Đọc “Chúng tôi một thời mũ rơm, mũ cối”, nghĩ về những giá trị đẹp đã qua
Cập nhật: 17/03/2020
VOV.VN -Những giá trị khi đọc “Chúng tôi một thời mũ rơm, mũ cối” của nhà văn nhà báo Huỳnh Dũng Nhân hiện lên dung dị, hồn nhiên về tình người và tình đời.
Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên trong thời bình.
Bản thân tôi không hình dung được những cô cậu bé đội mũ rơm, đi dép nhựa hoặc chân trần chạy dọc bờ đê, ven đường chiến hào để đến lớp, hay ê a học bài trong tiếng gầm gào của máy bay rít liệng trên đầu…có cảm giác ra sao.
Tôi cũng không được nhìn trong thực tế những chàng thiếu sinh quân, những người lính đội mũ cối xung phong ra chiến trường, “lúc ngã vào lòng đất vẫn còn trai”… Trong tuổi thơ tôi từ làng quê cho đến khi lên phố, hiếm lắm tôi mới được thấy còn có những ngôi sao 5 cánh bạc màu vẫn đính ở ngay đầu mũ của những người lính bộ đội phục viên, thường là về quê làm ruộng hoặc đầu đường vá xe, bán gánh…
Một thế hệ đã đi qua như vậy, được gìn giữ trong ký ức của đám trẻ thời bình bằng những trang sách sử, bằng những thước phim, những bức ảnh, những câu chuyện kể, bằng những cột mốc được trả giá bằng máu và nước mắt cho hòa bình vẫn được chúng tôi nhắc lại hàng năm trên các trang mạng xã hội, và lướt đi trên các smart phones. Ký ức thuở ấy còn được gìn giữ, ấm áp, sáng mãi, hoặc thậm chí là vết sẹo không thể lành trong tâm trí của những người đã may mắn bước ra từ thế hệ chiến tranh, khi họ vẫn còn tiếp tục đồng hành cùng đất nước, còn điều kiện để chuyển tải, gửi lại vẹn nguyên tâm tư lẫn nỗi nhớ của mình cho chúng tôi và những thế hệ tiếp sau.
Nhà văn, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, tác giả "Chúng tôi một thời mũ rơm, mũ cối" giao lưu cùng độc giả. |
Tôi luôn thấy mình có diễm phúc, may mắn được sống trong thời bình, được thừa hưởng bầu trời không hơi thuốc súng, không tiếng đạn bom và một xã hội có hạ tầng lẫn kinh tế phát triển hơn, công nghệ tiến bộ hơn. Nhưng tôi cũng thấy các thế hệ cha anh đi trước lại có diễm phúc, may mắn của chính họ. Họ đã từng sống và vượt qua khói lửa chiến tranh, qua sự khắc nghiệt của một giai đoạn lịch sử hào hùng bi tráng, để có được những cảm nghiệm dồn tích cho những giá trị đẹp đẽ nhất trong đời sống. Những giá trị mà khi đọc “Chúng tôi một thời mũ rơm, mũ cối” của nhà văn nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, nó đã hiện lên lung linh, khiến tôi có phần ghen tỵ với cả sự dung dị, hồn nhiên, với tình người và tình đời - Những điều đã và đang ngày càng hiếm hoi trong không thời gian như phẳng hơn, vô cảm hơn của cuộc đời thế hệ tôi.
Khá rõ rệt, tôi ghen tỵ và thán phục với nhà văn, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, là gần một nửa thế kỷ cầm bút và viết, sức viết của anh vẫn quá nhanh, sung sức, mạnh mẽ. Như anh chia sẻ, tác phẩm “Chúng tôi một thời mũ rơm, mũ cối” ra đời chỉ trong vòng khoảng chưa đầy 4 tháng, tính cả thời gian thiết kế, dàn trang, in ấn, đưa sách vào nhà in, từ khi anh đặt bút cho ý tưởng đầu tiên thành hình hài vào tháng 10 năm trước, ngày Giải phóng Thủ đô và cũng là dịp sinh nhật con gái Út của anh. Thực sự quá suôn mạch cho một ấn phẩm dày hơn 300 trang.
Tôi cũng ngả mũ trước trí nhớ tuyệt vời của anh. Ở cái tuổi 65 tràn đầy năng lượng, dày dạn kinh nghiệm và nồng đậm nhiệt huyết với từng con chữ, với mỗi sự sống và con mắt nhà báo quyện cùng tâm hồn thi nhân, nhà văn, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân “cho phép mình đo đạc, kiểm định, dọn dẹp, thu nhặt những gì còn lại trên quãng đường hơn nửa thế kỳ đi qua” để dồn vào “Chúng tôi một thời mũ rơm, mũ cối”. Có lẽ vì vậy mà qua dòng chảy trí nhớ, hiện thành câu chữ là ngồn ngộn chi tiết, chuyện kể, con người, thân phận…Thậm chí nó còn rõ rệt như những câu thơ vụng về thuở đầu tập viết, vệt màu nghuệch ngoạc trên bức tranh lần đầu anh được đăng báo và có nhuận bút, hay bạc phếch xanh rêu trên bức tường của ngõ Lý Thường Kiệt – nơi “ra ngõ gặp nhà báo”, hoặc thảng thốt như tiếng kêu “Nhân ơi nhà mình bị bom trúng rồi” – tiếng kêu mà bất kỳ cô cậu bé nào từng sống trong chiến tranh một thuở đã từng ám ảnh…Tất cả những tư liệu của hồi ức, đúng kiểu và đúng chất “hồi ký”, đã được Huỳnh Dũng Nhân dựng lại, sống động bức tranh của một thời mà thú thực khi mới cầm sách chưa đọc, cố thử hình dung, tôi thấy khá mơ hồ xa lạ.
Tác giả ký tặng sách. |
Một điều mà hẳn nhiều người viết cũng muốn…ghen tỵ - làm nên giá trị đáng ngưỡng mộ của cuốn sách và nhân sách người viết - là sự rộng lòng của một cây bút phóng khoáng, ông vua phóng sự một thời. Sự rộng lòng mở toang với tất cả bằng tâm huyết, bằng dày công anh bỏ ra, với vô cùng hồn nhiên, vô cùng yêu thương, nhằm chỉ để thực hiện mong mỏi “không ai và không điều gì có thể bị lãng quên”.
Nếu thời gian với tất cả chúng ta là một chiều, thì với Huỳnh Dũng Nhân còn có “Đi, yêu, và viết”, còn có nhờ sự rộng lòng ấy mà hành trình lội ngược của anh không cô đơn. Đồng hành cùng anh có rất nhiều người bạn. Đó là sự tham dự của những hồi ức sống, những nhân chứng sống ở “thời mũ rơm, mũ cối”, những “chúng tôi” đã cùng chơi, cùng nghịch, cùng đi sơ tán với cậu bé Huỳnh Dũng Nhân đội mũ bê rê thay mũ rơm… như mới hôm nào. Một hồi ký mở, với hồi ức lồng trong hồi ức, cho tôi những cảm nhận “khá đắt” trong “Chúng tôi một thời mũ rơm, mũ cối”. Nó khiến dòng chảy thời gian không còn trôi về một phía, không “cược” vào một ai. Nó đưa “Chúng tôi một thời mũ rơm, mũ cối” trở thành tác phẩm của tất cả những người của hôm qua, những người còn ngồi lại hôm nay. Những người mà tôi đã may mắn được chứng kiến trên gương mặt họ ngang dọc vết chân chim nhưng vẫn rưng rưng nụ cười khi đón nhận sách, khi được tác giả ký tặng sách, được chia sẻ một thành phần của dòng hồi ức tại lễ ra mắt sách mà NXB Tổng hợp TP HCM và nhà văn, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cùng gia đình đã phối hợp tổ chức rất ấm cúng, trang trọng.
Và cuối cùng điều đáng ghen tỵ, hay ngưỡng mộ bậc nhất với chính tác giả là anh đã được sống cùng là những nhân cách, những con người đặc biệt nhưng cũng rất đời thường. Đó là thế hệ các cô chú từng làm trong tòa soạn của một tòa báo đầu ngành cách mạng, “cái nôi” nuôi dưỡng nhà báo, nhà văn Huỳnh Dũng Nhân cùng nhiều lớp trẻ thành đạt về sau khác. Đó là thế hệ cha anh mà lòng yêu nước có lẽ rõ ràng và xa khác so với thế hệ chúng tôi. Song khoảng cách thế hệ giữa chúng tôi đã không tồn tại khi lần giở những trang sách. Và tôi nhận ra nó cũng không che lấp giá trị đích thực của những con người, những nhân cách hướng thiện, với sự tận tụy, hy sinh, trung thực trong đời sống, trong tổ chức, trong gia đình.
Thực ra thì cha mẹ nào của gia đình nào, thời đại nào cũng đều cố gắng muốn mình là tấm gương phản chiếu tốt đẹp ấy. Nhưng trong một thời đại bi tráng và vô cùng khó khăn, những nhân cách như vậy càng trở nên quý hiếm hơn, và cũng góp vào bức tranh thời cuộc những nỗi niềm nhiều hơn. Như một vết trầm khó phai trong bảng màu hoài niệm của những ai còn thời gian để dành đôi chút quan tâm nghĩ về những giá trị sống.
Được viết không chỉ bởi một ông vua phóng sự, một tay nhà báo lão luyện mà còn là một bậc thầy đã “chấp bút” hỗ trợ cho nhiều bạn bè cùng trang lứa, khác ngành nghề cũng được ra mắt một ấn phẩm để đời, “Chúng tôi một thời mũ rơm, mũ cối” là tác phẩm “riêng” của một hồi ức riêng, khi ra mắt đã làm tròn sứ mệnh trở thành ấn phẩm – hồi ức“chung” với nhiều người. Tác phẩm xứng đáng là một lát cắt trong góc tâm hồn của một người cầm bút đã tự dành cho mình khoảng lùi, khi nghĩ về một thời xa. Tôi càng tin đó chưa phải là tác phẩm “đo đạc, kiểm định” đủ những gì còn đọng trong quãng hành trình hơn một nửa thế kỷ Huỳnh Dũng Nhân đi, yêu và viết. Chờ đợi “Thời mũ bảo hiểm”, tác phẩm hứa hẹn trong dự định kế tiếp của anh./.
Từ khóa: chúng tôi một thời mũ rơm mũ cối, nhà văn nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, tình đồng chí, nhà báo lê mỹ, giá trị đẹp
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN