Doanh nghiệp da giày chật vật “vượt bão” Covid-19
Cập nhật: 12/04/2020
1.600 con heo chết cháy ở Gia Lai, thiệt hại 6,5 tỷ đồng
Thi công xuyên Tết, tăng tốc đưa các dự án cao tốc về đích năm 2025 (13/01/2025)
VOV.VN - Thiếu nguyên liệu sản xuất, cạn kiệt vốn trong khi vẫn phải chi trả lương cho người lao động,… là những khó khăn mà các doanh nghiệp da giày đang đối mặt
Gần 3 tháng nay, sự bùng phát và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp, ngành nghề lao đao. Da giày – một trong những ngành công nghiệp chủ lực của đất nước cũng đang chật vật tìm cách duy trì hoạt động, đợi cơn bão “Covid-19” đi qua.
Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần giày Phúc Yên chia sẻ, từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, thị trường tiêu thụ chính của doanh nghiệp là Mỹ và châu Âu đã đóng cửa, ngừng nhập hàng, nhiều đơn hàng bị hủy do dịch bệnh. Đến nay, mặc dù Trung Quốc đã mở cửa, thông thương trở lại, nguồn nguyên liệu được nhập về nhưng sản phẩm lại bí đầu ra, không tiêu thụ được, khiến tình hình của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Ông Vinh buồn rầu: “Sản lượng giày hiện đã giảm 30 - 40% so với cùng kỳ năm trước, hết tháng 5 tới không biết tình hình thế nào, doanh nghiệp sẽ đi đâu, về đâu. Do phần lớn sản phẩm sản xuất ra để dành cho xuất khẩu nên rất khó tiêu thụ tại thị trường nội địa bởi giá thành cao”.
Chỉ vài ngày nữaCông ty cổ phần kết nối châu Âu Eurolink có thể sẽ phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động do hết vốn, cạn kiệt nguyên liệu. |
Từ đầu năm cho đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp vẫn đang xuất khẩu đơn hàng cũ, còn đơn hàng đang sản xuất khách hàng đã lùi thời gian giao hàng đến tháng 6, tháng 7. Với tình hình này, doanh nghiệp chỉ có thể cầm cự sản xuất được đến cuối tháng 4 sau đó sẽ phải tiến hành giãn, giảm lao động hoặc cho nghỉ chờ việc.
“Với quy mô 1.500 lao động, nếu các đơn hàng vẫn không được xuất đi, đơn hàng mới không được ký kết thì sau tháng 4, mỗi tháng doanh nghiệp vẫn phải trả trợ cấp cho người lao động 70% lương tối thiểu vùng, tức là phải chi trả hơn 3 tỷ đồng/tháng, đây là số tiền lớn đối với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay”, ông Trần Quang Vinh cho biết.
Với Công ty cổ phần kết nối châu Âu Eurolink tình hình còn bi đát hơn, ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc điều hành cho biết, đây là thời điểm “đen tối” của doanh nghiệp, với đặc thù chuyên sản xuất các mặt hàng thời trang, cả da giày và may mặc, khó khăn hiện hữu còn lớn hơn nhiều các doanh nghiệp khác.
Đến thời điểm này, vật tư nguyên phụ liệu của công ty đã gần hết, sản xuất bị ngừng trệ, dự tính đến ngày 20/4 sẽ hết nguyên phụ liệu sản xuất. Việc nhập khẩu nguyên liệu hiện giờ là không thể bởi thị trường châu Âu đã đóng cửa, trong khi 70-80% nguyên liệu phải nhập từ Italia, quốc gia đang là tâm dịch của EU. Ban lãnh đạo doanh nghiệp đang rất lúng túng, chưa biết sẽ phải chuyển đổi sản xuất như thế nào để duy trì doanh nghiệp.
Khó khăn tiếp theo là vốn, đối tác khách hàng đã dừng lại các đơn hàng, chưa có thông tin phản hồi để nhận đơn hàng tiếp theo. Các cửa hàng trong nước thì đóng cửa, hoàn toàn không tiêu thụ được sản phẩm, khiến doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn vốn.
Hiện tại, công ty đang sử dụng 300 lao động, để đảm bảo quyền lợi, giữ chân người lao động, doanh nghiệp vẫn đang chi trả mức lương tối thiểu chờ việc cho họ. Thế nhưng, với tình hình tài chính hiện tại, doanh nghiệp chỉ có thể duy trì được 1 – 2 tháng. Nếu dịch bệnh kéo dài hơn nữa thì sẽ phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động”, ông Nguyễn Hữu Thành lo âu.
Ngành dệt may, da giày và thuỷ sản kiến nghị hỗ trợ vượt qua dịch bệnh
Bà Phan Thị Thanh Xuân, tổng thư ký Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết, diễn biến phức tạp của dịch Covid- 19 khiến các thị trường mua hàng lớn của ngành da giày - túi xách Việt Nam là Mỹ, EU giảm mạnh đơn hàng, nhất là khi các quốc gia và khu vực này đóng cửa biên giới. So với cú sốc nguyên liệu, cú sốc thị trường nghiêm trọng hơn rất nhiều, bởi không chỉ ảnh hưởng tới tài chính của doanh nghiệp mà còn là vấn đề việc làm, thu nhập của người lao động và biến động lao động sau dịch bệnh.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, các hợp đồng đàm phán của quý 2, thậm chíquý 3 chưa thể chốt được do lượng tiêu thụ tại EU, Mỹ giảm mạnh sau các lệnh phong tỏa, đóng cửa điểm bán ở những quốc gia này.
Để gỡ bớt một phần khó khăn cho các doanh nghiệp công nghiệp, Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam, Bộ Công Thương đã kiến nghị cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 2019, 2020; hoãn nộp Thuế VAT đến hết quý 4/2020; Gia hạn và miễn, giảm tiền thuê đất, phí hạ tầng khu công nghiệp, phí xử lý nước thải trong thời gian nhà máy dừng hoạt động do dịch bệnh; Cho phép miễn nộp phí công đoàn năm 2020 cho cả người sử dụng lao động và người lao động.
Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ngành ngân hàng có giải pháp hỗ trợ giảm tỷ lệ ký quỹ, giảm phí thanh toán quốc tế đối với doanh nghiệp có nhập khẩu nguyên liệu để doanh nghiệp sớm tiếp cận vốn, phục hồi sản xuất; hỗ trợ kéo dài thời gian vay vốn lưu động lên 11 tháng, bao gồm cả phần đang vay do nguyên phụ liệu về chậm và khách hàng cũng chậm trả, giãn tiến độ giao hàng./.
Từ khóa: doanh nghiệp da giày, thiếu nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, dịch covid-19
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN