Doanh nghiệp than gặp phiền hà về thủ tục hành chính thuế
Cập nhật: 2 giờ trước
Thị trường bất động sản TP.HCM từng bước phục hồi
Phó Thủ tướng: "Cần cơ chế quản lý, hợp tác ở các lưu vực sông liên biên giới"
VOV.VN - Vẫn có tới 31% doanh nghiệp gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Quy trình kê khai, nộp thuế, hoàn thuế và quyết toán thuế vẫn còn phức tạp, gây mất thời gian và tốn kém chi phí cho doanh nghiệp.
Những thông tin này được đưa ra tại Hội thảo “Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững", được tổ chức chiều 18/12 tại Hà Nội. Hội thảo do Bộ Tài chính chủ trì, Tổng cục Thuế phối hợp Báo Lao Động tổ chức.
Tại hội thảo, ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến hết năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 7,2 triệu tỉ đồng, đạt 86,5% so với mục tiêu kế hoạch.
Với tiến độ thực hiện như trên, nếu tính cả dự toán năm 2025 mà Quốc hội, Chính phủ giao, thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 9 triệu tỷ đồng, đảm bảo hoàn thành mục tiêu kế hoạch tài chính ngân sách đề ra, tỷ lệ huy động vào NSNN đạt khoảng 16-17% GDP, trong đó thu từ thuế, phí đạt khoảng 14% GDP, tỷ trọng thu nội địa tính đến cuối năm 2025 đạt khoảng 86% tổng thu NSNN.
Ông Mai Sơn đánh giá, để đạt được kết quả này, trước hết là sự nỗ lực của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương trong việc xây dựng hệ thống chính sách thuế và tổ chức thực hiện thu thuế hiệu quả. Trong giai đoạn 2021-2024, ngành Thuế đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn cho gần 3,7 triệu lượt người nộp thuế với 8 loại thuế và 36 loại phí. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thông qua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường số hóa, hiện đại hóa công tác quản lý thu nộp ngân sách.
Đến nay, có 100% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, 99% doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế, 99% doanh nghiệp đang hoạt động tham gia hoàn thuế điện tử; 100% doanh nghiệp, tổ chức tham gia hóa đơn điện tử.
Về thương mại điện tử, số liệu quản lý thuế trong lũy kế trong 3 năm, từ năm 2022 tới 10 tháng năm 2024 đã thu gần 275.000 tỷ đồng tiền thuế từ kinh doanh thương mại điện tử.
Đánh giá về công tác quản lý thuế và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế của Việt Nam, ông Noguchi Daisuke, Cố vấn trưởng dự án (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA) chia sẻ: Trong những năm gần đây, sự phát triển vượt bậc trong quản lý thuế của Việt Nam có thể kể đến việc triển khai hệ thống thuế điện tử. Để bắt kịp với thực tiễn giao dịch kinh tế đang bùng nổ, Tổng cục Thuế đã chủ động đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế. Đặc biệt, hệ thống khai thuế điện tử nhằm nâng cao tiện ích cho người nộp thuế đạt mức độ không thua kém so với các hệ thống thuế điện tử của các quốc gia khác, đóng góp lớn vào việc thúc đẩy kinh doanh toàn cầu.
Theo đại diện của JICA, quản lý thuế của Việt Nam đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc và các nỗ lực để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cũng đang được triển khai tích cực. Tuy nhiên, vẫn cần có các biện pháp để giải quyết một số thách thức còn tồn tại. Trong đó, việc thúc đẩy chuyển đổi số (DX) sâu hơn nữa trong quản lý thuế, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời mở rộng mạng lưới hành chính thuế nhằm cung cấp dịch vụ nộp thuế đồng bộ trên toàn quốc sẽ là chìa khóa để hỗ trợ sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, năm 2024 tiếp tục là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp vừa phải phản ứng với những biến động khó lường của thị trường thế giới; vừa phải khắc phục những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm và phải ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ…
Trong bối cảnh đầy khó khăn này, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận các cơ quan nhà nước đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp trong khắc phục những khó khăn, củng cố niềm tin và giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi, ổn định và gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ghi nhận mới nhất từ khảo sát môi trường kinh doanh do VCCI tiến hành trong năm 2024, vẫn có tới 31% doanh nghiệp gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Cụ thể, vẫn còn sự rườm rà trong thủ tục hành chính thuế: quy trình kê khai, nộp thuế, hoàn thuế và quyết toán thuế vẫn còn phức tạp, gây mất thời gian và tốn kém chi phí cho doanh nghiệp; Sự không đồng nhất trong áp dụng chính sách: Một số quy định thuế chưa được diễn giải hoặc áp dụng thống nhất giữa các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương, dẫn đến sự thiếu minh bạch và khó dự đoán cho doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, để công tác cải cách, đổi mới hoạt động của ngành thuế và tạo điều kiện cho người nộp thuế thực hiện tốt, thuận lợi trong hoàn thành nghĩa vụ thuế, ông Hoàng Quang Phòng kiến nghị:
Cần đẩy mạnh số hóa trong quản lý thuế; Hoàn thiện các nền tảng công nghệ và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong việc sử dụng các hệ thống này. Chẳng hạn, xây dựng các cổng thông tin thân thiện, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để giải đáp thắc mắc nhanh chóng và chính xác; Tăng cường minh bạch và hướng dẫn cụ thể: Cần có các tài liệu hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu và thống nhất về việc thực thi các chính sách thuế, tránh tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu.
Cùng với đó, nghiên cứu, sửa đổi và triển khai chính sách thuế đơn giản, ổn định: Đơn giản hóa biểu mẫu kê khai, giảm thiểu các loại thuế phí chồng chéo và duy trì sự ổn định trong chính sách để doanh nghiệp yên tâm lập kế hoạch dài hạn; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Từ khóa: doanh nghiệp, thủ tục hành chính thuế, phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế, doanh nghiệp siêu nhỏ,thuế
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: chung thủy/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN