Doanh nghiệp ứng phó với chi phí vận tải tăng cao từ khủng hoảng Biển Đỏ

Cập nhật: 24/01/2024

VOV.VN - Doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu đang phải ứng phó với chi phí vận tải tăng cao từ khủng hoảng Biển Đỏ, bằng cách đàm phán các chi phí phát sinh, tìm phương thức vận tải khác cũng như khai thác thêm thị trường mới…

Chi phí vận tải tăng cao khi khủng hoảng Biển Đỏ đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải biển, từ đó gây nguy hại cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Rủi ro gia tăng trên tuyến vận tải quan trọng này đã buộc các công ty vận tải phải tránh Kênh đào Suez - tuyến đường biển nhanh nhất từ châu Á sang châu Âu, chiếm khoảng 15% vận chuyển thương mại thế giới, khiến thời gian vận chuyển và chi phí gia tăng, tác động tiêu cực đến các DN sản xuất và xuất khẩu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Thông tin từ các DN và ngành hàng, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất do khủng hoảng Biển Đỏ sẽ là dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản và các sản phẩm đông lạnh. Các tàu chở hàng đã phải đi vòng qua tuyến đường dài hơn, làm thời gian vận chuyển kéo dài thêm từ 7 - 14 ngày, dẫn đến chi phí vận chuyển hàng hóa sẽ tăng lên. Theo tính toán của các DN, với 1 container đi qua khu vực châu Âu, chi phí có thể tăng thêm từ 1.000 - 2.000 USD.

Ông Trần Việt Long, Giám đốc Công ty CP Thương mại và XNK Việt Phát bày tỏ, hiện DN đang bị chậm đơn hàng xuất khẩu sản phẩm mỹ nghệ từ Việt Nam sang EU, cụ thể là Đức và Hà Lan hơn 1 tháng do hoạt động vận tải bị gián đoạn và nhiều đơn vị vận tải biển tăng quá cao chi phí vận tải.

“DN đã đàm phán với các đối tác về thời gian giao hàng cũng như chi phí mới phát sinh do tác động ngoài mong muốn. Phía đối tác nhìn chung cũng hợp tác và chia sẻ, song họ chỉ đồng ý hỗ trợ khoảng 30% chi phí cước phát sinh, phần còn lại DN phải bù đắp. Đó là còn chưa nói đến việc chậm giao hàng khiến các hợp đồng của đối tác bị ảnh hưởng, từ đó ít nhiều sẽ giảm uy tín của DN sau này. Hiện với các đơn hàng mới, DN phải tính toán kỹ về chi phí cũng như thời gian giao hàng sẽ phải kéo dài hơn, vì chưa biết khi nào tuyến đường biển này trở lại bình thường”, ông Long chia sẻ.

Là DN chuyên xuất khẩu sản phẩm trái cây sang thị trường New Zealand, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh, Công ty Đầu tư Thương mại Phú Hoàng cho biết, lô hàng thanh long nghịch vụ xuất khẩu của DN với đối tác có nguy cơ phải hủy bỏ do việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn.

“Hãng tàu biển đang lựa chọn mặt hàng vận chuyển, trong đó khuyến cáo hạn chế các mặt hàng rau củ quả, hàng tươi sống vì thời gian vận chuyển khó chính xác theo đúng vận đơn. DN đang cân nhắc chuyển hàng qua đường hàng không, nhưng như thế chi phí sẽ đội lên rất lớn, khó thương thuyết được với các đối tác. Nếu quá trình này còn kéo dài, DN phải tính lựa chọn thay đổi mặt hàng và đối tác xuất khẩu”, ông Hoàng Anh lo lắng.

Nhận định về tác động khủng hoảng Biển Đỏ với các DN cơ khí và chế tạo trong nước, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, ảnh hưởng là có song không nhiều như những ngành hàng khác. Bởi lẽ DN cơ khí Việt Nam thực hiện gia công cho các đối tác trong nước hoặc các nước lân cận, nên vận chuyển cũng tương đối thuận lợi, nhanh chóng.

Tuy nhiên, ông Long cũng khuyến nghị các DN cần chủ động liên hệ, làm việc với các nước đối tác để thương lượng lại giá cả, thời gian vận chuyển để tránh bị lỗ do chi phí tăng cao cũng như phạt giao hàng. Ngoài ra, cũng cần đa dạng hóa thị trường các nước trong khu vực, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, một thị trường gần rất tiềm năng của Việt Nam.

Các DN xuất khẩu qua phương thức đường biển cần có biện pháp ứng phó kịp thời, để tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra là quan điểm của ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương). Theo đó, để bảo vệ lợi ích cho DN, Bộ Công Thương đã đề nghị hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội trong lĩnh vực logistics tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình đến DN trong ngành, nắm chắc thông tin để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh phát sinh ùn tắc và tác động bất lợi khác.

Cùng đó, Bộ Công Thương yêu cầu DN xuất nhập khẩu theo dõi sát tình hình, chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác để trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng hàng, nhận hàng. Ngoài ra, DN cần tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung, để hạn chế ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng, đồng thời tìm hiểu về phương thức vận chuyển đường sắt để có lựa chọn khác nhau về phương thức giao hàng.

“Bộ Công Thương cũng khuyến cáo DN khi ký kết và đàm phán hợp đồng thương mại, hợp đồng vận chuyển nên có điều khoản về bồi thường, miễn trách nhiệm trong các tình huống khẩn cấp. Các DN cần mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất, khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường này. Mặt khác, DN xuất khẩu cũng phải chủ động các phương án vận chuyển khác để không ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng”, ông Hải cho biết.

Từ khóa: chi phí vận tải tăng cao, chi phí vận tải tăng cao, khủng hoảng biển đỏ, doanh nghiệp ứng phó, đàm phán hợp đồng, lựa chọn phương thức vận chuyển, xuất khẩu sang EU

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: nguyễn quỳnh/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập