Doanh nghiệp có vai trò quyết định sự phát triển của TPHCM
Cập nhật: 19/10/2019
Lalamove đồng hành mang “Tết Hy Vọng 2025” đến Bệnh viện Nhi Đồng 2
Cảm nhận chất sống tinh hoa tại căn hộ mẫu The Senique Hanoi
VOV.VN - Cùng với các doanh nghiệp đã tạo dựng được thương hiệu, TPHCM ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp chung tay vì sự phát triển chung.
Từ đầu năm 2019 đến nay, TPHCM có 32.553 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 507.000 tỷ đồng (tăng 3,55% số lượng doanh nghiệp và tăng 34,2% về vốn đăng ký so cùng kỳ). Như vậy, đến thời điểm này, TPHCM có trên 400.000 doanh nghiệp và mục tiêu đến năm 2020 là 500.000 doanh nghiệp.
Động lực phát triển của thành phố, không chỉ là kinh tế mà còn là các lĩnh vực khác đều nằm ở đây. Cụ thể như, khi thành phố chủ trương xây dựng đô thị thông minh, thành phố thông minh thì doanh nghiệp trong từng lĩnh vực đã sớm nhận định được rằng mình sẽ tham gia ở khâu nào, để có sự chuẩn bị về nguồn lực, chủ động xúc tiến đầu tư.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng: “Không chỉ doanh nghiệp bất động sản mà tất cả các doanh nghiệp đều tham gia vào phát triển thành phố, xây dựng đô thị thông minh, kể cả những doanh nghiệp start-up. Nhưng những doanh nghiệp bất động sản và hạ tầng là những doanh nghiệp đầu tiên tiên phong. Vì một đô thị thông minh đầu tiên phải có hạ tầng tốt, hạ tầng công nghệ cao nên khi xây dựng các khu đô thị này thì các chủ đầu tư đưa những công nghệ tốt nhất vào để từ đó triển khai được đô thị thông minh.”
Một nút giao thông hiện đại của TPHCM |
Nhiều nhà nghiên cứu kinh tế, nhà khoa học cho rằng, chính doanh nghiệp cùng thành phố tham gia chuẩn bị hạ tầng và sau đó hạ tầng cùng với cơ chế, chính sách của TPHCM trở thành yếu tố quyết định để tiếp tục thu hút đầu tư, phục vụ sự phát triển.
TPHCM là một siêu đô thị của Việt Nam, thành phố không đơn thuần thu hút doanh nghiệp trong nước mà còn phải thu hút những doanh nghiệp hàng đầu khu vực và thế giới. Sự cởi mở về cơ chế đã bước đầu có được trong Nghị quyết 54 của Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TPHCM. Nhưng nhìn xa hơn, nhiều nhà nghiên cứu còn kiến nghị có cơ chế đặc khu như các nước khác dành cho các địa điểm đặc biệt. Trong thành phố này, vai trò của chính quyền là nhạc trưởng nhưng để trỗi lên được bản nhạc thì tiên phong phải là doanh nghiệp.
“Quan trọng nhất để dẫn dắt đô thị này phát triển, đó là các doanh nghiệp, người đi tiên phong biết chính xác thị trường cần gì. Thứ hai là giới hàn lâm, giới nghiên cứu. Nhóm thứ 3 là các nhà tài trợ quốc tế để tạo ra sự phát triển cho TPHCM. Nói chung là chính quyền TP phải đóng vai trò nhạc trưởng để hát lên bản giao hưởng sao cho chúng ta đạt được mục tiêu” - TS Huỳnh Thế Du, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nói.
Doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển của thành phố bằng đầu tư dài hạn và cả nguồn thu hàng năm. Năm 2019, thành phố được giao chỉ tiêu thu ngân sách 399.125 tỷ đồng nhưng thành phố phấn đấu thu 407.000 tỷ đồng. Trong đó, một số nguồn thu quan trọng như thu từ bất động sản đang bị giảm sút, nên sự đóng góp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp lại càng đặc biệt quan trọng.
“Vai trò của doanh nghiệp trong đóng góp vào thu ngân sách của thành phố ngày càng tăng và ngày càng có vai trò quyết định. Với môi trường đầu tư kinh doanh thành phố luôn nỗ lực hoàn thiện, cải thiện vì thế nên tổng các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố vốn đầu tư năm sau luôn gia tăng so với năm trước. Doanh nghiệp sẵn sàng bỏ thêm vốn vào để đầu tư và đem lại hiệu quả tốt hơn” - ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho biết thêm.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong. |
Kinh tế thành phố đang trong thời kỳ chuyển giai đoạn nhưng còn nhiều vướng mắc. Trước hết, đó là cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý, kinh tế nông nghiệp đóng góp ít hơn 1% tổng sản phẩm nội địa nhưng đang sử dụng 45% đất của TPHCM, còn kinh tế dịch vụ và công nghiệp chiếm hơn hơn 99% tổng sản phẩm nội địa của thành phố nhưng chỉ có 8% diện tích đất nên đang thiếu trầm trọng.
Cùng với đó là cơ cấu tài chính công của thành phố vẫn bất hợp lý, dân số cứ sau 5 năm tăng lên khoảng 1 triệu người nhưng nguồn vốn ngân sách cho phát triển rất hạn chế, ngân sách được phân bổ lại giảm chỉ còn 18% tổng thu…Do vậy, vốn đầu tư cho phát triển, làm hạ tầng, mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP trông mong chủ yếu vào doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Chính quyền TPHCM cam kết làm hết sức mình để doanh nghiệp thực sự trở thành động lực của đô thị sáng tạo. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, đảm bảo một môi trường kinh doanh thông thoáng, một khung pháp lý minh bạch, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp và cung cấp cho doanh nghiệp sự hỗ trợ tốt nhất.”
TPHCM là trung tâm kinh tế lớn, thu nhập bình quân đầu người đạt 6.000 USD/năm, đóng góp 22% GDP, 27% ngân sách cả nước. Thành phố đang nỗ lực để tạo sự phát triển mạnh hơn, có tính đột phá hơn. Để hiện thực hóa mục tiêu chung đó, nhất thiết phải có sự tham gia của doanh nghiệp./.
Đưa doanh nghiệp thành trung tâm của đổi mới sáng tạo quốc gia
Doanh nghiệp lo nguy cơ bất bình đẳng khi ứng dụng “sandbox”
Từ khóa: doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, vai trò của doanh nghiệp, phát triển TPHCM
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN