Doanh nghiệp dệt may Việt Nam tìm cơ hội mở rộng thị trường tại Nga
Cập nhật: 25/09/2019
Tỷ giá USD tăng hơn 5% trong năm 2024 (8/1/2025)
Giá vàng hôm nay 9/1: Vàng miếng SJC tăng tiếp 500.000 đồng/lượng
VOV.VN - Từ ngày 17 đến 20/9, tại thủ đô Moscow, Nga diễn ra Hội chợ công nghiệp Dệt may toàn liên bang lần thứ 53.
Đây là hội chợ chuyên ngành về nguyên phụ liệu, quần áo, máy móc thiết bị… Đoàn doanh nghiệp dệt may Việt Nam do Hiệp hội Dệt may Việt Nam dẫn đầu, tham gia hội chợ này để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm các đối tác, mở rộng cơ hội xuất khẩu sang thị trường Nga.
Các doanh nghiệp chụp ảnh lưu niệm tại khu trưng bày. |
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong nhiều năm qua, ngành dệt may đã có chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Ví dụ như thị trường Mỹ thì đã tổ chức các đoàn đi khảo sát tới 12 năm, EU là 5 năm, với Nga cũng đã 5 năm và đây là lần thứ 3, các doanh nghiệp dệt may tham gia Hội chợ công nghiệp dệt may.
Mục đích là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp xúc với những thị trường tiềm năng, để kết nối với các khách hàng, giới thiệu các sản phẩm, thế mạnh của mình trong sản xuất, xuất khẩu. Tham gia hội chợ lần này có 8 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực may mặc như Tổng công ty May 10, Tổng công ty May Đồng Nai, công ty cổ phẩn Châu Sơn Toàn cầu….
Khu vực trưng bày của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tại Hội chợ Công nghiệp dệt may lần thứ 53 tại Nga. |
Các doanh nghiệp đem đến hội chợ khá phong phú các mặt hàng mà Việt Nam đang có thế mạnh trong xuất khẩu, đó là áo jacket, veston, quần âu, sơ mi, áo bò, đồ ngủ, quần áo trẻ em..., để giới thiệu với thị trường Nga. Ông Trương Văn Cẩm khẳng định, thông qua những hội chợ như thế này thì rất nhiều doanh nghiệp đã ký được các đơn hàng, và bày tỏ hy vọng, tại hội chợ lần này các doanh nghiệp cũng sẽ thành công.
“Xuất phát từ doanh nghiệp, họ phải thấy cần khai thác. Tuy khó, nhưng chúng tôi thấy khi đã vào được thì đây là thị trường khá hiệu quả. Chính vì vậy doanh nghiệp phải quan tâm. Chúng tôi muốn càng nhiều doanh nghiệp sang đây, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của thị trường càng tốt. Chúng tôi cũng mong bà con người Việt đang làm ăn, kinh doanh ở đây có sự phối hợp. Đặc biệt là sự hỗ trợ của Thương vụ ở đây, cung cấp thông tin tới doanh nghiệp”, ông Trương Văn Cẩm nói.
Chị Hoàng Hương Giang, phụ trách phòng Thị trường 2 thuộc Tổng công ty May 10 cho biết, đây là lần thứ 2 doanh nghiệp tham gia hội chợ. Các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Nga là veston và sơ mi. Đối tác truyền thống của May 10 ở Nga là công ty Handeson.
Chị Giang chia sẻ kinh nghiệm: “Nga là đối tác tương đối khó tính vì họ yêu cầu chất lượng sản phẩm cao. Handeson là khách hàng trung cấp ở Nga, mức giá của họ tương đối cao ở đây. Sản phẩm sơ mi, veston của May 10 thì đã làm cho những khách hàng cao cấp như ở Anh hay Mỹ rồi, nên với Nga không gặp khó khăn. Một năm chúng tôi cung cấp cho công ty Handeson khoảng 300.000 sản phẩm sơ mi và 50.000 bộ veston. Chúng tôi hợp tác với công ty này đã hơn 10 năm. Nhân hội chợ này chúng tôi muốn tìm kiếm thêm đối tác mới ở Nga”.
Chị Võ Hoàng Quyên-nhân viên công ty TNHH May Nguồn lực và công ty TNHH Lâm quang cũng cho biết, đây là lần thứ 3 doanh nghiệp tham gia hội chợ và luôn đạt được hiệu quả: “Công ty chuyên sản xuất jeans và kaki, xuất sang Nga khoảng 50.000 sản phẩm/tháng, đã làm được 6 năm. Các sản phẩm đi Nga có phản hồi tốt, mỗi năm công ty có thêm 3-4 khách hàng, hiện giờ có khoảng 10 khách hàng ở Nga”.
Theo ông Dương Hoàng Minh-Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga, từ khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á-Âu, trong đó Nga là thành viên chủ chốt có hiệu lực (10/2016), kimngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga tăng trưởng tích cực, riêng dệt may trong năm 2018 đạt gần 180 triệu USD, tăng 7% so với 2017, 7 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 154 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ 2018. Các doanh nghiệp dệt may trong hai năm gần đây rất tích cực tham dự hội chợ, triển lãm chuyên ngành, gặp gỡ khách hàng. Tuy nhiên, dung lượng nhập khẩu hàng dệt may của thị trường Nga là 8 tỷ USD/năm. Trong khi xuất khẩu dệt may của Việt Nam chiếm chưa đến 3% kim ngạch nhập khẩu của thị trường.
Gian hàng của công ty Trí Đức-thành viên của Tổng công ty May 10. |
Theo phản ánh của các doanh nghiệp dệt may, ngoài những nguyên nhân về khoảng cách địa lý xa xôi, cơ chế thanh toán và thủ tục hải quan còn khó khăn, vướng mắc, thì còn một nguyên nhân khác khiến tăng trưởng xuất khẩu dệt may sang Nga nói riêng và Liên minh kinh tế Á-Âu nói chung chưa được như kỳ vọng, đó là đối với một số mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như quần áo trẻ em, bị chạm ngưỡng về hưởng ưu đãi thuế rất nhanh.
Về vấn đề này, ông Dương Hoàng Minh-Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga cho biết, hai bên sẽ tìm cách tháo gỡ: “Khi đàm phán về mặt hàng dệt may, phía bạn cho đây là lĩnh vực nhạy cảm, nên họ thận trọng, chặt chẽ. Qua quá trình vận hành thì mới thấy đây là rào cản. Sắp tới hai bên sẽ rà soát, xem xét lại để tính tới các biện pháp điều chỉnh, sửa đổi, nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang liên minh và ngược lại”.
Mặt khác, ông Dương Hoàng Minh cũng chỉ ra rằng, nhìn lại 3 năm Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á-Âu có hiệu lực, kim ngạch thương mại song phương tăng bình quân 30%/năm là tương đối cao trong bối cảnh chung toàn cầu. Tuy nhiên, doanh nghiệp hai bên chưa tận dụng đầy đủ lợi thế mà hiệp định tự do mạng lại. Hiện nay chỉ có trên 20% hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Nga hoặc của Nga xuất sang Việt Nam sử dụng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi. Vì vậy các doanh nghiệp cần quan tâm tận dụng tốt hơn ưu đãi này trong thời gian tới./.
Xuất khẩu vào Mỹ: Doanh nghiệp Việt cần lưu ý gì?
Doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đầu tư tại Campuchia
Doanh nghiệp Việt vươn lên trở thành “mắt xích” trong chuỗi cung ứng
Từ khóa: Doanh nghiệp dệt may Việt Nam, thị trường Nga, doanh nghiệp, hội chợ dệt may, công ty may mặc
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN