Doanh nghiệp dệt may, da giày hướng tới sản xuất xanh, phát triển bền vững

Cập nhật: 19/08/2024

VOV.VN - 7 tháng năm nay, xuất nhập khẩu hàng hoá của nước ta đạt gần 440 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu hơn 14 tỷ USD, đáng chú ý là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta như dệt may, da giày đều có mức tăng ấn tượng. Các doanh nghiệp đã tiết giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh, nỗ lực đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất xanh, sản xuất thân thiện với môi trường.

7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu ngành năm nay sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, mặc dù đang có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng ngành phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nếu như trước đây, các hoạt động về phát triển bền vững chủ yếu do các nước nhập khẩu đưa ra và mang tính khuyến khích, thì nay đã được luật hóa thông qua chính sách được ban hành.

“Câu chuyện của ngành dệt may cũng như ngành da giày sẽ tập trung vào nút thắt, đó là nguyên phụ liệu. Chúng ta muốn chủ động trong nguồn cung, tránh phụ thuộc vào bên ngoài thì chúng ta sẽ phải chủ động sản xuất. Vừa rồi, ngành dệt may và da giày đã có văn bản gửi cho Bộ Công Thương kiến nghị về việc làm sao có thể thành lập và phát triển được một Trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu tại Việt Nam.

Điều này sẽ giải quyết vấn đề yêu cầu về truy xuất nguồn gốc đối với nguyên phụ liệu đang ngày càng chặt chẽ, thể hiện rõ qua các đạo luật mà phía EU cũng như phía Mỹ sẽ áp dụng. Tất cả những câu chuyện này sẽ liên quan đến truy xuất chuỗi cung ứng... Nếu như chúng ta kiểm soát được các câu chuyện này thì chúng ta mới có thể xuất khẩu được thành công...”, bà Phan Thị Thanh Xuân nói.

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, xuất khẩu dệt may có nhiều khởi sắc, nửa đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt khoảng 20 tỷ USD. Hầu hết doanh nghiệp đã ký đơn hàng xuất khẩu đến cuối năm, có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến quý I/2025. Đáng chú ý, sản phẩm dệt may Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 110 nước, trong đó thị trường xuất khẩu chính của dệt may vẫn là Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

Tuy nhiên, đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh từ nay cuối năm, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp dệt may vẫn đối mặt với khó khăn khi nhiều thị trường lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc, liên quan tới lao động và môi trường trong chuỗi cung ứng, xử lý chất thải dệt may.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, hiện nhiều nước đưa ra biện pháp phòng vệ thương mại, do vậy doanh nghiệp cần sự chia sẻ thông tin và cảnh báo để từ đó giúp doanh nghiệp có giải pháp ứng phó.

“Hiện nay, những nước đang cạnh tranh với chúng ta hoặc chúng ta xuất khẩu đến thì họ đưa ra rất nhiều những biện pháp phòng vệ. Ví dụ vừa rồi như Indonesia, người ta đưa ra những biện pháp sẽ áp đặt thuế cao, hàng loạt các nước khác. Chúng tôi xuất khẩu đến thị trường lớn, chẳng hạn như Mỹ, một số nước khác, người ta đưa ra những quy định rất khắt khe về hàng hóa, bảo vệ môi trường... Tôi cho rằng, những cảnh báo cho doanh nghiệp rất cần thiết...”, ông Trương Văn Cẩm cho biết thêm.

Năm 2024, Bộ Công Thương dự báo tăng trưởng xuất khẩu có thể vượt mục tiêu 6% đặt ra...

Bộ Công Thương đã chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài, các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Từ khóa: dệt may, dệt may, da giày, sản xuất xanh, phát triển bền vững, Doanh nghiệp dệt may

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: bá toàn/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập