khó lớp trẻ chưa nhiệt tình lắm".
Những năm gần đây, quy mô tổ chức Lễ hội Khai Hạ ngày một lớn hơn. Tuy nhiên, hạ tầng quy hoạch khu vực lễ hội vẫn còn hạn chế, nhiều bản làng không được quy hoạch bảo tồn đang dần mất đi vẻ đẹp truyền thống của văn hóa Mường Bi. Ông Bùi Văn Tỉnh, nguyên Bí Thư tỉnh ủy tỉnh Hòa Bình, người sinh ra lớn lên tại vùng Mường Bi và cũng chính là người sớm cho phục dựng phát triển Lễ hội Khai Hạ, cho biết: "Để mở rộng lễ khai hạ Mường Bi phải gắn với văn hóa dân tộc Mường ở đây, nhất là văn hóa về kiến trúc, tập quán, dân ca, dân vũ phải được duy trì bằng cách quy hoạch, tổ chức lại. Để làm sao để người ta đến đây hiểu được tổ chức sản xuất vào đầu năm, văn hóa Mo Mường đượm chất của đồng bào".
Những năm gần đây, với nỗ lực của chính quyền và người dân huyện Tân Lạc, Lễ hội Khai Hạ Mường Bi đã được tổ chức thường xuyên. Qua đó góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, quảng bá nét đẹp văn hoá truyền thống các dân tộc ở tỉnh Hòa Bình và đang hình thành một đến đối với du khách trong và ngoài nước, dịp Tết đến xuân về./.
Từ khóa: lễ hội, lễ hội khai hạ, mường bi, hoà bình, đồng bào mường, bảo tồn lễ hội, nét đẹp văn hoá
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN