Doanh nghiệp Việt không hiểu người tiêu dùng Việt?
Cập nhật: 22/02/2020
63 năm truyền thống ngành dầu khí Việt Nam: “Một đội ngũ - Một mục tiêu”
Quảng Ninh chuẩn bị sản phẩm OCOP phục vụ Tết Nguyên đán (28/11/2024)
VOV.VN - Nền tảng số của Việt Nam không hiểu người Việt bằng nền tảng của nước ngoài.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, một trong điều kiện để phát huy nền tảng số là tận dụng tính địa phương bao gồm việc đánh giá và hiểu đúng nhu cầu của địa phương. Tuy nhiên, đây đang là điểm yếu của doanh nghiệp Việt.
Tận dụng tính địa phương để phát huy hiệu quả nền tảng số. (Ảnh minh họa: KT) |
Người ngoài hiểu hơn người nhà
Ông Trần Thanh Hải, Nguyên Giám đốc điều hành Be Group, đồng sáng lập Tập đoàn VNG thừa nhận, rất khó dùng các nền tảng số do doanh nghiệp Việt phát triển, bởi doanh nghiệp Việt không hiểu người tiêu dùng Việt, thị trường Việt bằng doanh nghiệp nước ngoài.
“Lĩnh vực quảng cáo số tại Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm không tới 20%. Điều này thực sự đau xót! Ngay lúc đang điều hành Be, chúng tôi cũng chạy mấy nền tảng số của Việt Nam, tuy nhiên phải thừa nhận nền tảng của Việt Nam không hiểu người Việt, không hiểu thị trường Việt bằng nền tảng của nước ngoài”, ông Hải chia sẻ.
Do đó, xây dựng các nền tảng số của người Việt hiệu quả là bước thiết yếu để tạo nền móng cơ bản cho nền kinh tế số.
“Tôi ủng hộ việc Việt Nam cần phải phát triển riêng những nền tảng đặc thù cho đất nước. Nếu chúng ta không chớp cơ hội dịch chuyển từ việc đi làm thuê, gia công sang lĩnh vực sáng tạo hơn, thì mãi mãi chúng ta sẽ chỉ là người đi làm thuê. Chúng ta cần nắm lại được cơ sở dữ liệu về hành vi, cơ sở dữ liệu về người tiêu dùng, từ đó hỗ trợ đất nước rất nhiều từ việc quản lý, sản xuất, kinh doanh… thậm chí giành lại thị phần từ tay các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Hải nhấn mạnh.
Không thể chỉ dựa vào vốn để cạnh tranh trong CMCN 4.0
Facebook, Google, Amazon, Alibaba... đang là những nền tảng toàn cầu nhờ tạo ra những nền tảng nhỏ hơn phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong một hệ sinh thái chung. Các nền tảng công nghệ nước ngoài ngày càng lớn mạnh, hoạt động xuyên biên giới nhưng đang ít hoặc hầu như không bị quản lý, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh một cách bình đẳng.
Ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị UpGen Việt Nam, cho rằng: “Doanh nghiệp Việt của chúng ta gặp nhiều khó khăn về vốn. Nếu như chúng ta không có những cơ chế chính sách chính xác, thì cuối cùng cái duy nhất chúng ta có thể cạnh tranh được là vốn. Mà vốn thì không phải là điểm mạnh của chúng ta”.
“Chúng ta có những điểm mạnh như về con người, nguồn lực, thị trường 100 triệu dân tương đối lớn và chúng ta sẵn sàng đầu tư. Chứ còn, một công ty, bản thân họ đã lớn hơn cả một nền kinh tế của chúng ta rồi, thì vốn không phải là cách để cạnh tranh”, ông Nam nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải cũng nêu rõ 2 vấn đề khó khăn nhất mà Be gặp phải khi tham gia thị trường xe công nghệ đó là chính sách và vốn.
Theo ông Trần Thanh Hải, để tạo nên sự cạnh tranh công bằng, doanh nghiệp trong nước không cần bảo hộ, mà cần sự quan tâm đến quyền lợi của chuỗi cung ứng trong nền kinh tế số.
“Quan trọng nhất đó là tất cả thành phần kinh tế phải được bảo vệ và khuyến khích, cũng giống như quyền lợi của người lao động. Ví dụ, bọn tôi đấu tranh cả 2 năm trời để bảo vệ quyền lợi người lái xe, làm sao an toàn và có bảo hiểm, ngoài chuyện kiếm tiền là phải bảo vệ được quyền lợi của họ nữa. Còn một số công ty nước ngoài, đơn giản chỉ là lợi nhuận trong khi người tiêu dùng thường cứ rẻ là đi thôi”, ông Hải chia sẻ.
Ông Hải cũng cho biết, để cạnh tranh, bản thân doanh nghiệp phải đánh giá cuộc cạnh tranh đó để biết điểm mạnh điểm yếu, tiếp cận góc độ mới, tập trung vào một vài nền tảng mạnh, có sức cạnh tranh để phát huy chứ không nên nhảy vào tất cả các nền tảng để lãng phí nguồn lực./. Công nghiệp 4.0: Doanh nghiệp Việt muốn “số hóa” cũng vất vả
Từ khóa: doanh nghiệp Việt, chuyển đổi số, nền tảng số, kinh tế số, dữ liệu
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN