Doanh nghiệp Đà Nẵng mong muốn chống trì trệ như chống dịch

Cập nhật: 10/05/2020

VOV.VN - Tâm đắc với tinh thần quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, nhưng các doanh nghiệp cũng mong muốn các chính sách sớm đi vào cuộc sống.

Sáng nay (9/5), tại Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng, hàng trăm chủ doanh nghiệp đã đến tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp có chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” theo hình thức truyền hình trực tuyến.

Do số lượng doanh nghiệp đông và thực hiện giãn cách nên UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức 3 hội trường để các doanh nghiệp đều có thể dự Hội nghị. Các chủ doanh nghiệp đều tâm đắc với tinh thần quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Trung ương nhưng cũng mong muốn các chính sách sớm đi vào cuộc sống.

doanh nghiep da nang mong muon: chong tri tre nhu chong dich hinh 1
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, TP Đà Nẵng cho rằng, đây là hội nghị mà ở đó Thủ tướng đã khơi dậy được một không khí mới, mở ra một vận hội mới để giới doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Thủ tướng đã khơi được lòng yêu nước của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tận dụng thời cơ để cùng với phát triển Nhưng đồng thời, Thủ tướng cũng ra thông điệp với các cơ quan nhà nước khẩn trương chấn chỉnh lại cách làm việc của mình. Nếu như trước đây, Thủ tướng ra thông điệp “chống dịch như chống giặc” bây giờ phải “chống trì trệ như chống dịch”.

“Cơ quan nhà nước cần phải sửa đổi lại lề lối làm việc của mình, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sau dịch. Tôi cho rằng đây là một vận hội rất tốt. Hội nghị có nhiều phát biểu hay, trong đó có phát biểu của anh Vũ Tiến Lộc. Ngoài những yêu cầu thay đổi mang tính vĩ mô, đề nghị thành lập một cơ chế để bảo đảm cho những người dám nghĩ, dám làm. Thủ tướng đã kêu gọi được sự cam kết của các doanh nghiệp nước ngoài, thấu nghe được hết các nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước”, ông Trần Văn Lĩnh tâm đắc.

doanh nghiep da nang mong muon: chong tri tre nhu chong dich hinh 2
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước TP Đà Nẵng

Ông Trần Minh Dõng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Viettronimex Đà Nẵng cho biết, là đơn vị kinh doanh bán lẻ nên doanh thu bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đã đưa ra nhiều biện pháp ứng phó kịp thời như cơ cấu lại các nguồn hàng, chuẩn bị cho cơ hội mới. Sau hội nghị này, doanh nghiệp ông sẽ tìm ra những định hướng kinh doanh trong giai đoạn mới.

“Giải tỏa được sự mong chờ của doanh nghiệp từ người điều hành cao nhất của đất nước. Qua nội dung hội nghị chúng tôi thấy rất nhiều phương hướng hỗ trợ, đồng thời những hướng mà đất nước đã đề ra. Chúng tôi sẽ dựa trên những hướng đó để thực hiện hoạt động kinh doanh trong giai đoạn mới”, ông Trần Minh Dõng cho hay.

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhỏ và vừa TP Đà Nẵng cho biết, thực tế thời gian qua, Chính phủ, người đứng đầu chính phủ rất quyết liệt trong các chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy vậy, chuyển biến trong cải cách hành chính chưa được như mong muốn. Vì vậy, điều cần thiết là từng cán bộ trong bộ máy hành chính phải có sự chuyển biến thật sự.

doanh nghiep da nang mong muon: chong tri tre nhu chong dich hinh 3
Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Đà Nẵng

“Qua hội nghị trực tuyến này, chúng tôi rất mừng bởi cảm thấy Chính phủ, các bộ ngành vào cuộc rất quyết liệt để giúp doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế. Và chúng tôi hiểu rằng, hỗ trợ của Chính phủ cũng có chừng mực, phần còn lại là nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp. Trong nguy cũng có những cơ hội, sẽ có những ngành nghề, có những cơ hội làm ăn mới”, ông Phạm Bắc Bình nói.

Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hệ thống Giáo dục Skyline tại Đà Nẵng đánh giá cao việc Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị với doanh nghiệp để bàn giải pháp phục hồi nền kinh tế do ảnh hưởng dịch Covid-19. Theo bà Phương, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, các địa phương cần đánh giá lại mức độ thiệt hại của từng doanh nghiệp một cách chính xác để có chính sách hỗ trợ kịp thời.

Tuy nhiên, bà Nam Phương cho rằng, việc lấy mốc ngày 1/4 để tính thiệt hại và áp dụng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp là chưa phù hợp. Bên cạnh đó, dù các cấp, các ngành đã tích cực cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn còn quá chậm, khoảng cách giữa chủ trương và thực hiện vẫn còn xa. Với tinh thần chung tay góp sức, doanh nghiệp sẽ tự lực cánh sinh nhưng rất cần sự hợp tác của từng cán bộ cho tới thành viên Chính phủ trong giải quyết các thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp tiếp cận sớm nhất các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

“Tôi nghĩ rằng đây không phải là buổi để doanh nghiệp kêu khó, kể khổ. Vấn đề là chúng ta thay đổi sự vận hành hiện nay để xác lập tạo cơ hội cho doanh nghiệp cũng như là Chính phủ, các chính quyền địa phương xác lập lại vị thế của mình trong điều kiện hậu Covid-19”, bà Lê Thị Nam Phương nêu ý kiến./.

Từ khóa: hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp khó khăn, doanh nghiệp Đà Nẵng, dịch Covid-19

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập