Doanh nghiệp Tiền Giang xuất khẩu gạo đến 20 quốc gia, vùng lãnh thổ
Cập nhật: 29/10/2024
Phụ nữ khởi nghiệp vì sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững (24/11/2024)
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
VOV.VN - Trong năm qua, Tiền Giang xuất khẩu gạo được hơn 175.400 tấn, đạt kim ngạch 105 triệu USD và 6 tháng đầu năm nay xuất khẩu đạt trên 81.200 tấn, ra thị trường 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tiền Giang có nhiều DN chế biến, xuất khẩu gạo có quy mô lớn và góp phần đưa hạt gạo vùng ĐBSCL ra thị trường thế giới. Hoạt động sản xuất kinh doanh ngành nghề này còn gặp không ít khó khăn, cần được quan tâm, hỗ trợ từ nhiều phía. Đó là vấn đề đặt ra tại hội thảo khoa học “Nâng cao năng lực chế biến và xuất khẩu lúa gạo tỉnh Tiền Giang” do UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức ngày hôm nay 29/10.
Tuy diện tích sản xuất lúa của tỉnh Tiền Giang không nhiều (hơn 56.100 ha) nhưng địa phương có hệ thống nhà máy xay xát, DN kinh doanh lúa gạo có quy mô lớn ở vùng ĐBSCL, góp phần quan trọng trong việc tiêu lúa gạo của cả khu vực.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 500 DN chuyên kinh doanh, xát xát, chế biến lúa gạo tiêu dùng và xuất khẩu; trong đó tại huyện Cái Bè từ lâu đã hình thành khu vực kinh doanh lúa gạo tại Bà Đắc- Cụm công nghiệp An Thạnh (xã An Cư, Đông Hòa Hiệp) với hơn 160 DN. Tiền Giang có 20 DN chuyên chế biến xuất khẩu gạo đã đầu tư dây chuyền tự động hóa từ các khâu với năng lực xay xát, chế biến trên 2 triệu tấn gạo/năm. DN tại Tiền Giang đã thu mua lúa gạo nhiều tỉnh trong khu vực để chế biến, phục vụ các hợp đồng xuất khẩu gạo.
Trong năm qua, Tiền Giang xuất khẩu gạo được hơn 175.400 tấn, đạt kim ngạch 105 triệu USD và 6 tháng đầu năm nay xuất khẩu đạt trên 81.200 tấn, ra thị trường 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Gần đây, sản lượng gạo xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang cũng như cả nước có chiều hướng giảm do nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân chính do giá gạo nước ta cao hơn một số nước khác; một số mô hình liên kết giữa DN - nông dân sản xuất lúa gạo chưa chặt chẽ, hoạt động chế biến lúa gạo còn hạn chế, chất lượng lúa gạo chưa đồng đều, tính cạnh tranh chưa cao, giá thành sản xuất lúa của nông dân còn ở mức cao.
Chính sách tín dụng của các ngân hàng chưa linh hoạt, lãi suất còn cao chưa hỗ trợ kịp thời khi các DN có nhu cầu. Một số nhà máy chế biến gạo xuất khẩu còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, mặt bằng, chưa xử lý triệt để việc phát sinh khói bụi gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Phát biểu tại hội thảo, các DN chế biến gạo xuất khẩu đã kiến nghị các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ hoạt động xuất khẩu gạo, nhất là nhà kho, dây chuyền sản xuất hiện đại. Ông Thái Văn Cẩm, Giám đốc công ty TNHH MTV Phước Lộc Thiên Hộ (tại xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè) cho biết, trước đây DN chuyên kinh doanh trong nội địa, nhưng giờ muốn bước sang xuất khẩu, chủ yếu xuất đi các nướ như Philippines, Indonesia, Malaysia…
“Riêng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc đang rất khó vì cần đầu tư các kho lạnh, dây chuyền mới, hiện đại và gạo có chất lượng cao mới xuất khẩu được với giá tốt. Những dây chuyền mới giá thường rất đắt nên DN ngại đầu tư. Để chuẩn bị xuất khẩu, hiện DN đầu tư thêm kho dự trữ lạnh để giữ được chất lượng và mùi gạo. Gạo xuất khẩu được DN thu mua từ tất cả các tỉnh lận cận như Kiên Giang, Cà Mau... về để chế biến”, ông Cẩm cho biết.
Ông Phan Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết, trên địa bàn huyện có 2 DN chuyên xuất khẩu gạo ra nhiều nước trên thế giới. Với diện tích lúa khoảng 6.000 ha tại địa phương, không đủ sản lượng để các DN này chế biến xuất khẩu nên phải thu mua từ các tỉnh bạn. Chỉ tính riêng khu vực Bà Đắc, mỗi ngày DN thu mua hơn 4.000 tấn gạo, chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các DN kinh doanh lúa gạo hoạt động ổn định.
“Cái Bè có vùng nguyên liệu gạo tại chỗ khoảng 150.000 tấn, phục vụ cho việc sơ chế, chế biến, đóng gói xuất khẩu. Tuy nhiên do DN nhiều, lượng lúa gạo tại chỗ biến động nên DN phải đến các tỉnh mua về như Long An, Đồng Tháp, An Giang. Nhìn chung đến thời điểm hiện nay, các DN hoạt động rất tốt, hiệu quả và chưa có khó khăn gì”, ông Sơn nói.
Qua hội thảo đã giúp các cơ quan chính quyền, các ngành chức năng, DN xuất khẩu gạo và nông dân Tiền Giang tháo gỡ những khó khăn, mặt tồn tại để mặt hàng lúa gạo, ngành chế biến lúa gạo xuất khẩu của địa phương và khu vực tiếp tục nâng chất, mở rộng theo hướng hàng hóa, xuất khẩu, đem lại giá trị cao.
Từ khóa: xuất khẩu gạo, xuất khẩu gạo,thị trường, doanh nghiệp, chế biến, thu mua, tiền giang
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: nhật trường/vov-đbscl
Nguồn tin: VOVVN