Doanh nghiệp nông sản hạn chế tác động của dịch Covid-19
Cập nhật: 17/02/2020
Hướng dẫn việc điều chỉnh thiết kế dải phân cách giữa các dự án đường bộ cao tốc
Thành lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất
VOV.VN - Nghiên cứu chế biến sâu sản phẩm sau thu hoạch để gia tăng giá trị nông sản của Việt Nam qua đó mới ổn định được thị trường tiêu thụ.
Không chỉ hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm sau khi Trung Quốc tạm ngừng giao thương nông sản với Việt Nam ở một số cửa khẩu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp kinh doanh nông sản của tỉnh Hải Dương đang tăng cường năng lực chế biến nông sản. Các doanh nghiệp coi đây là cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu và mạng lưới phân phối sản phẩm ở thị trường nội địa.
Những ngày này, trên những cánh đồng cà rốt ở xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương bà con nông dân tất bật thu hoạch nông sản để phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu của doanh nghiệp. So với giá trước Tết Nguyên đán, cà rốt thu hoạch sau Tết cao hơn gấp 2 lần, trung bình gần 6 triệu đồng/sào.
Mặc dù được cả mùa và giá nhưng nhiều nông dân chưa thể phấn khởi do đầu ra tiêu thụ nông sản đang bấp bênh vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp nông sản coi thời điểm này là cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu và mạng lưới phân phối sản phẩm ở thị trường nội địa. |
“Cà rốt thu hoạch xong rồi, gần đây mới bán được nhiều. Sản phẩm ở đây chủ yếu đưa vào tiêu thụ trong miền Nam và xuất khẩu mới được giá. Giá 1 sào cà rốt khoảng 5,5 triệu đồng, giá năm nay cao hơn mọi năm” - bà Nguyễn Thị Hoa ở xã Đức Chính chia sẻ.
Với doanh thu gần 100 tỉ đồng mỗi năm, Công ty cổ phần chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương từ lâu đã trở thành bạn hàng thân thiết của nông dân ở các vùng chuyên canh trồng cà rốt, hành, tỏi, bắp cải, gừng phục vụ chế biến sâu.
Ông Nguyễn Đức Đoàn, Phó giám đốc Công ty cổ phần chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương cho biết, nếu như trước Tết Nguyên đán bình quân mỗi ngày doanh nghiệp thu mua hàng trăm tấn rau, củ để chế biến thì nay số lượng cao gấp nhiều lần. Nắm bắt cơ hội khi thị trường Trung Quốc xuất hiện dịch Covid-19 nên nhiều nước đang chuyển hướng sang nông sản của Việt Nam, doanh nghiệp đã tăng cường thu mua nông sản để chế biến đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước.
“Doanh nghiệp vận động bà con nông dân chăm sóc nông sản để giữ vững niềm tin cho khách hàng. Chất lượng tốt đó là lợi thế và cũng là cơ hội để xuất khẩu. Trong thời gian tới mong muốn chính quyền tiếp tục xúc tiến thương mại để khách hàng có thể hiểu sâu hơn về chất lượng của nông sản Việt Nam và cũng là lộ trình dài hạn của doanh nghiệp cho những năm tới. Để làm được điều này chính quyền và doanh nghiệp bắt tay nhau bàn với nông dân với tiêu chí đưa chất lượng lên hàng đầu để tiêu thụ và xuất khẩu thuận lợi” - ông Đoàn nói.
Chuyển hướng tập trung khai thác các thị trường nước ngoài đang là giải pháp được nhiều doanh nghiệp kinh doanh nông sản của tỉnh Hải Dương lựa chọn.
Hàng nông sản Việt cần chú trọng đến tiêu thụ nội địa. |
Ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc công ty TNHH một thành viên Hưng Việt bày tỏ, ngoài thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp còn xuất khẩu nông sản sang gần 10 nước và vùng lãnh thổ, trong đó công ty đã chinh phục được thị trường cá c nước vốn “khó tính” và yêu cầu cao nghiêm ngặt về chất lượng nông sản như Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp.
“Một ngày có thể xuất đến 300 tấn bắp cải mà vẫn không đủ hàng để xuất đi. Có những thời điểm mà đơn hàng của nhiều nước tập trung đặt hàng sản lượng hàng trăm container rau, củ quả” - ông Trường nói.
Nghiên cứu chế biến sâu sản phẩm sau thu hoạch để gia tăng giá trị nông sản của Việt Nam qua đó mới ổn định được thị trường tiêu thụ và gắn giữa sản xuất và thị trường thông qua các doanh nghiệp chế biến. Cơ hội sẽ xuất hiện sau khi dịch được khống chế. Lúc đó nhu cầu về tiêu dùng sẽ tăng rất cao, khi đó những sản phẩm chất lượng và sản phẩm của những doanh nghiệp có uy tín với thị trường sẽ là lựa chọn của người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, bám sát các văn bản chỉ đạo Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về khắc phục khó khăn đối với sản xuất và thương mại nông sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sở đã chủ động mời gọi doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư nhiều mặt hàng nông sản ngay từ đầu năm nay.
Ông Quân cũng cho rằng, tác động do dịch Covid-19 đến sản xuất và tiêu thụ nông sản đối với địa phương hiện nay là chưa lớn nhưng về lâu dài để đảm bảo sản xuất bền vững không thể ngồi chờ mà cần chủ động các kịch bản để ứng phó.
“Nhiều loại nông sản đã có thương hiệu như cà rốt mọi năm chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc nhưng năm nay đã mở ra nhiều thị trường. Xúc tiến thương mại và khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia chuỗi giá trị bằng các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp liên kết với nông dân chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm” - ông Quân nói.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch cô vít 19. Tuy nhiên, nếu tận dụng tốt cơ hội, tập trung tái cơ cấu nông nghiệp sâu hơn theo hướng sản xuất hàng hóa, chế biến sâu, liên kết chặt chẽ các yếu tố trong chuỗi giá trị và mở ra nhiều thị trường mới, chúng ta có thể biến nguy cơ thành cơ hội hướng đến phát triển nông nghiệp một cách bền vững./.
Tiêu thụ nông sản: Cần sự “chung tay” của người dân và nhà sản xuất
Từ khóa: nông sản, nông sản xuất khẩu, doanh nghiệp nông sản, chế biến nông sản, dịch Covid-19
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN