Doanh nghiệp hồ hởi đón quy hoạch mới của tỉnh Bình Dương

Cập nhật: 26/09/2024

VOV.VN - Hôm nay (26/9), Bình Dương chính thức công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050. Quy hoạch này đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á.

 

Doanh nghiệp kỳ vọng vào quy hoạch mới

Các doanh nghiệp tại Bình Dương tỏ ra phấn khởi và kỳ vọng vào những cơ hội phát triển mới từ quy hoạch. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng mong muốn biết rõ hơn về quy hoạch để có thể định hướng phát triển ngành nghề và mở rộng sản xuất.

Đặc biệt, doanh nghiệp quan tâm đến các thông tin về quy hoạch cụm công nghiệp, ví dụ như cụm công nghiệp dành cho ngành gốm sứ, gỗ để có thể điều chỉnh hoạt động sản xuất cho phù hợp. Bên cạnh đó, họ cũng kỳ vọng sẽ có thêm các chính sách ổn định để doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư lâu dài.

Ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Bình Dương chia sẻ, hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp gốm sứ buộc phải di dời, hoặc chuyển đổi công năng để tránh ô nhiễm môi trường nên rất quan tâm đến việc quy hoạch các khu vực dành cho ngành nghề này. Việc công bố chi tiết các quy hoạch sẽ giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt và thực hiện một cách hiệu quả.

"Cần quyết đoán, làm nhanh để người dân, doanh nghiệp hưởng thụ thành quả đã đầu tư công sức và sự hy sinh trong công tác đền bù giải tỏa, di dời. Nếu công trình kéo dài, sẽ thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp rất lớn. Các sở, ban ngành cố gắng tối đa đi vào chi tiết sớm và công bố quy hoạch trên phương tiện truyền thông để người dân, cộng đồng doanh nghiệp biết để tuân theo thực hiện", ông Vương Siêu Tín nói.

Ông Trần Hưng Đạo, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam, một doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đánh giá cao việc tỉnh Bình Dương đã có kế hoạch phát triển rõ ràng và lâu dài.

Ông cho biết, việc hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao trong tương lai rất phù hợp với định hướng phát triển của tập đoàn Foster. Về phía công ty ở Bình Dương và tập đoàn sẽ chủ động đầu tư và mở rộng sản xuất để tận dụng những cơ hội mới.

"Hiện tại, tập đoàn chúng tôi đang chuẩn bị nguồn lực, cũng như ngân sách để kết hợp các hệ sinh thái trong tập đoàn nói chung để phát triển công nghệ phần mềm mới. Đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0, công ty cũng đang có kế hoạch chuyển dịch lĩnh vực sản xuất, công nghệ mới, đặc biệt là sản phẩm mới như định hướng của tập đoàn".

Gỡ các nút thắt để tiếp tục phát triển

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, quy hoạch lần này sẽ tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, tạo ra những đột phá mới để Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, đồng thời là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á.

Quy hoạch này đặt mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Do đó, mọi thông tin quy hoạch sẽ được công bố một cách công khai, minh bạch để người dân, doanh nghiệp nắm rõ.

Ông Võ Văn Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, trong quy hoạch sẽ có những định hướng phát triển, mở rộng các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư... ở những vị trí phù hợp. Trong đó, Bình Dương cũng chú trọng đến việc phát triển khu vực ven sông Sài Gòn để làm điểm nhấn. Sắp tới, sở sẽ tập trung vào việc lập và phê duyệt các quy hoạch chi tiết nhằm đảm bảo sự phát triển đồng bộ và bền vững. Đồng thời, các dự án nhà ở xã hội cũng sẽ được ưu tiên đầu tư để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

"Theo Đề án phát triển nhà ở xã hội của tỉnh, đến năm 2030, sẽ phát triển được 170.000 căn hộ. Hiện nay, chúng tôi đã làm được hơn 50%, cố gắng sẽ đạt được kết quả trong thời gian tới. Mặc dù nhiệm vụ nặng nề, có nhiều thách thức, tuy nhiên vớisự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, chúng tôi cố gắng phối hợp với các sở ngành để đạt mục tiêu đề ra. Để đạt mục tiêu này, Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm cho các địa phương rõ ràng", ông Ngân chia sẻ.

Song song đó, Bình Dương đang tập trung vào việc biến khu vực phía Nam của tỉnh thành trung tâm thương mại dịch vụ theo quy hoạch nên phải di dời số lượng lớn doanh nghiệp. Việc di dời các nhà máy từ phía Nam lên phía Bắc sẽ được thực hiện một cách bài bản, đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hình thành các khu công nghiệp mới để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp di dời và phát triển.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương nói: "Chúng tôi xây dựng vành đai công nghiệp mới từ Vành đai 4, 3 nối các khu công nghiệp đến sân bay quốc tế Long Thành, cảng biển. Xây dựng những trung tâm công nghiệp theo hệ sinh thái mới để di dời các nhà máy từ phía Bắc lên phía Nam để tạo dư địa mới phát triển khu vực phía Nam".

Theo quy hoạch tỉnh Bình Dương đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương, phát triển năng động, hiện đại, dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời chú trọng đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Đến năm 2050, Bình Dương sẽ trở thành một trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ tầm cỡ quốc tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của cả nước. Người dân Bình Dương sẽ có mức sống cao tương đương các nước phát triển.

Từ khóa: quy hoạch, Bình Dương, quy hoạch, gốm sứ, doanh nghiệp ,di dời,nhà ở xã hội

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: thiên lý/vov-tp.hcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan