Doanh nghiệp dệt may chủ động đối phó trước tác động của dịch Covid-19
Cập nhật: 17/02/2020
VOV.VN - Lường trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp dệt may đã chủ động nguồn nguyên phụ liệu, đảm bảo sản xuất kinh doanh.
Dịch bệnh Covid-19 đã tác động ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Đối với lĩnh vực thương mại, dịch bệnh này đã ảnh hưởng đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, không chỉ trong quan hệ thương mại trực tiếp với Trung Quốc mà ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp, quản lý chuỗi cung ứng.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, dệt may là một trong những ngành chịu nhiều thiệt hại do tác động của dịch bệnh này.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 nhận định, dịch bệnh Covid 19 chắc chắn sẽ tác động nhiều tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nguồn cung nguyên phụ liệu phục vụ xuất khẩu cho những đơn hàng cuối tháng 3, đầu tháng 4 sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, để giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra, Tổng Công ty đang tìm nhà cung cấp khác thay thế, tuy nhiên, về lâu dài sẽ phải tính toán đến chiến lược phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước, giúp doanh nghiệp hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.
Hiện nay, 50% nguồn cung nguyên phụ liệu đầu, công ty phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính vì vậy, trong chuỗi cung ứng, Trung Quốc vẫn đang là một trong những nhà cung cấp về nguyên liệu đầu vào lớn nhất. Do dịch bệnh phát sinh từ Trung Quốc, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của Trung Quốc và cũng sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì nguyên phụ liệu đầu vào của Tổng công ty May 10. Do vậy, Công ty đã có nhiều giải pháp trong việc chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.
“Chúng tôi sẽ cân đối và tiếp tục đôn đốc nhưng nguồn nguyên phụ liệu về kịp thời để tiếp tục duy trì sản xuất; tăng cường chia sẻ những đơn hàng để duy trì việc làm cho người lao động. Cùng với đó, tập trung sản xuất những đơn hàng là thương hiệu nội địa của May 10. Thông thường, chúng tôi sản xuất theo mùa vụ nhưng hiện nay, cũng đang cân nhắc tới việc đẩy nhanh tiến độ thiết kế mẫu để sản xuất luôn hàng thu đông của May 10. Riêng hàng hàng trong nước là chúng tôi chủ động hoàn toàn về nguyên phụ liệu. Chúng tôi cũng đã liên lạc với tất cả các khách hàng mà hiện nay đang phụ thuộc vào các nhà sản xuất Trung Quốc và yêu cầu khách hàng là người mua hàng của chúng tôi sẽ cho phép May 10 là đặt hàng tại các nhà cung cấp ở Việt Nam hoặc của các nước khác ngoài Trung Quốc để đảm bảo”, ông Thân Đức Việt nói.
Nhiều doanh nghiệp dệt may chủ động đối phó trước tác động của dịch Covid-19. (Ảnh minh họa) |
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may cho biết, nguồn nguyên liệu của ngành dệt may có một tỷ lệ lớn nhập từ Trung Quốc. Tới thời điểm này, ngành đã chuẩn bị đủ nguyên phụ liệu cho hoạt động sản xuất trong quý 1 năm nay. Tuy nhiên, tại Trung Quốc dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu đóng cửa, đặc biệt là thành phố Vũ Hán, nơi có khá nhiều nhà máy vẫn dừng hoạt động, do vậy nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu trong thời gian tới là rất cao.
Hiện nay, một số doanh nghiệp dệt may đang tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Brazil... Tuy vậy, việc chuyển đổi nguồn nguyên liệu sang quốc gia khác không hề đơn giản, đặc biệt nếu so sánh lợi thế về đơn giá, nguyên liệu do Trung Quốc sản xuất luôn thấp hơn so với các nước khác. Cùng với đó là giá nguyên liệu từ các thị trường này cao hơn nhiều so với Trung Quốc cộng thêm chi phí vận chuyển và thời gian vận chuyển sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm cũng như kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may khuyến nghị, để đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần tập trung khai thác nguồn nguyên phụ liệu trong nước hoặc từ các nước khác để thay thế nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Cùng với đó, ngoài sự chủ động của doanh nghiệp, rất cần phải có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Nhà nước.
“Các doanh nghiệp cũng phải tìm cách để duy trì sản xuất bằng cách có thể khai thác nguồn nguyên liệu trong nước, bàn với khách hàng để khai thác nguồn nguyên liệu các nước khác thay thế cho nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp cần theo dõi sát việc đóng mở cửa khẩu giữa Trung Quốc vào Việt Nam cũng như một số nước đang có dịch. Chúng ta cũng có thể là tìm mọi cách để có thể làm thế nào để có nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Tuy nhiên, trong tình trạng này thì việc khai thác nguồn nguyên liệu nước ngoài rất là khó. Bởi vì các nước cũng đều tập trung vào chống dịch”, ông Trương Văn Cẩm cho hay.
Theo các chuyên gia, nhiều năm nay, các doanh nghiệp đã tìm cách đa dạng hóa thị trường, giảm bớt phụ thuộc, do vậy, đây là dịp để các doanh nghiệp năng động hơn nữa trong việc tìm kiếm các thị trường mới để hạn chế sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhìn nhận: “Chắc chắn dịch sẽ tạo ra những biến động lớn về kinh tế toàn cầu. Đặc biệt là tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và trước hết là trong giai đoạn tháng 2, tháng 3 này khả năng có những sự đứt gãy, gián đoạn ngắn hạn của chuỗi cung ứng toàn cầu có thể xảy ra. Vì thế, mục tiêu ban đầu năm nay là dệt may phấn đấu tăng trưởng 7 % - 8 %, tức là khoảng 42 tỷ USD thì cũng cần tiếp tục theo dõi nghiên cứu và xác định những dự báo mới của thế giới để xem xét mức độ tăng trưởng này. Đến giờ phút này, tôi khẳng định rằng, ngành dệt may vẫn kiên trì với mục tiêu tăng trưởng đạt 42 tỷ USD năm nay, chưa có sự điều chỉnh gì về kế hoạch cả nhưng phải lường trước những khó khăn mà dịch cũng như sự chưa kết thúc hoàn toàn xung đột thương mại Mỹ Trung có thể ảnh hưởng đến ngành dệt may”.
Năm 2020, ngành dệt may được kỳ vọng sẽ phát triển thuận lợi nhờ triển vọng đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu khi Hiệp định EVFTA dự kiến được thực thi. Những diễn biến khó lường từ dịch bệnh Covid-19 đã làm cho các kế hoạch của bị ảnh hưởng, doanh nghiệp gặp khó khăn. Tuy vậy, thách thức cũng là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp Việt trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế, để giảm tỷ lệ phụ thuộc nguyên liệu từ Trung Quốc. Một số doanh nghiệp cũng đã sớm có kịch bản dự phòng, chủ động tìm nguồn cung thay thế hoặc đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng mà Việt Nam có thể chủ động được về nguyên phụ liệu./.
Doanh nghiệp dệt may lo dịch corona ảnh hưởng nguồn nguyên liệu
Từ khóa: doanh nghiệp dệt may, nguyên phụ liệu ngành dệt may, dịch Covid-19, Hiệp định EVFTA
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN