Độc đáo cuộc thi “hoàng tử trâu” tại Sơn La

Cập nhật: 03/09/2023

VOV.VN - Lần đầu tiên được tổ chức, cuộc thi “hoàng tử trâu” với những nét độc đáo, riêng có là điểm nhấn đặc biệt của Lễ hội "Mừng cơm mới" xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La năm nay.

Lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Mừng cơm mới xã Ngọc Chiến năm nay, cuộc thi "hoàng tử trâu" đã thu hút và lựa chọn được hơn 70 “thí sinh” tranh tài. Những con trâu to, đẹp, khoẻ mạnh, da bóng mượt với số đo ấn tượng được chăm sóc bởi bàn tay cần cù, chịu khó của người dân Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La lần lượt được gọi tên, bước lên “sân khấu” tham dự cuộc thi "hoàng tử trâu".

Mang “đầu cơ nghiệp” của gia đình đến cuộc thi, ông Lò Văn Cơi, bản Mường Chiến 2, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La chia sẻ: "Trâu ở đây tôi nuôi cỏ, cho ăn cám gạo, cho một tí bột ngô vào thêm nữa, nó mới ngoan và béo. Hàng ngày mang ra tắm, cho tắm suối trâu mới đẹp, bóng và đen".

Không chỉ là sân chơi thú vị, mới lạ và hấp dẫn của bà con Ngọc Chiến, "hoàng tử trâu" là một phần thi đặc biệt, góp phần hiện thực hoá các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Toàn xã Ngọc Chiến hiện có hơn 3.000 con trâu, trọng lượng mỗi con từ 500 – 1.000 kg trở lên, trị giá mỗi con từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Bà con trong xã cũng đã trồng hơn 400 ha cỏ voi phục vụ chăn nuôi đại gia súc.

Ông Bùi Tiến Sỹ - Bí thư đảng uỷ xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La cho biết: "Hoàng tử trâu là cuộc thi đặc biệt. Con trâu là tài sản rất lớn trong gia đình, bên cạnh thực hiện chủ trương "trồng cỏ voi diệt cỏ dại", thông qua cuộc thi chúng tôi muốn người dân tập trung phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển chăn nuôi đại gia súc để phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình. Thứ hai là giống trâu của Ngọc Chiến là giống trâu chọi, vừa to, khoẻ, đẹp, chính vì vậy nó sẽ trở thành một sản phẩm du lịch với những dự định trong tương lai để thực hiện nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện, xã đã đề ra".

Trước khi diễn ra cuộc thi, xã Ngọc Chiến đã tái hiện nghi thức cúng vía trâu. Đây là một trong những nghi lễ đặc trưng về nông nghiệp của người Thái ở Sơn La, trong đó điển hình là ở "miền cổ tích" Ngọc Chiến.

Theo bà con nơi đây, khi kết thúc việc cấy lúa, cả bản họp mặt bàn thống nhất việc tổ chức lễ. Thầy cúng có nhiệm vụ xem ngày lành tháng tốt để chuẩn bị làm lễ. Lễ cúng thường diễn ra trong 1 ngày rưỡi.

Gia đình chuẩn bị 1 mâm lễ vật gồm 2 con gà luộc, 2 bát nước luộc gà, 1 đĩa trầu và vỏ chay, 8 chén rượu, 8 đôi đũa, 2 ép xôi, 1 chai rượu, cây lau, rọ đựng lông gà. Thầy cúng thứ hai khấn xin thổ địa về thụ lễ, báo cáo mùa vụ đã làm xong, lúa cấy đã bắt đầu bén rễ, lên xanh, xin phép được cúng vía trâu, để trâu được khoẻ mạnh...

Ông Lò Văn Phát - Chủ tịch Hội người Cao tuổi xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La chia sẻ: Theo quan niệm, con trâu là đầu cơ nghiệp, cả năm trâu đã vất vả giúp sức cho người nông dân cày ruộng, làm ra thóc lúa nuôi sống con người. Nhưng có những lúc do sức ép của mùa vụ, của cuộc sống, người đối xử với trâu không được tốt như  việc đánh, mắng trâu. Vì sợ hồn vía của trâu giận, bỏ đi mất, nên khi xong mùa cấy, gia đình sắm mâm lễ để cúng vía.

"Với phong tục tập quán của người Thái Trắng, sau khi hoàn thành việc cấy, phải cúng gọi hồn con trâu về. Thứ hai là sau khi hoàn thành vụ cấy, đưa trâu lên bãi, ngày xưa có con hổ, con thú rừng nhiều hay ăn thịt trâu, nên cúng để cầu mong cho con trâu khoẻ, mạnh, lên bãi ăn cỏ tốt, không bị thú rừng phát hiện", ông Lò Văn Phát cho biết.

Cuộc thi "hoàng tử trâu" nói riêng và Lễ hội Mừng cơm mới xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La nói chung đã khắc hoạ những nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt là để lại ấn tượng trong lòng du khách về một miền quê đáng sống trên rẻo cao Tây Bắc.

Từ khóa: hoàng tử trâu, mừng cơm mới, tin văn hoá, tin tức văn hoá nghệ thuật, tin tức về văn hoá, văn hoá giải trí

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: lê hạnh/vov-tây bắc

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan