Doanh nghiệp tư nhân Thái Nguyên quyết tâm thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị
Cập nhật: 9 giờ trước
Nhận định chứng khoán 23/7: Áp lực điều chỉnh có thể gia tăng
Chuyển đổi số giúp nông sản miền núi Khánh Hòa tiếp cận nhanh thị trường
VOV.VN - Với tinh thần khẩn trương, các doanh nghiệp tư nhân Thái Nguyên quyết tâm đưa Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống, để ngày càng đóng góp phát triển mạnh mẽ vào kinh tế địa phương và đất nước.
Trong Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng.
Nghị quyết số 66 cũng xác định mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan sau sắp xếp tổ chức bộ máy, tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, mở đường cho kiến tạo phát triển, huy động mọi người dân và doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội để đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Nằm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Công ty Hoàng Mấm đã và đang từng bước xây dựng chuỗi siêu thị, đô thị, nhà hàng… Là một doanh nghiệp nhỏ và vừa nên việc tiếp cận vốn và đất đai, đầu tư cho nguồn nhân lực rất khó khăn, nhưng doanh nghiệp đã nỗ lực từng bước đi lên. Từ chỗ chỉ là một vài cơ sở nhỏ, hiện nay các sản phẩm của công ty đã có mặt ở thành phố Thái Nguyên và một số tỉnh phía Bắc. Hiện tổng doanh thu hàng năm của Hoàng Mấm khoảng 100 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho hon 200 lao động.
“Chúng tôi rất phấn khởi khi Nghị quyết 68 tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là phát huy và tách bạch giữa quyền pháp nhân của doanh nghiệp và pháp nhân của cá nhân. Thứ hai là tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển như: tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn vốn và hơn nữa là doanh nghiệp chuẩn bị khởi nghiệp còn được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3-5 năm… Chúng tôi rất may mắn khi ở tỉnh Thái Nguyên - nơi thực hiện chuyển đổi số top đầu của cả nước. Doanh nghiệp chúng tôi cũng đang áp dụng chuyển đổi số như ngành kế toán, ngành xây dựng để phát triển”, ông Hoàng Gia Huệ, Giám đốc Công ty Hoàng Mấm, Thái Nguyên chia sẻ.
Nghị quyết số 68 xác định mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân, có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, đóng góp khoảng 55-58% GDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm. Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.
Về tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết xác định, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế, phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP. Do vậy, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên xác định tâm thế cho mình trước mắt là đóng góp tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh.
TS. Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CPTM Thái Hưng (Thái Nguyên) - doanh nghiệp tư nhân đang triển khai mô hình Khu đô thị và Trường học liên cấp chất lượng cao tại tỉnh đề xuất giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ xuống mức 15–17% thay vì 20% như hiện tại, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp. Đồng thời, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong 3 năm đầu thành lập cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm khuyến khích khởi nghiệp và giảm gánh nặng tài chính trong giai đoạn đầu hoạt động. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh bằng cách xóa bỏ thuế khoán và đơn giản hóa thủ tục. Bên cạnh đó, hỗ trợ tài chính bao trùm nhằm tiếp thêm cơ hội cho phụ nữ, thanh niên và đồng bào dân tộc vươn lên, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Sửa đổi Luật Đầu tư năm 2020 theo hướng bãi bỏ quy định về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước.
Một số doanh nghiệp ở Thái Nguyên cũng kiến nghị được miễn thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhằm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này. Cùng với đó, phát triển doanh nghiệp công nghệ cao, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, thực hiện hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, thúc đẩy khả năng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm tài chính cho các doanh nghiệp, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, ưu tiên chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh là thanh niên, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tạo tác động xã hội.
Năm 2025, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10,5%, vượt 2% so với chỉ tiêu Chính phủ giao, vì vậy cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có khối doanh nghiệp tư nhân đang nỗ lực về đích với những giải pháp hiệu quả.
Từ khóa: Thái Nguyên, Thái Nguyên, Nghị quyết 68, Doanh nghiệp tư nhân, kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân Thái Nguyên
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: xuân lan/vov1
Nguồn tin: VOVVN