Doanh nghiệp nói đề xuất giảm giờ làm còn 44 giờ/tuần chưa phù hợp
Cập nhật: 25/09/2019
Phát hiện lô hàng rượu, bia nhập lậu trị giá lớn ở Bắc Ninh
Du lịch Việt Nam 2024: Bước chạy đà hứa hẹn sự bùng nổ (26/12/2024)
VOV.VN - Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 kiến nghị giữ nguyên thời gian làm việc bình thường là 48 giờ/tuần.
Ngày 17/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cùng đoàn công tác của Bộ đã có buổi làm việc với Tổng Công ty May 10 - đại diện cho hơn 6.500 doanh nghiệp dệt may trong cả nước, góp ý vào Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi).
Tại buổi làm việc, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 kiến nghị giữ nguyên thời gian làm việc bình thường là 48 giờ/tuần. Đề xuất giảm giờ làm việc còn 44 giờ/tuần như Dự thảo là cần thiết nhưng chưa phù hợp trong thời điểm hiện nay. Vì vậy, cần có lộ trình khi khả năng cạnh tranh và năng suất lao động của doanh nghiệp cao hơn.
Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cùng đoàn công tác của Bộ đã có buổi làm việc với Tổng Công ty May 10. |
Nêu kiến nghị về giờ làm thêm trong năm, ông Thân Đức Việt cho biết: Với đặc thù của ngành dệt may, Tập đoàn kiến nghị điều chỉnh trong nội dung dự thảo Luật Lao động sửa đổi. Cụ thể, tăng trần tối đa thỏa thuận làm thêm giờ trong năm từ 300 giờ/năm thêm 100 giờ lên 400 giờ/năm; Tăng trần tối đa thỏa thuận làm thêm giờ trong tháng từ 30 giờ/tháng lên 40 giờ/tháng hoặc bỏ quy định về trần số giờ làm thêm trong tháng.
Trong quy định cụ thể, các trường hợp được thỏa thuận làm thêm giờ đến 400 giờ/năm, đại diện Tổng Công ty May 10 đề xuất chỉ áp dụng một số ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất như: Gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da giầy, linh kiện điện, điện tử, chế biến nông, lâm, thủy sản.
“Thời điểm hiện nay là tháng 9 và tháng 10 năm nay, chúng tôi muốn làm thêm giờ thì cũng không có việc để làm và hiện nay chúng tôi đang phải áp dụng cho công nhân nghỉ nửa ngày thứ Bảy. Đến tháng 11, tháng 12, khi vào cao điểm, chúng tôi lại buộc phải làm thêm giờ. Với quy định không quá 30 giờ/tháng trong khi đơn hàng, khách hàng đặt, sẽ ảnh hưởng đến đơn hàng rất lớn và ảnh hưởng đến nhiều việc làm của người lao động. Chúng tôi đề xuất tăng giờ làm thêm và tăng quy định giờ làm thêm của 1 tháng và tăng tổng số giờ làm thêm của 1 năm, do tính thời vụ của ngành may”- ông Thân Đức Việt cho biết.
Về tiền lương làm thêm giờ, ông Thân Đức Việt cũng kiến nghị quy định nên giữ như hiện nay về tiền lương làm thêm giờ: Ít nhất là 150% khi làm thêm vào ngày làm việc bình thường, 200% khi làm thêm vào ngày nghỉ hàng tuần, 300% khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương là hợp lý. Việc trả lương làm thêm lũy tiến theo Dự thảo Luật sẽ gây khó về cách tính toán, chi phí sản xuất tăng thêm gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Xung quanh điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, đại diện Tổng công ty May 10 cũng đề nghị cần có lộ trình về thời gian. Đồng thời cần có quy định cụ thể theo từng nhóm những trường hợp nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu chung.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung ghi nhận những ý kiến đóng góp của Tổng Công ty May 10 cho Dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi để Ban soạn thảo tổng hợp, hoàn thiện Dự thảo luật.
Liên quan đến giờ làm thêm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng việc làm thêm giờ là cần thiết. Kinh nghiệm cho thấy nước càng nghèo thì thời gian làm thêm càng nhiều. Do đó, việc cân nhắc thời gian làm thêm như thế nào cho phù hợp để đảm bảo thực hiện mục tiêu vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và phát triển nhưng cũng đồng thời chăm lo cho người lao động. Theo Bộ trưởng, một số ngành nghề áp lực về thời gian làm thêm như: Dệt may, thủy sản, linh kiện điện tử, nông nghiệp và trong một số điều kiện cụ thể như hỏa hoạn, thiên tai... cần có điều chỉnh. Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ linh hoạt điều này.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc cân nhắc thời gian làm thêm như thế nào cho phù hợp để tạo điều kiện cho DN ổn định và phát triển nhưng cũng đồng thời chăm lo cho người lao động. |
Vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, theo Bộ trưởng đây là xu hướng tất yếu, Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng này. Phải nhìn xa trông rộng, một quyết định có tính chính trị, vì lợi ích lâu dài của đất nước.
“Băn khoăn hiện nay về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, có lẽ có lực lượng băn khoăn nhiều hơn đó là người lao động trực tiếp và người lao động nặng nhọc, độc hại, lao động suy giảm sức khỏe. Chúng ta phải phổ biến cho người lao động hiểu - đây là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chung của những người lao động bình thường, trong điều kiện bình thường. Còn lao động làm việc nặng nhọc, độc hại vẫn nghỉ hưu trước 5 năm. Còn nặng nhọc độc hại cộng thêm suy giảm nữa thì có thể nghỉ hưu trước 10 năm, 15 năm”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Những ý kiến đóng góp vào Dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi sẽ được Ban soạn thảo tổng hợp, hoàn thiện, dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 20/9 tới./.
Từ khóa: dự thảo luật lao động sửa đổi, giảm giờ làm việc, năng suất lao động, làm thêm giờ
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN