Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phải đương đầu với cạnh tranh thế giới

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ cũng phải đương đầu với cạnh tranh toàn cầu trên sân nhà. Muốn thành công, các DN này phải vươn ra thế giới.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số bình quân của Việt Nam còn thấp. Hiện, Việt Nam mới đạt khoảng 140 người dân/doanh nghiệp, trong khi bình quân các nước ASEAN là 80-100, các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU là 10-12 người dân/doanh nghiệp.

vbf 2019: thuc day phat trien khu vuc kinh te tu nhan hinh 1
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019.

Còn theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu coi doanh nghiệp theo đúng nghĩa rộng như cả thế giới đang nhìn nhận hiện nay bao gồm cả cá nhân kinh doanh một chủ, các hộ kinh doanh, Việt Nam sẽ có hơn 5 triệu đơn vị doanh nghiệp nữa. Đây có thể coi như những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế. Nếu cộng cả số này thì Việt Nam đạt tỷ lệ 15-16 người/doanh nghiệp.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng: “Xét về số lượng, Việt Nam không quá chênh lệch với tỷ lệ doanh nghiệp của các nước trên thế giới. Nhưng xét về chất lượng lại là một chênh lệch lớn. Các hộ kinh doanh được coi là khu vực không chính thức và chưa đảm bảo sự minh bạch cũng như chưa tiếp cận được các chuẩn quản trị hiện đại của thế giới, dẫn đến năng suất không cao”.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ này cũng phải đương đầu với cạnh tranh toàn cầu trên sân nhà. Muốn thành công, họ buộc phải vươn ra thế giới. Chủ thể của thị trường thế giới trong kỷ nguyên số này là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa”, ông Lộc nhận định.

“Vì vậy, việc nâng cấp khu vực doanh nghiệp Việt Nam đang là yêu cầu cấp bách, bao gồm cả khu vực doanh nghiệp có đăng ký theo luật doanh nghiệp và khu vực hộ kinh doanh”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định “Phát triển nhanh và bền vững là chủ trương, quan điểm nhất quán và xuyên suốt trong chiến lược phát triển của Việt Nam với mục tiêu phải phát triển kinh tế nhanh để tránh tụt hậu, giảm khoảng cách với các nước đang phát triển. Đồng thời phải duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo”.

Có thể nói, đây là hành trình phát triển tiếp theo, sau khi Việt Nam có được bước phát triển mạnh mẽ trong hành trình cởi trói, tạo nên phát triển về chiều rộng, ít chú ý đến phát triển lao động, môi trường. Làn sóng tới là giai đoạn phát triển kiến tạo, đảm bảo chất lượng phát triển cao hơn, chú ý các mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Tomaso Andreatta, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định, tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư nước ngoài đang là động lực chính cho thành tựu kinh tế của Việt Nam, tuy nhiên sự lãnh đạo và những sáng kiến chính sách táo bạo là chìa khóa để nhận diện và tận dụng các cơ hội.

“Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu, các doanh nghiệp đang quan tâm tới việc tập trung hoạt động sản xuất tại một nước ổn định và Việt Nam đang ở vị thế có thể tận dụng những cơ hội này”, ông Andreatta cho biết.

Ông Tomaso Andreatta cho rằng: “Triển khai một cách thận trọng các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại sẽ giúp tối đa hóa những cơ hội trên”./.

Từ khóa: VBF 2019, VBF, kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ,

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập