Doanh nghiệp dệt may đảm bảo năng lực sản xuất và cung ứng khẩu trang
Cập nhật: 19/03/2020
Australia doanh nghiệp không có khả năng thanh toán tăng cao
FRISO GOLD PRO 100% nhập khẩu từ Hà Lan đã có mặt tại Đà Nẵng
VOV.VN - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp dệt may đã vào cuộc để sản xuất khẩu trang cung ứng ra thị trường.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp dệt may đã vào cuộc để sản xuất khẩu trang cung ứng ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn tình trạng một số bộ phận người dân “kêu” khan hiếm khẩu trang, nguyên nhân được chỉ ra là do nhiều người tìm mua khẩu trang y tế chứ không phải là khẩu trang vải. Ngoài ra, còn do khâu kết nối giữa cung cầu cũng như thiếu thông tin về nhà cung ứng và điểm bán khẩu trang vải đạt tiêu chuẩn.
Theo đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), với năng lực sản xuất khẩu trang hiện nay của các đơn vị thành viên, lượng cung ứng ra thị trường đã được nâng lên đáng kể. Tính đến giữa tháng 3, các đơn vị thành viên Vinatex đã cung ứng khoảng 10 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn ra thị trường. Đồng thời, hơn 300 tấn vải đã được các đơn vị của Tập đoàn bán ra thị trường nhằm cung ứng cho các doanh nghiệp may khẩu trang chống dịch, tương ứng khoảng 16 triệu chiếc khẩu trang.
Tính đến giữa tháng 3, các đơn vị thành viên Vinatex đã cung ứng khoảng 10 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn ra thị trường. |
Hiện nay, chỉ riêng Dệt Kim Đông Phương có năng lực sản xuất lên tới 500.000 mét vải dệt thoi kháng nước, kháng bụi, kháng khuẩn công nghệ nano bạc, để cung ứng cho các doanh nghiệp may có nhu cầu sử dụng, tương ứng với 15 triệu chiếc khẩu trang/tháng. Với sự chuẩn bị như vậy, lãnh đạo Vinatex khẳng định Tập đoàn có đủ năng lực sản xuất khẩu trang kháng khuẩn đáp ứng nhu cầu người dân (khoảng 40 triệu khẩu trang một tháng), với nguồn nguyên liệu hoàn toàn chủ động từ trong nước.
Không chỉ Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhiều doanh nghiệp khác cũng vào cuộc để chung tay sản xuất khẩu trang, phục vụ thị trường, đây cũng sẽ là một nguồn cung quan trọng đáp ứng cho người tiêu dùng ở nhiều địa phương khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Ông Đào Văn Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định cho biết, công ty có năng lực sản xuất vải thì có thể cung ứng may 10 triệu chiếc khẩu trang một tháng, tương ứng với 1 triệu mét vải.
“Năng lực như vậy nhưng thực tế, chúng tôi gặp khó khăn, đó là khi sản xuất đưa ra thị trường, nhưng nhu cầu đặt hàng thiếu tập trung hoặc chúng tôi ra số lượng cung không ứng với cầu thì doanh nghiệp lại gặp khó khăn, đặc biệt là khâu tài chính và thanh toán. Việc tập hợp đơn hàng thì chúng tôi phối hợp với các doanh nghiệp ở các đầu mối để chúng tôi tiếp nhận để lên kế hoạch. Và khi lên kế hoạch thì chúng tôi mới tối ưu sản lượng”, ông Đào Văn Phương cho hay.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc thúc đẩy sản xuất, phân phối khẩu trang vải phòng chống dịch Covid-19, hệ thống bán lẻ Tập đoàn BRG đã chủ động làm việc với 10 nhà cung cấp khẩu trang vải, khẩu trang y tế… để đặt hàng với số lượng lớn, đảm bảo nguồn cung và phục vụ nhu cầu của nhân dân.
“Chúng tôi cũng đã tiến hành đặt hàng kho tổng với mức khẩu trang tăng khoảng 10 lần, chúng tôi có kế hoạch đặt hàng với khối lượng lớn, tất cả các nhà cung cấp đều cam kết sẽ đáp ứng đầy đủ lượng khẩu trang vải cần thiết, giá không có sự thay đổi so với ngày trước. Chúng ta thấy là đã có sự chuẩn bị hơn 1 tháng, các doanh nghiệp dệt may cũng như xưởng gia công họ đã làm hết 1 tháng nay. Nguồn cung khá dồi dào về khẩu trang vải”, ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng giám đốc Công ty bán lẻ BRG - Tập đoàn BRG nói.
Nhiều doanh nghiệp dệt may đã vào cuộc để sản xuất khẩu trang cung ứng ra thị trường. |
Thời gian qua, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã kết nối các hệ thống phân phối bán lẻ lớn như Vincommerce, Saigon Coopmart, Big C, MM Mega Market, AEON, BRG Retail với các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp phân phối chủ động đặt hàng khẩu trang vải, nhằm đáp ứng đủ nhu cẩu khẩu trang của người dân cho phòng chống dịch bệnh. Số liệu tổng hợp từ Saigon Coopmart, Big C, Vincommerce, BRG Retail, MM Mega Market dự kiến cung ứng ra thị trường từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 3 là hơn 23 triệu chiếc, tăng 13 triệu chiếc.
Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, các hệ thống phân phối lớn đều tham gia chương trình bán khẩu trang vải, đã giúp người dân được tiếp cận khẩu trang phục vụ cho nhu cầu phòng chống dịch bệnh và không gây ra tình trạng xáo trộn.
Tuy nhiên, để thúc đẩy tiêu thụ khẩu trang vải ra thị trường, bà Lê Việt Nga đề xuất: “Chính phủ nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước để đặt hàng khẩu trang vải, trong đó có khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang vải thường, từ các nhà sản xuất khẩu trang để các nhà sản xuất chủ động có kế hoạch tăng sản xuất và phân phối khẩu trang tới các hệ thống phân phối bán lẻ, giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận khẩu trang vải phòng chống dịch bệnh”.
Để hỗ trợ người dân dễ dàng mua khẩu trang vải, Vụ Thị trường trong nước kiến nghị có công văn gửi sang Bộ Y tế để chỉ đạo các hệ thống nhà thuốc bán khẩu trang vải song song với khẩu trang y tế. Cùng đó, Bộ Y tế định hướng truyền thông mạnh hơn nữa nhằm tuyên truyền về sử dụng khẩu trang vải trong phòng chống dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự vào cuộc của các doanh nghiệp dệt may trong việc chủ động kết hợp với các nhà phân phối cung ứng khẩu trang đảm bảo tiêu chuẩn phòng, chống dịch bệnh. Tuy vậy, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối cần tiếp tục làm tốt hơn nữa trong việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu nói chung, mặt hàng khẩu trang nói riêng. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, phân phối, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác kết nối cung cầu.
Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Tổ công tác kết nối cung cầu sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố lên kế hoạch nhu cầu về khẩu trang tại từng địa phương để đảm bảo cân đối sản xuất trên cả nước.
“Chúng tôi cũng đề nghị Tổ công tác kết nối cung cầu làm việc với doanh nghiệp phân phối lớn trên địa bàn cả nước, từ đó, xác định rõ điều kiện và yêu cầu cụ thể để tổ chức cho các doanh nghiệp phân phối và có hệ thống bán lẻ tham gia việc xây dựng hệ thống cung ứng, tổ chức cung ứng mặt hàng khẩu trang này cho địa bàn cả nước. Tổ công tác kết nối cung cầu xây dựng cơ chế để báo cáo Chính phủ, đề xuất với Chính phủ, thông qua Bộ Y tế chỉ đạo có kế hoạch cung ứng miễn phí khẩu trang dành cho đối tượng xã hội như người già, người cao tuổi, người có bệnh nền, nguy hiểm đến tính mạng”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục triển khai các công tác đấu tranh, chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, bán khẩu trang giả hoặc đã qua sử dụng, các hành vi găm hàng, đầu cơ, tích trữ, lũng đoạn thị trường./.
Doanh nghiệp đang lo "ế" khẩu trang chống Covid -19
Doanh nghiệp dệt may tăng năng lực sản xuất khẩu trang kháng khuẩn
Từ khóa: khẩu trang, khẩu trang vải, covid-19, vinatex, khẩu trang kháng khuẩn
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN