Doanh nhân nữ Việt Nam: Sáng tạo, bứt phá để thành công
Cập nhật: 25/09/2019
Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/12
155 năm Đỗ Minh Đường: Hành trình tôn vinh giá trị Nam y Việt Nam
Các doanh nhân nữ của Việt Nam không chỉ sáng tạo, tinh tế, nhân ái mà còn dẫn đầu trong trào lưu kinh doanh, bảo đảm trách nhiệm xã hội.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và cộng đồng nữ doanh nhân Việt Nam nói riêng đã và đang khẳng định bản lĩnh, tài năng và sự bền bỉ trong sự nghiệp kinh doanh của mình.
Chị Trần Thị Thu Hằng, Tổng giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam là một trong số những doanh nhân nữ như vậy.Chị Hằng tâm sự, đối với các nam doanh nhân, kinh doanh đã là một công việc khó thì đối với phụ nữ, làm kinh doanh còn khó khăn hơn gấp nhiều lần bởi họ phải đảm bảo cân đối hài hòa giữa công việc kinh doanh và công việc gia đình. Đặc biệt khi làm kinh doanh, thì cái tâm, cái đức phải đặt lên hàng đầu.
Cách đây 10 năm, trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, chị rất trăn trở và suy nghĩ là phải làm sao để người dân được sử dụng thực phẩm sạch trong các bữa ăn hàng ngày.
“Với tôn chỉ “cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn từ trang trại tới bàn ăn, mang lại niềm vui và sức khỏe cho mọi người”, chúng tôi đã tìm ra lối đi cho công ty, chú trọng vào chất lượng sản phẩm và độ an toàn cao. Chỉ liên kết với các trang trại, các nhà cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn, các vùng sản xuất “vệ tinh” có hồ sơ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo hàng hóa có chất lượng, giá cả hợp lý”, nữ Tổng giám đốc Trần Thị Thu Hằng chia sẻ.
Công ty hoạt động được 10 năm , dù nhiều lúc lao đao và đứng bên bờ vực phá sản nhưng nhờ sự nỗ lực, tâm huyết của người “thuyền trưởng”, đến nay, công ty đang phát triển tốt.
Thành công của chị Trần Thị Thu Hằng chỉ là một trong những ví dụ điển hình của nữ doanh nhân Việt Nam “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Tại Việt Nam, nhiều năm trở lại đây đã có rất nhiều nữ doanh nhân phát huy tài năng, trí tuệ, đóng góp cho sự phát triển bền vững khi mang các sản phẩm có chất lượng cao của Việt Nam vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, các doanh nhân nữ của Việt Nam có lợi thế đặc biệt trong xu thế của nền kinh tế mới không chỉ ở tính sáng tạo, đổi mới mà còn là sự tinh tế, nhân ái và là những người dẫn đầu trong trào lưu kinh doanh, bảo đảm trách nhiệm xã hội. Họ đã tạo được ấn tượng tốt đẹp trong con mắt bạn bè quốc tế.
Doanh nhân nữ Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. |
Ông Phong dẫn chứng, một trong những nữ doanh nhân có tiếng vang lớn trong nước và thế giới là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, trở về Việt Nam từ Nga, bà Thảo góp vốn thành lập Techcombank và sau đó là VIB - 2 trong số những ngân hàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam.
Đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng từ những ngày sơ khai, bà Thảo còn “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản, và đến nay, nữ tỷ phú này lại được biết đến nhiều với tư cách CEO Vietjet Air.
Năm 2018 là năm vị nữ tỷ phú của Việt Nam nhận được nhiều sự công nhận từ quốc tế. Bà Thảo được xướng tên trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2018 của tạp chí Forbes, đồng thời lọt nhóm 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu năm 2018 của hãng tin Bloomberg.
Tiếp đó là nữ doanh ngân Nguyễn Thị Nga từng được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á.
Bà Nga đã tạo dựng được một cơ nghiệp đồ sộ khi sở hữu tập đoàn đa ngành BRG, nắm giữ nhiều tại sản lớn như SeABank, 2 khách sạn do Hilton quản lý tại Hà Nội, 3 sân golf đi kèm với những khu nghỉ dưỡng, đồng thời là cổ đông chủ chốt tại Intimex Hà Nội, doanh nghiệp Nhà nước có khối bất động sản giá trị cao.
Một nữ doanh nhân “tiếng tăm” nữa là bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk. Bà là người tiên phong trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), sớm đưa Vinamilk trở thành DNNN đầu tiên cổ phần hóa với chiến lược phát triển đầy trí tuệ, kết hợp hài hòa giữa đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại song song với đào tạo nguồn nhân lực cùng mô hình điều hành, quản lý theo tiêu chuẩn cao nhất của thế giới.
Nói đến top 10 doanh nhân nữ Việt Nam “đình đám” không thể không nhắc tới bà Thái Hương, Tổng giám đốc BacABank. Cuối năm 2017, sau gần 10 năm gắn bó với TH True Milk, bà Thái Hương đã rời ghế chủ tịch HĐQT tập đoàn này để đảm nhận vị trí Tổng giám đốc của Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank).
Một trong những sự kiện quan trọng gắn liền với bà Thái Hương trong năm 2018 là việc Tập đoàn TH chính thức khởi công nhà máy chế biến sữa công suất 1.500 tấn/ngày tại Kaluga, Liên bang Nga…
Từ những dẫn chứng trên, ông Phong cho rằng, hiện nay, dường như người phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, thực tế có nhiều nữ doanh nhân Việt Nam vẫn còn khá e dè khi chưa dám mạnh dạn vươn lên, tiếp cận sâu rộng với thị trường quốc tế. Bởi rào cản và khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp do nữ làm chủ là tiếp cận với nguồn vốn, thị trường và kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp.
“Để đội ngũ doanh nhân nữ phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, ở một số lĩnh vực ngành nghề nên có quy định, chính sách cụ thể để hỗ trợ khuyến khích chị em khởi nghiệp cũng như làm tốt công tác doanh nhân trong các doanh nghiệp. Ngoài ra, chính sách tài chính tín dụng cũng nên hướng tới việc ưu tiên những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói.
Dưới góc độ của Hiệp hội doanh nghiệp, bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp do nữ làm chủ phải nỗ lực hơn rất nhiều. Bởi trong bối cảnh hội nhập, nhiều Hiệp định thương mại tự do được ký kết, thị trường cởi mở hơn, sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài sẽ diễn ra rất khốc liệt.
Do đó, để có thể cạnh tranh trên thương trường, buộc các doanh nghiệp phải đầu tư khoa học công nghệ, máy móc, trang thiết bị chuyên nghiệp, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, nếu không sẽ bị tụt hậu và dẫn đến phá sản.
“Cánh cửa thị trường đang rộng mở, sự cạnh tranh diễn ra với tất cả mọi người, mọi doanh nghiệp, không loại trừ ai. Do đó, đòi hỏi doanh nghiệp vừa và nhỏ do nữ làm chủ phải bứt phá, khẳng định mình và vượt lên chính mình thì mới cạnh tranh được với các đối tác nước ngoài”, bà Mai Thị Thùy chia sẻ./.
Từ khóa: doanh nhân nữ Việt Nam, tỷ phú Việt Nam, khởi nghiệp, doanh nghiệp do nữ làm chủ, doanh nghiệp vừa và nhỏ,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN